Cung đường lau lách
Nhóm thích lang thang chúng tôi gồm mười người rủ nhau đến Sơn Động bằng xe gắn máy giữa ngày đông giá rét. Xuất phát từ thành phố Bắc Giang lúc tờ mờ sáng với mong muốn chinh phục chùa Đồng (Yên Tử) từ vùng núi phía tây, thăm bản Mậu (bản mỹ nữ có nhiều gái đẹp tiến vua thời phong kiến xa xưa). Xe chúng tôi nối đuôi nhau chạy bon bon giữa thiên nhiên tươi đẹp. Sau hơn bốn giờ qua chặng đường 293 lắt léo nhiều ổ voi, ổ gà cùng những con suối nằm chắn ngang lối đi trơ toàn đá sỏi, Tây Yên Tử (thuộc địa phận huyện Sơn Động, Bắc Giang) hiện ra trước chúng tôi là những dãy núi màu xanh biếc cùng hoa cỏ ngát hương.
Những vạt lau trải dài chục cây số
Một hành trình đẹp như mơ bởi những rừng trúc trùng điệp, núi non như những làn sóng biển trời. Nơi đây ẩn chứa sức hút kỳ lạ từ cánh rừng nguyên sinh với ngút ngàn mây trắng, cảnh vật, thiên nhiên hoang sơ đẹp mê hồn. 10 giờ đoàn đến địa phận thị trấn Thanh Sơn. Sau bữa trưa chóng vánh bên bãi đất rộng dưới chân thác Ba Tia, chúng tôi lại lên đường trên hành trình xuyên rừng già Yên Tử. Giữa chặng đường ấy chúng tôi như bị hút hồn bởi những vạt hoa lau bạt ngàn nằm sát hai bên vệ đường.
Đường tỉnh lộ 291 uốn lượn ôm vòng quanh các quả núi với mặt lộ trải nhựa khá phẳng và đẹp, vậy mà để đi hết gần chục cây số từ thị trấn Thanh Sơn đến bản Đồng Rì rồi ngược ra Tuấn Mậu, chúng tôi đã tiêu tốn hơn một giờ.
Lý do thật đơn giản, cứ đi được vài chục mét cả đoàn lại dừng chân ngắm cảnh rừng núi, nghỉ ngơi và ghi lại những bức hình của các hàng rào lau lách đua nhau nghiêng ngả trong gió chiều. Không bỏ qua cơ hội được tận hưởng cảm giác hoà mình cùng thiên nhiên tươi đẹp nơi đây, chúng tôi cứ mải mê và bị cuốn theo những bông lau trắng toát mà quên rằng hành trình phía trước còn khá dài.
Trước vẻ đẹp khó cưỡng ấy, anh Phương (30 tuổi) – một cư dân sống tại thị trấn Thanh Sơn hồ hởi dẫn đường, đồng thời tự nguyện làm hướng dẫn viên cho đoàn vào thăm mấy khu đất trống toàn bông lau giăng kín. Anh Phương cho biết: cứ độ gió heo may về là bông lau tại đây bắt đầu bung nở, hoa lau thường được người dân lấy về làm chổi quét nhà, thân và lá dùng làm vật liệu lợp mái nhà. Xưa kia còn phơi khô làm nguyên liệu dệt nệm ấm – “của hồi môn không thể thiếu của cô dâu vùng núi khi về nhà chồng”. Cây cỏ lau thường mọc ở những khu đất ẩm, bằng phẳng ven rìa rừng. Tuy nhiên lau lách là loài cỏ rất dễ cháy nên vào mùa khô người dân đi rừng nếu sơ ý có thể gây hoả hoạn, cháy rừng.
Suối thác và cảnh vật đầy ấn tượng
Chỉ tay về phía sâu trong rừng xanh, anh Phương bảo, đó là nhà máy nhiệt điện Đồng Rì. Cũng nhờ có nhà máy công nghiệp này mà vài năm trở lại đây đời sống của dân trong vùng có nhiều khởi sắc. Lớp trẻ thì xin vào làm công nhân nhà máy, người già thì mở hàng quán, dịch vụ…, vậy nên “phố núi” Thanh Sơn có phần sầm uất hơn. Hơn nữa, thời gian gần đây du lịch tại Tây Yên Tử cũng đã được nhiều du khách chú ý. Một số đoàn khách, đặc biệt là khách quốc tế (trung bình mỗi tháng có từ một đến hai đoàn khách nước ngoài), bắt đầu tham gia khám phá Tây Yên Tử. Bộ mặt của bản làng, theo đó, cũng thay đổi nhanh chóng.
Trong rất nhiều vẻ đẹp vốn có của núi rừng Tây Yên Tử, là những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Nơi đây có những con suối, thác cao tuôn dài những vạt nước trắng xoá.
Sự hoang sơ, kỳ bí của cảnh vật, người dân bản địa chất phác, thật thà… và đặc biệt, để lại nhiều ấn tượng với chúng tôi hơn cả vẫn là khung cảnh bạt ngàn lau lách ven đường. Ở đó, có sự hiền hoà, thơ mộng lẫn với không gian yên ả, thanh bình của vùng cao. Dẫu chỉ là quãng đường ghé qua nhưng mỗi thành viên chúng tôi không quên mang về thành phố một bó bông lau trắng muốt như một chút dư vị của núi rừng...
- Theo Hồng Ngoan (SGTT), internet
north vietnam motorbike tours Loop Bike Tours có mở tua đến đó bạn biết chứ
Trả lờiXóa