Dấu xưa bên bờ Cổ Chiên
Theo các tư liệu lịch sử, địa phận tỉnh Vĩnh Long nguyên là đất Tầm Đôn - Xoài Rạp (đất Tầm Đôn còn gọi là xứ Tầm Đôn), vị trí trung tâm của Tầm Đôn xưa thuộc khu vực thành phố Vĩnh Long ngày nay. Năm 1732, Ninh Vương Nguyễn Phúc Chú (1696-1738) đã lập ở phía nam dinh phiên trấn đơn vị hành chính mới là dinh Long Hồ, châu Định Viễn, tức tỉnh Vĩnh Long ngày nay.
< Dinh Long Hồ, dấu tích của thành Long Hồ, nay thuộc thành phố Vĩnh Long.
Nhờ đất đai màu mỡ, giao thông thuận lợi, dân cư đông đúc, việc buôn bán thông thương phát đạt, địa thế trung tâm, dinh Long Hồ trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng thời bấy giờ. Để bảo đảm an ninh quốc gia, chúa Nguyễn đã thiết lập ở đây nhiều đồn binh như Vũng Liêm, Trà Ôn...
Đến giữa thế kỷ 18, dinh Long Hồ là thủ phủ của vùng đất phía nam và là đại bản doanh của quân đội nhà Nguyễn có nhiệm vụ phòng thủ, chống ngoại xâm. Nơi đây cũng từng diễn ra nhiều cuộc giao chiến ác liệt giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Năm 1784, tại sông Mang Thít (Vĩnh Long) nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã đánh bại liên quân Xiêm La can thiệp do Nguyễn Ánh cầu viện.
< Di tích cửa hữu thành Long Hồ được dựng lại.
Ngoài những điểm vui chơi, giải trí sôi động phù hợp với giới trẻ, nhiều du khách đến Vĩnh Long có sở thích thăm lại những dấu ấn văn hóa, lịch sử từ thời mở cõi. Nơi đầu tiên nên tìm đến là di tích “cửa hữu thành Long Hồ”. Đây là công trình kiến trúc vừa mới phục dựng lại trên nền cũ của thành Long Hồ xưa, hiện thuộc phường 1, thành phố Vĩnh Long. Nơi đây có một cây đa rất to lớn, sum suê là dấu vết cuối cùng còn lại của thành Long Hồ xưa.
Theo sách Gia Định Thành Thông Chí, thành Long Hồ là một trung tâm hành chính, quân sự quan trọng của chúa Nguyễn - triều Nguyễn ở phương Nam. Năm Quí Dậu, tháng 2, đời Gia Long thứ 12 (1813) triều đình Huế lệnh cho quan Khâm mạng trấn thủ Lưu Phước Tường của trấn Vĩnh Thanh xây dựng thành.
Thành đắp bằng đất, cửa chính hướng Đông - Nam. Chu vi thành rộng 750 trượng (một trượng bằng 3 thước), cao 1 trượng dày 2,5 trượng. Thành có 5 cửa quay về 5 hướng Đông - Tây - Bắc - Đông Nam và Tây Nam. Cửa tiền của thành ở hướng đông.
Bên ngoài mỗi cửa thành đều có một đoạn thành cong án ngữ bao vòng cửa. Bốn góc thành tạo thành hình hoa mai. Quanh thành có hào rộng, sông sâu. Trong thành có hai con đường dọc, 3 đường ngang, 3 công thự, kho lương, nhà thừa ty, trại lính và hành cung. Phía đông thành có quan lộ chạy dọc sông Long Hồ, phía tả là nhà Sứ Quán, phía hữu là chợ Vĩnh Thanh. Riêng góc nam của thành, chỗ tiếp giáp với sông Long Hồ, có xưởng Thủy sư (xưởng đóng tàu).
< Văn Xương các, VĩnhLong.
Trải qua thời gian và những biến động lịch sử, thành xưa chỉ còn trong tư liệu, sử sách. Di tích ngày nay gồm có cổng thành mô phỏng theo sách, tư liệu cũ, giả cổ khá đẹp, cửa vòm hình vòng cung, mái lợp ngói miểng xanh. Qua cổng thành bước lên 18 bậc tam cấp sẽ đến nhà bia. Nhà bia có bố cục đơn sơ nhưng trang trọng với lư đỉnh đặt trước văn bia. Văn bia ghi, kể tóm tắt, sơ lược nguồn gốc, xuất xứ của trấn Vĩnh Thanh và thành Long Hồ. Các hoa văn, phù điêu trang trí trong nhà bia đơn giản hài hòa với nét chân phương, thanh nhã. Chung quanh di tích là một khuôn viên thoáng mát có nhiều cây cảnh, hoa kiểng với “cây đa cửa hữu” tỏa che rợp mát một vùng đất rộng…
Viếng thăm di tích “cửa hữu thành Long Hồ”, ta dễ có cảm xúc hoài cổ khi mường tượng nơi đây, xưa kia, hơn một thế kỷ trước là thành quách oai nghiêm, trú sở hiểm yếu của quân binh thành Long Hồ, sau là thành Vĩnh Long, bây giờ chỉ còn lơ thơ dấu vết.
< Cầu Lộ, Vĩnh Long.
