Ăn Tết trên "kho vàng 4.000 tấn"

Gia đình ông Trần Văn Tiệp (96 tuổi, TP.HCM) đã cho xe múc, xe ủi tiến hành triển khai làm đường lên núi Tàu để tìm kiếm “kho vàng” 4.000 tấn.

< Núi Tàu, nơi được cho là đang chôn giấu kho vàng 4.000 tấn.

Cụ Trần Văn Tiệp - người dành gần nửa đời người theo đuổi tìm kiếm vàng trên núi Tàu đã cho xe múc, xe ủi tiến hành làm đường từ chân núi Tàu lên địa điểm “kho vàng” để tìm kiếm khai thác. Anh Trần Phương Hồng (con trai ông Tiệp) cho biết, những khu vực bị đào xới trước đây để phục vụ việc tìm kiếm sẽ được san ủi trả lại hiện trạng ban đầu. Sau khi con đường lên núi hoàn chỉnh, gia đình sẽ cho tiến hành xây dựng lán trại công nhân.

< Đường lên khu vực thăm dò "kho báu".

Từ chân núi Tàu đi ra bờ biển chừng 2 km sẽ gặp vùng biển cạn ven bờ trải dài khoảng 2 km; độ sâu 5 m. Nền đáy biển là cát bùn, cát mịn lẫn vỏ sò, đôi chỗ lớp san hô mỏng và có thể cả lớp bùn mềm nhão khá dày. Cụ Trần Văn Tiệp thì khẳng định, vào năm 1944, tướng Tomoyuki Yamashita của Nhật đã đưa hơn 80 tàu chiến siêu hạng đến đây sau khi cướp bóc vàng bạc ở các nước Đông Nam Á.

< Khu lán trại của công nhân.

Và chúng tôi, trong những ngày giáp Tết, chúng tôi đi xe máy theo con đường mòn phía Đông để lên núi Tàu, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong - Bình Thuận, nơi được đồn đang chôn giấu kho vàng 4.000 tấn.

Sau một đoạn đường dài dằn sốc, chúng tôi mới tiếp cận được khu sinh hoạt của công nhân. Trong trại, 3 công nhân đang nghỉ trưa.

< Biển Tuy Phong nhìn từ đỉnh núi Tàu.

Anh Hoàng, trưởng nhóm, cho biết hiện nhóm thăm dò có 6 người. Trong đó, 3 người đang san ủi đường ở sườn núi phía Bắc để chuẩn bị qua Tết Nguyên đán Quý Tỵ sẽ bắt tay vào tìm "kho báu"; 3 người còn lại chỉ ở trên núi để trông coi đồ.

Chúng tôi đi một vòng quanh núi Tàu. Đường ở đây đã được mở, máy móc để rải rác khắp nơi, chuẩn bị cho quá trình thăm dò, tìm kiếm "kho báu".
< Sườn núi phía Bắc đã được san ủi.

“Đi tìm kho báu khổng lồ như vậy chắc mấy anh hồi hộp lắm nhỉ?”. Nghe tôi hỏi, nhóm công nhân cười ồ. “Cũng bình thường thôi. Khoan thăm dò kho báu cũng không khác khoan giếng là mấy. Có chăng là sợ người ta tưởng mình tìm được vàng, nửa đêm lại lên… hỏi thăm thôi” - anh Hoàng dí dỏm.

Theo các công nhân ở đây, chuyện tìm vàng ở núi Tàu không còn “nóng” với người dân như trước, họ đã chán khi nghe nói về núi Tàu.

“Hôm trước đi chợ Liên Hương, người dân hỏi tôi có đào được vàng chưa? Đào được thì cho họ một cục” - một công nhân đang ngồi đọc báo ở một góc lán trại góp chuyện.

Khu sinh hoạt của nhóm công nhân trên núi Tàu khá giản đơn nhưng cũng có "không khí" với nhiều vật nuôi: gà, chó, mèo...  “Nuôi cho có không khí ở nhà và làm bầu bạn đó mà, chứ quanh năm ở trên đây nhiều hơn ở nhà, buồn lắm” - một công nhân giải thích.

Bên trong lán, ngoài dụng cụ sinh hoạt hằng ngày còn có 2 tivi, đầu đĩa. Thấy chúng tôi quan sát mấy đĩa DVD, một công nhân tên Phú bảo: “Tết của người ở lại đấy! Năm ngoái, tôi đã “luyện phim” qua nguyên cái Tết ở trên núi này. Xuống núi chơi thì sợ người ta lấy hết đồ, mà ở trên này mấy ngày Tết thì buồn lắm!”.

< Nuôi gà cho có bạn và để cải thiện bữa ăn.

Theo anh Hoàng, Tết này, 4 công nhân được rút về, còn lại 2 người sẽ bám trụ trên núi. “Buồn thì buồn thật nhưng ăn Tết xa nhà đâu chỉ có chúng tôi” - anh Hoàng tâm sự.

Ngày 25-12-2012, UBND tỉnh Bình Thuận đã điều chỉnh lại phương án thăm dò “kho báu” núi Tàu để ông Trần Văn Tiệp thực hiện.

Theo đó, tổng diện tích thăm dò lần này là 12.060 mét vuông, tăng gấp 5 lần so với phạm vị thăm dò trước đây là 2.400 mét vuông. Số mũi khoan cũng tăng lên 160, với kích cỡ 100 đến 150 mm. Vị trí thăm dò “kho báu” diễn ra tại 4 cụm, gồm: triền núi các phía Đông, Đông Nam, vùng đỉnh phía Đông, sườn núi phía Bắc.

< 2 công nhân sẽ bám trụ qua cái Tết này trên núi Tàu.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận, sau Tết, ông Tiệp sẽ đưa 2 giàn khoan hiện đại của Nhật từ Đồng Nai lên núi Tàu để tiến hành thăm dò.

Trước đó, ngày 15-11-2012, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương đã chấp thuận đơn của ông Tiệp xin gia hạn thời gian tìm kiếm “kho báu” đến hết ngày 30-6-2013, với phạm vi thăm dò từ đỉnh núi trở xuống triền phía Đông, ở cao độ từ 50 - 110 m so với mực nước biển.

- Theo Người lao động, Vietnamnet