Đầu năm, du lịch Sơn Tây

Nói đến Sơn Tây là nói đến Đền Và, Thành cổ, chùa Mía… - những địa danh đã đi vào lịch sử và trở thành danh thắng quốc gia.
Là vùng đất cổ của người Việt, Sơn Tây quê hương của Phùng Hưng và Ngô Quyền, có nhiều di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng. Trên bước đường du Xuân đầu năm, mời bạn ghé qua thị xã xứ Đoài - dừng chân thưởng ngoạn non nước và tình người nơi đây.

Thành cổ Sơn Tây nằm giữa trung tâm thị xã, trên cái nền xanh cây cối ngút ngàn không chỉ tôn thêm giá trị, mà tạo sức hấp dẫn du khách. Thành cổ Sơn Tây được xây từ năm Minh Mạng thứ 3 (năm 1822) từng được người Pháp ca ngợi là một công trình kiệt tác của nền kiến trúc An Nam.

Thành có 4 cửa quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông và lần lượt có tên là: cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả. Trước đây bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ có hai cửa chính là cửa Tiền và cửa Hậu, có cầu bắc qua hào nước, dẫn vào cổng thành.

Hiện 4 cổng thành bằng đá ong còn giữ được nguyên vẻ nguyên sơ cổ kính, trên các cổng có vọng lâu và ụ súng. Theo sử sách ghi lại, ngày trước, thành Sơn Tây có 5 khu: khu giữa thành là khu nghi lễ, hai ao sen hai bên, có vọng lâu cao 18 thước.

Trong thành có điện Kính Thiên rộng 5 gian lợp ngói lưu ly, bên trong có 2 cột tròn làm bằng gỗ lim, đường kính 0,5 mét sơn màu cánh gián. Hai gian bên có cửa sổ tròn trang trí hình chữ Thọ.

Trong thành có các hạng mục kiến trúc: cột cờ (tức vọng lâu) cao 18m, cửa hành cung, hành cung, hai giếng vuông, phía trước khu nghi lễ (Hành Cung, sân, điện), gần với cửa Tiền. Điện ở đây từng là tòa nhà 5 gian hai trái, tám mái chồng diêm, nằm khoảng chính giữa thành, là nơi làm việc của các quan.

Ngày nay, trải qua nhiều biến cố, thành cổ đã bị tàn phá nhiều nhưng những đường nét, dấu tích xưa cũng đủ khiến du khách thỏa niềm hoài cổ.

Trong hành trình du Xuân thị xã xứ Đoài, sân gôn Đồng Mô thuộc địa bàn xã Sơn Đông cũng là một điểm đến hấp dẫn. Sân gôn Đảo Vua nằm trên một hòn đảo thơ mộng, xứ sở của những huyền thoại gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh.

Đến với sân gôn Đảo Vua, du khách sẽ được tận hưởng cảm giác thoải mái trong giờ phút nghỉ ngơi thư giãn và đắm mình trong một khung cảnh thiên nhiên khoáng đạt, ở đây các tay gôn có cơ hội thửsức và vượt qua chính mình tại những hố gôn mang đầy tính thử thách, được đánh giá là một trong những sân gôn đẹp nhất Đông Nam Á.

Ngược theo đường Hồ Chí Minh khoảng 7 km, du khách đến vơí làng cổ Đường Lâm. Đây được xem là nguyên mẫu làng cổ của cư dân vùng đồng bằng sông Hồng được cả nước và bạn bè quốc tế biết đến. Tại đây, có những nếp nhà được xây dựng cách đây hàng vài thế kỷ.

Đường Lâm có tới 956 ngôi nhà truyền thống trong đó các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh lần lượt có 441, 350 và 165 nhà. Có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ năm 1649, 1703, 1850.... Căn nhà lâu đời nhất có tuổi thọ hơn 400 năm vẫn lưu giữ được bài văn cúng tế bằng chữ nho được viết bằng mực tàu trên một tấm ván.

Các chi tiết làm nên" linh hồn" của nhà cổ gồm có tường đá ong, cổng đá ong, lối đi lát gạch nghiêng, bậu cửa cao và gian thờ tổ tiên.

Các ngôi nhà trong làng đều có kiểu nội tự - ngoại khách, sân nhà thấp hơn mặt đường, vào những ngày mưa, nước từ ngoài dồn vào trong sân (tụ thủy sinh tài) rồi mới chảy thoát ra đường cống.

Bạn cũng sẽ được gặp gỡ những con người với nếp nghĩ, nếp sống chân thành cởi mở, đặc biệt mến khách. Bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức những đặc sản làng cổ như gà Mía, kẹo lạc, chè kho, kẹo dồi… mà Tết đến nhà nào cũng để dành đãi khách phương xa. Người dân Đường Lâm rất ý thức về giá trị văn hóa của làng mình. Họ biết rõ vẻ đẹp trầm mặc cổ kính của những ngôi nhà cổ đang thu hút khách thập phương tìm về để nôn nao cùng... quá khứ.

