Hòn Chuối trong ráng chiều

Quá giang tàu chở hàng, chúng tôi ra hòn Chuối từ cửa sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Nắng chiều rải bạc trên biển thành một con đường lấp lánh, dẫn chúng tôi thẳng hướng Tây suốt ba giờ của hải trình 18 hải lý.

Hòn Chuối nằm trong chuỗi hòn nhỏ trên biển Tây. Phía Bắc là Hòn Sơn Rái thuộc tỉnh Kiên Giang, phía Nam là Hòn Khoai. Trong ba anh em ấy thì Hòn Chuối là em út vì diện tích chỉ 130 hecta với 37 hộ dân sinh sống. 281 công dân ở Hòn Chuối đều được ghi trong hộ khẩu là cư ngụ tại khóm 1, thị trấn Sông Đốc. Tất cả đều là những công dân nghèo, được hưởng trợ cấp của chính phủ về Y tế và Giáo dục.

< Những ngôi nhà bình dị nép dưới chân hòn.

Bà Trần Thị Sáu là người cao tuổi nhất Hòn Chuối, năm nay 77 tuổi. Năm 1972, quá giang tàu cá, bà Sáu đã đưa cả gia đình ra sinh sống trong những hốc đá trên hòn đảo không người này.

Hòn Chuối có ba gành: Gành Nam, Gành Chướng và Gành Nồm. Từ tháng Chín đến tháng Ba âm lịch, người dân sống ở Gành Nam để tránh gió chướng. Và ngược lại, từ tháng Ba đến tháng Chín âm lịch, cộng đồng lại gồng gánh nhau về Gành Chướng để tránh gió mùa Tây Nam. Thời điểm dọn nhà là lúc giao mùa, khi hai ngọn gió chưa nổi lên, cả hai phía hòn đều lặng sóng.

< Tàu cào, tàu cá nối nhau về hòn để tránh sóng trái mùa.

Ra đảo mưu sinh, nghề chính của cư dân là câu cá lạc, loài cá chọn vùng biển Hòn Chuối để sinh sống, cũng như cá khoai thường quanh quẩn bên Hòn Khoai và cá hố tìm về mũi Cà Mau.

Những đêm tối trời, biển êm, chèo xuồng chưa mỏi tay là đến chỗ thả câu. Cá lạc gặp thịt cá ba thú, cá đối là đớp mồi, mắc câu. Câu cá lạc là nghề "đồng vợ đồng chồng". Ban đêm chồng bủa câu, gỡ cá, ban ngày vợ tóm lưỡi câu, xếp gắp, gài nẹp cho giềng câu thẳng thớm.

< Những học trò nghèo trên hòn Chuối.

Bốn mươi năm trước, khi bước chân lên Hòn Chuối tìm chốn nương thân, người dân nơi đây thấy một lư hương, được cho là của ông Đạo Năm, thầy tu chuyên hốt thuốc Nam bị thực dân Pháp trục xuất khỏi đảo vì tình nghi ông liên hệ với Vệ Quốc đoàn. Cái lư hương gợi cảm hứng cho tín ngưỡng, người dân đã lập miếu thờ Bà Chúa Hòn như ông Đạo Năm xưa kia. Cơn bão số 5 năm 1997 quét qua hòn Chuối làm cây cối gãy đổ ngổn ngang, nhưng miễu thờ Bà không hề hấn gì, dù cột kèo bên trong đã cũ mục. Từ đó, chuyện tôn thờ Bà Chúa Hòn càng linh thiêng. Ngư dân trúng mùa, cúng dường tu bổ miếu. Bá tánh làm ăn, khai trương, động thổ, hạ thủy, thường ra đây thỉnh ý Bà.

< Hải đăng hòn Chuối.

Rằm tháng Hai âm lịch, khi ở cửa Sông Đốc, tàu bè ra khơi Nghinh Ông thì ở Hòn Khoai, ngư dân - phần lớn là phụ nữ ra Hòn Chuối vía Bà. Năm nào bà Nguyễn Kim Sa từ Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân cũng ra Hòn Chuối để đơm cho Bà Chúa Hòn một cỗ bánh bò. Những cái bánh trắng, xanh, vàng, đỏ được đính lên một đoạn thân cây chuối. Vài năm gần đây, bên cạnh miếu Bà, người ta đặt thêm tượng Bà Nam Hải và Phật Bà Quan Âm, thành một quần thể tín ngưỡng trang nghiêm.

< Lồng nuôi cá bóp trên đảo Hòn Chuối.

Nơi đây, bộ đội biên phòng dạy chữ cho con em ngư dân học từ lớp 1 đến lớp 3, trong khi ngành giáo dục "bó tay" không cách gì tìm được thầy cô nào dám ra đảo có mấy chục hộ dân để dạy học. Cán bộ quân Y hằng ngày chữa bệnh cho dân. Các chiến sĩ biên phòng canh giữ đất trời, bảo vệ cuộc sống bình yên cho đảo nhỏ.

Rằm tháng Hai âm lịch năm 2012, Hòn Chuối vừa có lễ cúng Bà Chúa Hòn vừa có một đám cưới. Chàng rể là lính biên phòng vừa ra quân và cô dâu là người được sinh ra ở đây. Không có xe hoa “đưa dâu rước rể”, họ đến với nhau bằng những bước chân qua những gành đá.

Chiều xuống, gió "Nam ngoài" mang đám mây màu chì, phút chốc dán kín nửa bầu trời đàng Tây. Nắng lèn mây, dọi xuống mặt biển in muôn ngàn tia nắng lấp lánh rượt đuổi nhau, rồi kéo nhau vô hòn.

Hòn Chuối rực vàng nổi rõ những căn nhà bình dị. Tàu cào, tàu cá nối nhau  về hòn để tránh sóng trái mùa có thể dậy lên trong đêm. Cá sang tàu, mực đổi hầm, nước đá xay thêm, dầu bơm bổ sung cho ra khơi trọn chuyến. Bạn lưới gặp nhau í ới, cặp tàu, so mạn ghe. Nhìn từ xa, Hòn Chuối sừng sững trên biển như một mẫu hạm.

- Theo Trần Chí Kông (Phunuonline), internet