Mừng "Tết con rắn" ở cột mốc số 0
Tết con rắn Hồ Sự Chà
Đến hẹn lại lên, cứ vào tháng 12 dương lịch hằng năm, người dân tộc Hà Nhì khắp Việt Nam lại vui tết cổ truyền của dân tộc mình. Tây Bắc mùa này hoa trạng nguyên nở rộ khắp các cung đường như món quà tạo hóa ban tặng cho dân bản đón tết.
< Người Hà Nhì làm bánh dày đón tết.
Tết Hà Nhì bao giờ cũng theo lịch dương, không có ngày cố định nhưng lịch được chọn theo ngày giờ đẹp. Tức là ngày rồng, tháng chuột, giờ dê để các trưởng bản già làng và người dân tổ chức đón tết. Tết Hà Nhì còn được gọi với một cái tên mỹ miều và cũng đặc trưng là Hồ Sự Chà.
Người Hà Nhì từ già tới trẻ không ai giải thích được từ Hồ Sự Chà có ý nghĩa cụ thể là gì. Chỉ biết từ đó có nghĩa là tết cổ truyền mà tổ tiên truyền lại. Họ bảo, người Hà Nhì không có con chữ riêng, chỉ có ngôn ngữ nên không biết rõ Hồ Sự Chà là gì.
Nhưng có một điểm giống với người Kinh là họ có lịch 12 con Giáp. Năm trước là tết con rồng thì năm nay là tết con rắn, rồng rắn lên mây nên cách tổ chức cũng gần giống nhau. Tuy rằng, tết Hồ Sự Chà mỗi nơi mỗi khác nhưng tựu chung lại ở một điều, tết không chỉ là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới mà còn là ngày hội để dân bản tụ họp ăn uống và chúc nhau những lời chúc sức khoẻ, may mắn, thuận lợi và cầu cho đồng ruộng được tốt tươi, ngô sắn đầy nương, con cháu đầy nhà.
Ở Mường Nhé chỉ có 4 xã là có người Hà Nhì. Chúng tôi dọc theo các xã để vui tết, đến đâu cũng thấy rượu và những điệu xòe đẹp đến mê hồn của những thiếu nữ sơn cước có phần kiêu sa trong bộ đồ sặc sỡ sắc màu của dân tộc mình.
Đêm thứ nhất tại xã Leng Su Sìn, một xã giáp ngã ba biên giới chỉ khoảng 20 cây số. Dân cư nơi đây không phải quá đông nhưng cũng không ít. Đêm vui tết, tất cả bản làng quần tụ nhau lại, họ ăn uống hát hò bằng ngôn ngữ riêng của người Hà Nhì.
Ở Sín Thầu vui hơn vì gần như 100% dân cư nơi đây là người Hà Nhì. Họ sống trên những thung lũng rộng lớn ở biên giới. Phía bên kia là Trung Quốc và Lào, bên này là Sín Thầu "đỏ lửa". Sở dĩ, người ta gọi là Sín Thầu "đỏ lửa" vì người bản địa còn giữ được truyền đốt lửa suốt đêm ngày để vui tết Hồ Sự Chà.
"Kha pi pô"
< Trang điểm đón tết.
Những em nhỏ tung tăng trong bộ đồ mới theo chân bố mẹ đi chúc tết. Những sơn nữ đẹp như tranh vẽ thướt tha trên cung đường núi đá như điểm xuyết thêm sắc màu rực rỡ cho vùng mốc số 0. Những cụ già còng lưng chống gậy nhưng tay mang theo chai rượu ngô thơm nức, gặp ai cũng uống, gặp ai cũng chúc "kha pi pô" cách nồng nhiệt.
"Kha pi pô" nghĩa là gì? Giản đơn thôi, đó là chúc sức khoẻ. Người Hà Nhì thường chúc sức khoẻ nhau trong năm mới, nếu nói đủ nghĩa thì phải là "Hồ Sự Chà kha pi pô", nghĩa là chúc mừng năm mới. Cụ già gặp em nhỏ vẫn cúi đầu xin chúc "kha pi pô", nam thanh nữ tú gặp nhau mời uống bát rượu và chúc "kha pi pô", người bản làng gặp khách lạ cũng rót rượu mời uống và chúc "kha pi pô".