Xứ Đoài còn có chùa Mía, có hiệu là “Sùng nghiêm tự” cách thủ đô Hà Nội chừng 45km về phía Tây. Chùa được xây dựng trên một quả đồi nằm giữa làng Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Chùa Mía được xây dựng từ mãi xa xưa. Đến thế kỷ 17, Chùa bị hoang phế điêu tàn. Năm 1632 Cung phi Nguyễn Thị Ngọc Dong đã đứng ra khuyến mộ thiện nam tín nữ các làng Đông Sàng, Mông Phụ, Cam Thịnh, Cam Toàn… thuộc tổng Cam Giá (tức Tổng Mía) cùng nhau tôn tạo lại.

Cung Phi Ngọc Dung còn gọi là Ngô Thị Ngọc Diệu, là phi tần trong phủ chúa Trịnh Tráng (1623 – 1657) vốn là người làng Nam Nguyễn (Nam An) trong Tổng Mía.

Nhân dân trong vùng mến mộ uy đức của Bà, đã tạc tượng đưa vào phối thờ ở Chùa và còn có đền riêng. Vì tôn kính nên gọi là “Bà Chúa Mía.” Về sau Chùa được tu bổ nhiều lần, song đến nay quy mô tôn tạo thời Bà chúa Mía dường như vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Các tòa Tam Quan, Chính Điện, Thượng Điện, Nhà Tổ, hành lang san sát nối kề, trong ngoài bao bọc, ngang dọc đan xen, tọa dáng thành hình chữ Mục.

Tượng Phật ở Chùa Mía không chỉ đặc sắc về hình dáng, mà còn phong phú về số lượng. Trong Chùa hiện thờ 287 tượng lớn nhỏ, gồm 6 tượng đồng, 107 tượng mộc và 174 tượng thổ. Trăm pho trăm vẻ, nhưng pho nào cũng tạo ra một kiểu dáng sống động, màu sắc chế phối hài hòa. Từ cử chỉ của ngón tay đến cài nhìn của khóe mắt, đều cho khách viếng thăm thấy được nét độc đáo phi phàm mà lại đầy vẻ từ bi hỷ xả: “Người xưa đã tạc bao nhiêu tượng, đầy vẻ từ bi dáng cứu đời.”

Sơn Tây có Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, đây là nơi hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia, nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt.

Làng văn hóa được xây dựng với tổng diện tích 1544 ha, gồm các khu chức năng như: Khu làng dân tộc, Trung tâm văn hóa giải trí và dịch vụ tổng hợp, khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô...Nơi đây sẽ là địa điểm lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam.

Còn nữa, đối với người Sơn Tây, mùa Xuân đến gắn liền với hội Đền Và. Đền Và thuộc thôn Vân Gia, Xã Trung Hưng. Hàng năm lễ hội đền Và mở vào ngày rằm tháng giêng. Cứ 3 năm thì tổ chức lễ hội lớn một lần vào các năm Tý - Mão - Ngọ - Dậu. Năm lễ hội lớn ở đền Và có lệ tục rước nước do dân làng Di Bình thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đảm nhiệm. Cũng vào năm tổ chức lễ hội lớn, các làng có liên quan tín ngưỡng ở đền cùng nhau tổ chức một cuộc rước lớn. Tất cả có 8 làng tham gia, gồm: Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Đạm Trai thuộc xã Trung Hưng; làng Phù Sa, Phú Nhi (Bần Nhi) thuộc xã Viên Sơn và làng Di Bình (tỉnh Vĩnh Phúc).

Lễ hội diễn ra trong một không gian rộng, được tổ chức chặt chẽ. Lễ hội bắt đầu mở từ ngày 13 tháng giêng. Dân thôn Vân Gia lên đền dọn dẹp, trang trí cờ hội. Buổi chiều dân các thôn rước cỗ kiệu của làng mình về đặt ở sân trước nhà tiền tế tại đền Và.

Các cỗ kiệu xuống thuyền qua sông. Cư dân vạn chài ở trên sông tấp nập kéo tới, ghép thuyền lại thành một cầu phao lớn cùng đưa đoàn rước sang sông và họ nhập vào đoàn rước trở thành những ngư­ời đi hội. Quan niệm của dân vào ngày này vạn chài nào trên sông làm nhiều điều phúc thì Thánh Tản sẽ cho nhiều lộc lớn trong năm.

Sang ngày 15 tháng giêng, ngày chính hội là những cuộc vui chơi, tiếp đón khách thập phương đến đền Và dâng h­ương, hoa trái và viếng Đức Thánh Tản. Ngày 15 ở sân tr­ước nhà tiền tế có đấu vật. Các đô vật xứ Đoài đến vật chầu bóng Thánh, sau đó diễn trò vui vật giật giải, một thú vui đua sức, đua tài vốn rất được dân xứ Đoài hâm mộ.

Xứ Đoài Sơn Tây còn có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng khác như đền thờ Phùng Hưng, Lăng Ngô Quyền, đền thờ thám hoa Giang Văn Minh, làng Việt cổ đá ong, giếng cổ Đường Lâm, thác Lụa, suối Huy Mân... và nhiều thắng cảnh đẹp khác, một trung tâm của vùng văn hoá với núi Tản, sông Đà xứng đáng là vùng đất “địa linh, nhân kiệt” mà bạn sẽ đến trong mùa xuân.

- Tổng hợp