“Trốn đông” ở Phan Thiết

Du khách có thể dễ dàng tìm một chốn yên ả và thanh bình ở Phan Thiết (Bình Thuận) để thư giãn ngay trong những ngày lễ, “trốn” khỏi không gian đông đúc, ồn ào. Đó là khu vực phía Nam Phan Thiết…

< Biển Phan Thiết.

Không ồn ào, náo nhiệt như Hòn Rơm, Mũi Né hay Bãi Dương, biển nam Phan Thiết dịu dàng như một nàng con gái xuân thì đang ngon giấc. Nét tinh khôi của biển xanh, cát trắng hiện hữu nơi đây. Biển nơi đây dài và đẹp, kéo dài từ Phan Thiết đến thị trấn La Gi (huyện Hàm Tân) khoảng 40 km. Bãi biển thoai thoải, nhiều đoạn có những bãi đá đẹp.

Du lịch tuyến này chưa được khai thác nhiều, ngoại trừ một số resort dọc đường đi, chỉ chiếm khoảng vài chục héc-ta. Còn lại là biển xanh ôm lấy bờ cát chạy dài theo đường đi. Trong tương lai, nơi đây sẽ biến thành một đô thị du lịch với các resort nối sát nhau. Ngay từ bây giờ, nhiều du khách chọn nơi đây làm điểm đến để tận hưởng cho thỏa thích thiên nhiên của biển.

Cách thành phố Phan Thiết khoảng 26 km dọc theo bờ biển này có hải đăng Khe Gà - một trong những ngọn hải đăng đẹp và lâu đời nhất Việt Nam. Hải đăng nằm trên một hòn đảo nhỏ, cách bờ chỉ khoảng 300-500 m, tùy vị trí tiếp cận. Lúc nước ròng, khách có thể đi bộ từ đất liền ra đảo này dễ dàng. Thú vị nhất là vượt biển ra với hải đăng. Chuyến đi đông người, khách dễ tổ chức cuộc thi vượt biển qua eo biển này. Một sợi dây dài nối từ bờ ra đảo làm “cứu tinh” phòng khi đuối sức, vọp bẻ. Khách đi biển chuyên nghiệp thì thích bơi ra đảo.

Mất ít nhất 20-30 phút vượt biển nhưng ai nấy cũng thấy “đã” khi chinh phục được eo biển này. Đặt chân lên đảo trong niềm hân hoan, khách bị “hớp hồn” khi bước chân lên các bậc thang làm bằng đá lên hải đăng. Ngọn hải đăng hùng vĩ được xây dựng bằng đá cẩm thạch trông uy nghi và vững trải. Dưới chân ngọn hải đăng hiện còn tấm bia đá đề năm 1899, nhưng thông tin về ngọn hải đăng này ghi năm khởi công là năm 1897 và chính thức hoạt động vào năm 1900.

Tháp hải đăng cao 41 m, được xem là cao nhất Việt Nam. Ngọn hải đăng này được xây dựng hình bát giác trên đỉnh của đảo, ở độ cao 25 m so với mực nước biển. Lên đến ngọn đèn, khách leo lên 183 bậc thang. Nói có vẻ dễ nhưng có người phải dừng chân 3-4 lần mới đến đỉnh tháp mà chân vẫn còn run. Từ hành lang của đỉnh tháp, du khách có thể phóng tầm nhìn xa hàng chục cây số. Gió lồng lộng, khách đứng ngắm cảnh mãi không chán.

Đảo hải đăng này còn là nơi lý tưởng để câu cá và nghỉ lại qua đêm vào những đêm trăng tròn. Nằm cách biệt với đất liền, đảo rất yên tĩnh, giành trọn cho khách phương xa những giờ phút thư giãn lý tưởng. Phần lớn đảo là đá nên khách có thể men theo bờ đá buông câu cả ngày lẫn đêm. Cá nhiều vô số kể. Những tay sát cá có thể câu cá đến vài ký, có khi dính cả cá đuối, cá nâu và cá mú to đùng... dư cho bữa ăn của cả đoàn khoảng chục người.

Dịch vụ du lịch tuyến này khá ít ỏi nên khách có thể tự chuẩn bị đồ ăn, vật dụng nấu nướng để chế biến món ăn theo ý mình. Thực phẩm chủ yếu là hải sản mua tại các chợ làng nhóm họp của cư dân địa phương hoặc từ ghe đi biển nên rất tươi ngon, thích hợp để nướng và luộc. Nếu không chuẩn bị được “bếp di động”, khách có thể nhờ bếp tạm ở nhà dân gần đó. Một số nhà dân các khu dân cư ven biển có phục vụ ăn uống cho du khách nên khách không phải lo lắng mà dành nhiều thời gian cho đùa giỡn với sóng biển.

Mùa này, biển dịu êm với những con sóng nhỏ. Cái nắng gay gắt của miền Trung chỉ có biển mới “trị” được. Vì thế, các tour đi biển dịp lễ này luôn đắt khách và đóng sổ sớm hơn mọi năm. Biển nam Phan Thiết luôn tạo thú vị cho du khách bởi làn nước trong lành và mát mẻ, bờ cát sạch sẽ và trắng mịn màng. Khi tắm biển đã đời, khách nằm dưới gốc cây dọc bờ biển, lắng nghe tiếng sóng vỗ về giữa thiên nhiên mênh mông. Không suy nghĩ gì cả, cơ thể thả lỏng, thư thái, khách mau chóng lấy lại cân bằng, xả stress và cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn bao giờ hết.

Sau khi “tránh đông” ở vùng biển phía Nam, khách quay về Phan Thiết để hòa mình vào không khí nhộn nhịp của thành phố du lịch, lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt. Một vòng quanh các điểm du lịch như: Hòn Rơm, Đồi Hồng, lầu Ông Hoàng..., khách dừng lại sông Cà Ty chảy qua trung tâm thành phố để ghi nhận những khoảnh khắc cuộc sống của cư dân miền biển.

Đêm dạo trên bờ biển Đồi Dương ở cuối đường Nguyễn Tất Thành để nhìn ra biển khơi. Ngoài đó, ghe và thúng câu lên đèn trông như một thành phố nổi xa xa...

- Theo Du Miên (báo Hậu Giang), internet