Đến cột mốc số 0, người lạ sẽ không còn cảm giác lạ lẫm, cũng không có cảm giác mình là khách. Bởi giản đơn, với người Hà Nhì, tất cả là một, là anh em bản làng. Tết là dịp để đoàn tụ, để uống rượu hỏi thăm và chúc nhau sức khoẻ.
Bất kể bạn là nam hay nữ, lớn hay nhỏ đều phải uống rượu. Khi người đối diện đã rót ra bát, bạn phải uống cạn và đáp lời "kha pi pô". Không khí lạnh vùng biên giới càng như lạnh hơn vào ngày Hồ Sự Chà để bản làng uống thêm bát rượu, ăn thêm phần xôi nếp nương.
Bản ta hát thâu đêm
Giữa ngã ba biên giới hoang lạnh, đêm vui tết Hà Nhì bừng sáng, cả một vệt dài biên giới chói ánh lửa hồng. Tiếng hát vang khắp bản này sang bản khác. Tiếng nhạc, tiếng trống chiêng vang vui phơi phới. Sau khi uống rượu bữa tối, người Hà Nhì tập trung nhau lại để giao lưu văn nghệ. Những bài hát trữ tình của người Hà Nhì vang lên hợp cùng điệu xòe sơn nữ khiến bất kỳ ai cũng phải rung động.
Tôi gặp cô gái Sừng Thị Pi, sơn nữ đẹp nhất bản A Pa Chải của Sín Thầu. Bộ đồ sặc sỡ càng thêm dáng kiêu kỳ với má hồng ánh lửa. Họ duyên dáng và ngọt ngào trong giọng hát Hà Nhì, không chỉ qua giọng hát, họ còn thể hiện sự hiếu khách đến kỳ lạ.
Ông Cha Cừ Xè, một cao niên bản A Pa Chải bảo: "Cái tết Hồ Sự Chà là phải thật vui, bản làng ăn uống nhảy múa suốt đêm ngày. Càng hát nhiều, vui nhiều thì năm mới có nhiều niềm vui, may mắn".
Quả thật, ở ngã ba biên giới, đêm hội Hồ Sự Chà là đêm vui nhất trong 365 ngày. Họ quan niệm, đó là thời điểm thượng đế xuống kiểm tra công việc mà con người đã làm trong năm vừa qua. Cho nên, dù ai đi ngược về xuôi, ở bản làng nào thì phải về quê hương bản quán sắm sửa lễ tết cho chu đáo.
Các món tết truyền thống của người Hà Nhì mỗi nơi mỗi khác, ở ngã ba biên giới, món không thể thiếu là thịt lợn xiên và bánh dày. Thịt lợn thể hiện cho lộc trời, bánh dày thể hiện cho phúc đức tổ tiên. Mâm cỗ tết dù nhiều món thế nào cũng không quan trọng, nhưng thịt lợn xiên và bánh dày phải là món chủ đạo để cúng thần.
< Bộ đội biên phòng vui tết cùng người Hà Nhì.
Ở ngã ba biên giới, không chỉ có đêm tết Hồ Sự Chà mới nhảy hát thâu đêm. 3 ngày tiếp theo cũng được tổ chức linh đình để dân bản sang nhà nhau chúc tết. Đó cũng là dịp để con cháu và bạn bè gặp gỡ chúc tụng nhau sau một năm xa cách. Cột mốc số 0 trong những ngày này thật đông đúc, ngã ba biên giới vang lên tiếng chiêng tiếng trống suốt đêm ngày chào mừng ngày tết Hồ Sự Chà.
"Tết của người Hà Nhì không thống nhất về thời gian nhưng lại giống nhau ở cách chọn ngày. Ngày đầu của tết phải là ngày rồng, tháng chuột theo lịch tính riêng của người Hà Nhì. Chúng tôi rất tự hào khi người Hà Nhì luôn giữ được bản sắc dân tộc mình để không bị hòa tan và mất đi".
Ông Sừng Sừng Khai (Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn).
- Theo Kienthuc, internet
0 nhận xét: