Du lịch mùa lễ hội đầu xuân

Đến hẹn lại lên, lễ hội đầu xuân Quý Tỵ sẽ diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Du lịch mùa lễ hội không chỉ để cầu may mắn trong năm mới mà còn là dịp để bạn trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam.

1. Lễ hội Yên Tử – Quảng Ninh

Khu di tích danh thắng Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, cách thành phố Hạ Long khoảng hơn 40 km, cách thị xã Uông Bí khoảng 14 km. Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng âm lịch và kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch.

Sau phần nghi lễ long trọng của lễ hội tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng ở trên đỉnh núi. Du khách đến hội chùa Yên Tử để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ.

2. Lễ hội chùa Bái Đính – Ninh Bình

Lễ hội chùa Bái Đính diễn ra từ chiều ngày mùng 1 Tết, khai mạc ngày mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Phần hội chùa Bái Đính gồm có các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm, Ca trù đất Cố đô.

3. Hội chợ Viềng – Nam Định

Chợ Viềng thuộc thôn Trung Thành, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Ðịnh mở chính thức vào ngày mồng 8, nhưng ngay từ chiều ngày mồng 7 tháng Giêng đã có rất nhiều người ở khắp các địa phương mang hàng hóa về bày bán. Chợ họp về đêm, giữa cảnh tranh tối tranh sáng nên người đi chợ phải đến từ xẩm tối, và ra về khi trời cũng đã nhọ mặt người. Du khách trảy hội chợ Viềng, không thể không bỏ qua ba việc quan trọng: đi lễ Đền Phủ Dầy, đền Trình…; mua một cây hoặc một món đồ bán tại chợ; mua đồ nông cụ và một miếng thịt bò do người dân địa phương chính tay giết mổ… để lấy phước về nhà.

4. Hội Lim – Bắc Ninh

Cứ 12, 13 tháng Giêng hàng năm, người người nô nức kéo về vùng Lim (thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh) trẩy hội. Đến hội Lim, khách du xuân được xem và nghe hát trên đồi, hát sau chùa, hát trên thuyền và hát trong các tư gia (hát trong nhà); lại có thể nghe hát đối từng cặp (đôi nam, đôi nữ), hoặc “bọn” nam, nữ. Khách hành hương, trẩy hội Lim còn được xem nhiều hoạt động văn hóa truyền thống khác của địa phương, hay tham dự các trò chơi đu bay, chọi gà, chọi chim, đấu vật, tổ tôm điếm… vốn là những trò chơi của hội làng cổ truyền mà hội Lim vẫn giữ lại như một di sản.

5. Lễ hội Chùa Hương – Hà Nội

Khai hội từ mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng Ba âm lịch, lễ hội chùa Hương là lễ hội lớn nhất và diễn ra dài nhất trong năm, được tổ chức tại khu danh thắng Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Hàng năm, mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương.

6. Hội đền Gióng – Sóc Sơn – Hà Nội

Nằm trên địa bàn huyện Sóc Sơn, cách trung tâm Hà Nội 35km về phía Bắc, khu di tích đền Gióng dưới chân núi Vệ Linh là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã được Bộ VHTT xếp hạng từ năm 1962.

Hội Gióng Sóc Sơn được tổ chức hàng năm vào mồng 6 tháng Giêng, là dịp để khách thập phương trẩy hội đầu năm, dâng hương tưởng nhớ thánh Gióng – vị anh hùng thần thoại.

7. Lễ hội núi Bà Đen – Tây Ninh

Lễ hội núi Bà Đen (còn được gọi là Lễ hội Linh Sơn Thánh Mẫu) thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, cách thị xã Tây Ninh 11km về phía đông bắc được diễn ra vào hai dịp trong năm. Một là từ ngày 10 – 15 tháng Giêng Âm lịch. Hai là vào ngày 5 – 6 tháng Năm Âm lịch. Mỗi mùa Xuân tới, du khách thập phương kéo tới lễ Ðiện Bà đông như nước chảy. Mọi người tin rằng lễ Ðiện Bà để cầu phù hộ, giải toả nhu cầu tâm linh, cũng nhân dịp du lịch ngắm phong cảnh hùng vĩ của Núi Bà.

8. Lễ khai ấn đền Trần – Nam Định

Lễ khai ấn mang ý nghĩa tâm linh, mở đầu cho một năm làm việc mới là một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống mang tính biểu tượng, khát vọng về xã hội thái bình thịnh trị được lưu giữ từ bao đời nay. Vì thế mà mỗi năm lại có đông đảo khách thập phương đến dự lễ khai ấn Đền Trần để xin bằng được lá ấn về nhà với hy vọng cả năm công thành danh toại, bình an hạnh phúc. Sau khi thực hiện các nghi lễ truyền thống, hoạt động phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương sẽ diễn ra từ 7 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng (24-2) và kéo dài đến hết tháng Giêng tại ba nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một số địa điểm khu vực vườn cây hai bên hồ nước.

9. Hội Cổ Loa – Đông Anh – Hà Nội

Lễ hội Cổ Loa là một trong những lễ hội tiêu biểu của đất nước, tưởng nhớ và suy tôn An Dương Vương Thục Phán, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa. Lễ hội Cổ Loa diễn ra tại làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, từ ngày 6 đến 16 tháng Giêng Âm lịch. Không chỉ có các nghi lễ tế, rước truyền thống, lễ hội Cổ Loa còn tưng bừng các trò chơi dân gian như bắn nỏ, đánh đu, đấu vật truyền thống, hát quan họ trên thuyền, bên giếng Ngọc trước cửa đền Thượng…

10. Các lễ hội ở Sapa

Dịp đầu xuân mới Quý Tỵ 2013, du khách tới thăm Sa Pa sẽ được tham dự các lễ hội văn hóa dân gian các bản làng của đồng bào các dân tộc ít người nơi đây. Nhiều lễ hội văn hóa dân gian ở các bản làng được mở như:

- Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông ở xã  Tả Giàng Phình, khai hội ngày mồng 8 tháng Giêng (tức ngày 17/02)
- Hội Xòe dân tộc Tày  ở xã Thanh Phú ngày mồng 9 tháng Giêng (tức ngày 18/02)
- Hội Xuống đồng của dân tộc Dáy mở tại xã Tả Van ngày 10 tháng Giêng (tức ngày 19/02)
- Hội Hát then dân tộc Tày tại xã Bản Hồ ngày 12 tháng Giêng (tức 21/02)
- Hội Hát giao duyên dân tộc Dao mở tại xã Tả Phìn ngày 14 tháng Giêng (tức ngày 23/02)…

Đặc biệt, năm nay huyện Sa Pa lần đầu tổ chức thi chọi dê  tại các cụm xã tổ chức lễ hội xuân và tiếp tục tổ chức hội thi múa khèn Mông Sa Pa lần thứ II.

- Theo Ivivu, internet