Mốt phượt vào ngày Tết
Nhiều tiền thì đi du lịch
Tết Nguyên đán là một dịp hiếm hoi trong năm được nghỉ dài ngày nên không ít gia đình tranh thủ những ngày này để đi du lịch. Chính vì thế những năm gần đây du lịch Tết trở thành xu hướng, và cũng là một trong những dịp làm ăn tốt của các công ty du lịch. Năm nay, kỳ nghỉ Tết kéo dài đến 9 ngày càng thuận lợi hơn cho các gia đình có sở thích du lịch. Không chỉ du lịch trong nước, nhiều người còn chọn tour đi nước ngoài.
Chị Nguyễn Thị Bích (Thành Công, Ba Đình) cho biết, trước kia năm nào Tết gia đình chị cũng kéo nhau về nội ngoại đôi bên. Nhưng mấy năm gần đây khi các con đã lớn và kinh tế khá giả hơn, dịp Tết anh chị thường dành thời gian đi du lịch các nơi. “Gần chục năm, năm nào Tết đến cũng về quê. Càng ngày Tết càng nhàm, chỉ suốt ngày đầu tắt mặt tối với việc nấu nướng, tiếp khách, rồi chúc tụng nhau. Vì vậy mấy năm nay, ông bà đã mất nên chúng tôi chỉ về trước Tết, còn lại ăn Tết trên Hà Nội hoặc đi du lịch.
Năm nào có điều kiện thì đi nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc. Năm nay kinh tế khó khăn hơn một chút nên gia đình tôi chỉ đi trong nước thôi”. Còn anh Bùi Văn Tiến lại cho biết quê vợ chồng anh ở tận Quảng Bình, những năm trước năm nào vợ chồng con cái cũng kéo nhau về quê ăn Tết, tiền vé máy bay, tiền quà biếu cũng ngót nghét 50 triệu đồng - số tiền đó gia đình anh có thể đi du lịch ở nước ngoài. Thế nên mấy năm nay, gia đình anh cứ luân phiên một năm về quê, 1 năm chỉ gửi quà về biếu họ hàng ở nhà còn gia đình đi du lịch.
Khảo sát một số doanh nghiệp lữ hành, có thể thấy dù kinh tế khó khăn hơn, lượng khách du lịch nội địa và nước ngoài đều giảm hơn so với năm trước nhưng vẫn đông hơn nhiều ngày thường, nhiều công ty đã hết chuyến. Thông thường mọi người đi trước Tết hoặc từ mùng 2 Tết, đích đến chủ yếu là những quốc gia hàng xóm như Singapore, Thái Lan, Hong Kong với mục đích vui chơi, mua sắm. Còn sau Tết, các tour du lịch trong nước, tour hành hương, lễ chùa lại đắt khách.
Giới trẻ phượt… trốn Tết
Với những bạn trẻ, có thể vì ít tiền, cũng có thể thích sự mới mẻ, chủ động khám phá nên du lịch bụi, phượt là một lựa chọn tối ưu. Những năm gần đây, trào lưu du lịch phượt dịp Tết rộ lên trong giới trẻ. Trương Phương Hiền, nhân viên một công ty truyền thông cho biết, năm nay cô đã có kế hoạch phượt 7 ngày với nhóm bạn mới quen trên diễn đàn du lịch. Điểm đến của nhóm sẽ là Lào và Campuchia. “Có đi mới thấy nó vô cùng thú vị, mọi người rất đồng cảm, vô tư. Mỗi lần đi thấy tầm nhìn được mở mang hơn, cuộc sống ý nghĩa hơn và yêu quê hương đất nước, yêu con người hơn.
Vì vậy tranh thủ lúc chưa bị ràng buộc gia đình, hầu như năm nào em cũng cố gắng đi 1 chuyến vào những dịp nghỉ dài ngày. Bố mẹ mới đầu cũng ngăn cản, sau thì cũng quen dần.” - Hiền chia sẻ. Cũng theo Hiền phượt dịp Tết rất thú vị so với các dịp khác, vì mình được nếm trải hương vị Tết ở khắp các vùng miền cùng với những đồng bào dân tộc anh em. Có năm đón giao thừa với đồng bào người Mông ở Loóng Luông (Mộc Châu, Sơn La), đồng bào Mông ở đây dành cả tháng để ăn Tết, đàn, hát. Lại có năm thăm chợ tình Sa Pa ăn thịt nướng, uống rượu.
Không chỉ các bạn trẻ độc thân thích phượt mà nhiều cặp vợ chồng “ưa xê dịch” cũng tham gia vào những chuyến phượt. Trần Nam Thành (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết hai vợ chồng lấy nhau được 3 năm nhưng vẫn kế hoạch chưa sinh con. Ăn Tết ở nhà, thăm thú họ hàng mãi cũng chán, đi chơi thì chen chúc, dịch vụ thì tranh thủ “chém” từ cái vé gửi xe trở đi. Thế nên năm nay hai vợ chồng quyết định nhập nhóm bạn bè đi du lịch bụi vào các tỉnh miền Tây. Nhóm của anh có 3 gia đình bao gồm 6 người lớn và 2 trẻ em (là con của 2 gia đình còn lại), tự chuẩn bị vé tàu xe, chỗ ăn chỗ ngủ để sáng sớm mùng 2 Tết là xuất phát.
Đối với dân phượt, dịp Tết Nguyên đán năm nay là một cơ hội hiếm hoi được nghỉ dài ngày. Người có nhóm gia đình, bạn bè thì đi chung, còn không chỉ cần lên các diễn đàn mạng “ới” một tiếng là có thể thành lập ngay một nhóm phượt. Trên các diễn đàn du lịch từ nhiều tháng trước đã xuất hiện hàng loạt lời kêu gọi tạo nhóm phượt Tết, kiểu như: “Cần tìm người đi Lào, Campuchia dịp Tết”, “Có ai đi xuyên Việt Tết này không?” “Singapore dịp Tết”, “Phượt miền Tây Tết âm lịch”, “Tìm bạn đồng hành phượt Trung Quốc ăn Tết”, “Ai muốn ăn Tết ở Hà Giang”, “Mùa đông Tây Nguyên”… được nhiều người hào hứng.
Nhiều thành viên vào hỏi kinh nghiệm, người đi rồi chia sẻ với người chưa đi. Một thành viên cho biết: Tết ở nhà năm nào cũng giống năm nào, chỗ chơi ở thành phố không có, về quê thì suốt ngày bị lôi đi uống rượu, rồi chúc mừng, mừng tuổi… vừa chán, vừa viêm màng túi. Thế nên năm nay phải làm một chuyến đi mấy nước láng giềng để trốn Tết. Đi du lịch thì mình cũng đi nhiều rồi, nhưng cảm giác tự cầm bản đồ lò mò chỗ nọ chỗ kia, đi những chỗ mình thích, ăn những món mình thích thì mới cảm nhận được hương vị nơi mình đến.
Điểm đến của dân phượt cũng vô cùng đa dạng. Người thì thích tới những điểm xa xôi, khó khăn như Mù Cang Chải (Yên Bái), một số huyện nghèo ở Hà Giang để kết hợp làm từ thiện. Lại có người thích hòa trong sương mù và ngắm những người dân tộc xúng xính váy áo ngày Tết ở Hà Giang, Sapa, Sơn La, Lai Châu… Lại có người trốn rét vào các tỉnh miền Nam như Vũng Tàu, Phan Thiết hay vùng Tây Nam Bộ. Với dân phượt trong nước thì hành lý chỉ gồm 1 chiếc ba lô đựng quần áo, máy ảnh và vài dụng cụ cần thiết, phương tiện thường là ô tô khách, tàu hỏa, có nhóm còn đi bằng xe máy.
Không nên quá cực đoan
Đối với người Việt Nam, Tết là dịp để quây quần gia đình, thăm hỏi chúc Tết họ hàng. Dân gian có câu “mùng một Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” cũng cho thấy truyền thống bao năm qua của người Việt là Tết hướng về gia đình, họ hàng. Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng hiện đại và tư duy của lớp người trẻ cũng thay đổi nhiều cộng với áp lực cuộc sống nên những ngày Tết người ta có nhiều nhu cầu vui chơi, giải trí hơn.
Trương Phương Hiền quan điểm: Mọi người vẫn nghĩ cả năm có mấy ngày Tết để gặp nhau mà mình lại gói ghém đồ đạc để lên đường tìm những cái Tết ở những nơi xa lạ là “tư duy ngược”. Nhưng tôi nghĩ quan trọng là tấm lòng, trong cuộc sống thường ngày mình dành những thứ tốt đẹp nhất cho gia đình, ngày Tết mình cũng cố gắng dành một khoảng thời gian nhất định cho gia đình. Còn chuyện phượt ngày Tết, đã đam mê thì không đi không chịu được.
GS.TS Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam) cho rằng việc du lịch hay phượt dịp Tết là một trong những nhu cầu trong những nhu cầu đa dạng của xã hội hiện đại, nhất là năm nay thời gian nghỉ Tết dài đến 9 ngày. Nhiều người chọn hình thức đoàn tụ gia đình nhưng không nhất thiết ở nhà, ví dụ cả gia đình đi đến một nơi nào đó ăn Tết. Hay những bạn trẻ chưa có gia đình thì có xu hướng phượt Tết để tìm cảm giác mới mẻ.
“Việc này có thể nhận được phản ứng của nhiều người nhưng tôi nghĩ chúng ta nên chia sẻ, tạo điều kiện cho giới trẻ chứ không nên phê phán, cấm đoán họ. Những trường hợp cực đoan, vượt quá giới hạn sẽ được điều chỉnh, cân bằng trở lại vì tư duy của con người dao động theo kiểu con lắc. Có thể lúc còn trẻ thì họ muốn như vậy, nhưng vài ba năm nữa khi có gia đình họ sẽ hướng đến gia đình, họ hàng nhiều hơn.” – GS Ngô Đức Thịnh chia sẻ.
- Theo Linh Nhật (ANTĐ), internet
0 nhận xét: