Hàng vạn người trẩy hội Lim

Từ sáng ngày 13 tháng giêng, hàng vạn khách thập phương đã đến thị trấn Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) để dự lễ hội Lim, lễ hội lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh.

< Từ 8g sáng, phần nghi lễ rước sắc phong bắt đầu diễn ra.

Hội Lim năm 2013 được tổ chức trong hai ngày 21 và 22-2 (tức ngày 12 và 13 tháng giêng) tại thị trấn Lim và các xã Nội Duệ và Liên Bão, huyện Tiên Du, trong đó trung tâm là núi Hồng Vân (núi Lim). Năm nay, Ban tổ chức hội Lim chỉ bố trí 4 lán hát quan họ, thay vì 6 lán như những năm trước đây và Hội Lim 2013 sẽ không còn tiếng loa đài xập xình.

< Những phụ nữ với các bộ lễ phục sặc sỡ trong lễ rước.

Bắt đầu từ 8g sáng, hội Lim được mở đầu bằng lễ rước, đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa sặc sỡ sắc màu và kéo dài hàng kilômet.

< Các cô gái trẻ được khoác trên người bộ trang phục của những liền anh liền chị quan họ.

Nội dung chương trình lễ hội gồm có 2 phần chính với nhiều hoạt động phong phú. Các làng thuộc xã Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim, mở cửa đình, đền, chùa tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống (từ ngày 12 đến ngày 15 tháng Giêng).

< Niềm thích thú của đám trẻ nhỏ khi được kéo "ngựa ông" Làng Lộ Bao.

Sáng ngày 13 tháng Giêng, 4 làng thuộc xã Nội Duệ tập trung tại đình thôn Đình Cả tổ chức đoàn rước về lăng Quận công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim, sau đó dâng hương tại chùa Hồng Ân và các đình, đền, chùa khác ở Nội Duệ và thị trấn Lim.

< Một không gian của hội vật.

Trong 2 ngày diễn ra lễ hội, tại trung tâm đồi Lim tổ chức hát Quan họ tại 4 lán trại Quan họ và sân khấu của lễ hội. Riêng tối ngày 12 và 13 sẽ có chương trình nghệ thuật do Trung tâm Văn hoá tỉnh và Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh biểu diễn tại sân khấu chính của lễ hội.

< Các liền anh liền chị hát giao duyên tại sân khấu chính của lễ hội.

Những trò chơi dân gian được duy trì đều đặn qua các năm góp phần quan trọng làm cho không khí hội Lim thêm sôi động, phong phú như tổ tôm điếm, đu tiên, vật, đập niêu, chọi gà, bịt mắt bắt dê...

< Trò chơi đánh đu dành cho những người dũng cảm.

< Trầu têm cánh phượng, một nét đẹp biểu trưng, đầy tự hào của người Kinh Bắc.

Các khu vực khác cũng sôi động với các hoạt động như: Thi cờ người tại đình Lũng Giang; hát Quan họ tại cửa đình, cửa chùa, hát quan họ dưới thuyền ở các làng Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Đông, Đình Cả, Lộ Bao, Duệ Khánh, Hoài Thị, Hoài Thượng, Hoài Trung, Bái Uyên; hát quan họ tại gia đình các nghệ nhân ở làng Lũng Giang và Duệ Đông; thi tổ tôm điếm, dệt cửi tại đình Đình Cả, thôn Đình Cả; biểu diễn múa rối nước Đồng Ngư tại sân khấu chính của lễ hội.

< Các liền anh liền chị cao tuổi hát giao duyên với nhau.

Tại hội Lim 2013, UBND tỉnh đã quy định hát Quan họ tại các lán, trại không được sử dụng âm thanh, loa máy hỗ trợ. Ông Trần Quang Ứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du, Trưởng BCĐ lễ hội cho biết: “Ngoài việc giảm số lượng lán trên đồi, không sử âm thanh loa máy. Các CLB Quan họ và những đơn vị được phân công hát trên đồi trong ngày hội ký cam kết không ngửa nón nhận tiền”*.

< Hát quan họ trên thuyền.

Ban Chỉ đạo lễ hội cũng chú trọng việc tổ chức các khu dịch vụ trưng bày, giới thiệu và bán các đồ lưu niệm: sách, tranh ảnh, thư pháp, băng đĩa hát Quan họ, quần áo Quan họ, nón quai thao, tranh dân gian Đông Hồ, tre, trúc, gốm sứ, sinh vật cảnh. Quy hoạch riêng các khu văn hoá ẩm thực, các dịch vụ kinh doanh khác.

- Tổng hợp từ TTO, GDTĐ

* Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, nghệ nhân quan họ tại Hội Lim nhận “nghiêm lệnh” tuyệt đối không cầm tiền từ du khách. Thế nhưng trong ngày khai hội 21/2, việc đưa tiền cho các nghệ nhân đất quan họ vẫn xuất hiện với mật độ khá dày đặc. Dù nghệ nhân rụt rè từ chối, nhiều du khách vẫn nhiệt tình “cưỡng chế” họ bằng cách ấn tiền vào tay cho được mới thôi.
Kết quả là khi biểu diễn hoặc mời trầu, các nghệ nhân phải dùng tờ rơi quảng cáo Hội Lim để che bàn tay cầm tiền, hoặc cố gắng giấu dưới đáy khay trầu một cách rất tội nghiệp.