Đến thăm Văn Thánh Miếu ở khóm 3, phường 4, thành phố Vĩnh Long, ta sẽ nhìn thấy lại những dấu xưa trên những di tích còn đậm dấu ấn văn hoá cách đây non 150 năm. Văn Thánh Miếu được xây dựng năm 1864, thờ đức Khổng tử và các học trò của ông như Tăng Tử, Mạnh Tử, Nhan Tử… Văn Thánh miếu toạ lạc trên mảnh đất rộng trên một hecta ngó ra sông Long Hồ. Kiến trúc của Văn Thánh Miếu sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa mang dáng dấp vừa cổ xưa vừa hiện đại, nhưng vẫn nổi bật được sắc thái văn hoá phương đông qua cấu trúc, bố cục cũng như những đường nét nghệ thuật kiến trúc tài hoa.
Cổng tam quan xây theo lối cổ lâu có ba tầng mái. Sau cổng là thần đạo đi thẳng vào điện Đại Thành. Hai bên là hai hàng sao cao vút, giữa thần đạo là ba tấm bia đá ghi lại những sự việc có liên quan đến Văn Thánh miếu. Cuối đường thần đạo là diện Đại Thành. Bên trong, nơi chính điện thờ Khổng Tử, hai bên tả ban, hữu ban thờ các thánh nho. Bên ngoài điện Đại Thành có hai miếu nhỏ (tả vu, hữu vu) thờ Thất thập nhị hiền.
< Chùa Giác Thiên.
Trong khuôn viên Văn Thánh Miếu còn có ao sen và một công trình kiến trúc nhỏ nằm bên phải lối vào; đó là Văn Xương các (còn gọi là Tụy Văn lâu). Hai bên phải và trái trước Văn Xương các có hai khẩu súng thần công đại bác, tương truyền là súng đã dùng để bảo vệ thành Vĩnh Long từ năm 1860. Văn Xương các là nơi thờ các ngài Văn Xương và Võ Trường Toản, đồng thời làm nơi dạy học, đọc sách, hội họp; còn là nơi các văn nhân, thi sĩ thường đến ngâm thơ, vịnh cảnh và đàm luận văn chương. Hàng năm ngày Thơ Việt Nam thường tổ chức nơi đây.
Viếng chùa Giác Thiên bạn sẽ rất thú vị khi khám phá tại ngôi chùa nầy có bia của 34 vị cao tăng từ Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam. Ngôi chùa cổ này được xây dựng từ năm 1907, hiện tọa lạc tại số 70 đường Trần Phú thành phố Vĩnh Long. Trải qua nhiều lần trùng tu, hiện nay chùa có thêm cổ lầu, cổng tam quan giả cổ, đài Bát Nhã Tâm Kinh với phong cách kiến trúc vẫn giữ được bản sắc văn hóa vốn có. Những khi lễ hội, trai kỳ, có rất đông bà con Phật tử và khách các nơi đến tham quan, cúng bái, vãn cảnh.
< Cầu Lầu.
Vĩnh Long có hai công trình nhỏ nhưng đã có hàng trăm năm tuổi và đáng chú ý về ý nghĩa di tích của một thời phát triển giao thông địa phương. Thứ nhất là cầu Lầu (ở phường 1 thành phố Vĩnh Long) bắc qua con rạch Cầu Lầu, vốn cũng là một đoạn hào bảo về thành Long Hồ xưa kia. Hồi đó, cầu Lầu là một cầu gỗ căm xe, lát ván, giữa có vọng gác dựng trên 4 cây cột cao, rộng độ 6-7 mét, lợp ngói âm dương, bốn bên đều có lỗ châu mai. Lầu gác nầy có nhiệm vụ quan sát, theo dõi người và các phương tiện qua cầu vào khu vực thành Long Hồ. Tên cầu Lầu có từ đó. Ngày nay, gác lầu không còn nữa, nhưng tên gọi cầu Lầu đã trở thành quen thuộc với người Vĩnh Long. Ở đầu cầu phía bên kia (chỗ có chợ Cầu Lầu hiện nay) khi xưa là xóm Lò Rèn chuyên làm đồ binh khí cho quân lính đóng trong tòa thành.
< Sông Cổ Chiên, đoạn qua TP.Vĩnh Long.
Cây cầu thứ hai cũng ở phường 1 là cầu Lộ, bắc qua rạch Ngư Câu (hay còn gọi là rạch Cái Cá) là cây cầu có từ đời Pháp thuộc. Cầu có kiến trúc đơn giản. Đặc biệt dọc theo hai bên lan can cầu vẫn còn hai hàng cột đèn đúc bằng xi măng hình khối lăng trụ trông rất đẹp mắt. Ở cầu Lầu, quan quân có nhiệm vụ canh phòng mặt sông Long Hồ; còn ở Cầu Lộ, quan quân có nhiệm vụ canh phòng mặt sông Cổ Chiên. Nhưng đến khi quân Pháp đến chiếm thành Vĩnh Long ít lâu, Cầu Lầu bị phá đi, và cho làm lại bằng bê tông cốt thép. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, những ngọn đèn trên Cầu Lộ vẫn còn với thời gian như những nhân chứng qua bao cuộc đổi thay.
- Theo Thủy Bình (Ashui), internet
0 nhận xét: