Leo đỉnh Lang Biang

Cậu bạn quê ở Đà Lạt nói với tôi, cứ leo Lang Biang, ngắm Đà Lạt mới hiểu thêm được tại sao ngày trước bác sĩ Yersin lại thuyết phục Toàn quyền Đông Dương chọn nơi này xây khu nghỉ dưỡng. Đó là lý do chúng tôi quyết định chinh phục đỉnh cao nhất của dãy Lang Biang.

Những ngày không có sương mù, rặng núi Lang Biang cao thấp thoáng có thể được nhìn thấy từ trung tâm Đà Lạt, với đỉnh cao nhất là 2.169 m so với mặt biển. Từ lâu, đỉnh núi này được coi là nóc nhà của Cao nguyên Lâm Viên. Đây cũng là nơi du khách thường tìm đến để trải nghiệm cảm giác bồng bềnh trong những làn sương mỏng, ngắm Đà Lạt xa xa dần hiện ra dưới lớp sương mờ.

< Con đường mòn dẫn lên đỉnh 3.

Từ sáng sớm, nhóm 5 người chúng tôi chạy xe máy hướng về phía bắc để đến chân núi Lang Biang cách thành phố 12 km.

Từ chân núi, nơi nhiều du khách thường dùng jeep chạy lên đỉnh 1, đỉnh 2 ngắm cảnh nghỉ ngơi, chúng tôi vòng sang trái theo một con đường khác vào khu làng ở xã Lát. Nhờ một cậu bé dẫn đường, chúng tôi quyết định chinh phục ngọn núi cao nhất được người dân gọi là đỉnh 3.

Len lỏi qua những cánh rừng thông thẳng hàng, chúng tôi từng người một biến mất vào vạt rừng rậm đầy bụi cây gai cùng cậu bé 10 tuổi da cháy đen và mái tóc vàng hoe.

Một tay cầm dao, một tay cầm chiếc gậy nhỏ, cậu vừa gạt những cành cây rạp xuống đường ra hai bên, vừa chặt những nhánh cây nhất định không chịu vào hàng, phủ lên con đường mòn len lỏi trong rừng.

Thỉnh thoảng cậu lại ngắt một vài loại lá cây bỏ vào trong một cái giỏ đeo bên mình: “Vào núi, tiện em hái ít lá thuốc về cho mẹ”.

Thỉnh thoảng mệt, ngồi lại nghỉ, cậu bé lại mang đến vài ngọn cây xanh kêu chúng tôi hít mùi thơm từ nhựa cây. Chỉ sau một hai lần ngửi, cái mệt mỏi nhanh chóng tan biến và chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Thỉnh thoảng, cậu với tay hái những chùm mâm xôi đỏ mọng lấp ló ven rừng mỉm cười đưa cho chúng tôi. Có nhiều loài nấm lạ mọc trắng trên các thân gỗ mục mà cậu cho rằng không thể ăn.


< Hệ thống dây thừng dùng bám để leo lên đỉnh những đoạn khó đi.

Tiếp đến là những vách núi thoai thoải cao. Nhiều nơi đã có dây thừng buộc sẵn có thể bám vào tiếp tục leo lên cao. Mất khoảng 3 giờ đồng hồ với vài lần dừng chân lấy hơi, kéo đỡ và chờ nhau, chúng tôi lên được đến đỉnh 3 khi mặt trời vẫn chưa ra khỏi màn sương - mây trắng muốt, dầy đặc phía trên đầu.

Cái cảm giác của những người leo núi khi lên tới đỉnh thật khó tả. Tất cả các ngọn gió đều mát, mọi hơi thở đều trong lành, cảnh vật trước mắt hùng vĩ đẹp khó tả. Chúng tôi ôm nhau cười vui và sau đó là bận rộn chụp hình, quay phim, ghi lại những giây phút hạnh phúc khi chinh phục được đỉnh cao nhất trong dãy núi này.


< Loại lá cây ngửi vào khỏi mệt. Ảnh dưới: trái dâu rừng có thể ăn.

Ở lại trên đỉnh núi cả tiếng đồng hồ để nghỉ ngơi lại sức, vui đùa và ngắm cảnh, chúng tôi xuống núi với luyến tiếc: giá mà nhiều người bạn của tôi cũng có được trải nghiệm như mình.

Huyền thoại Lang Biang

Từ tên gọi Klăng - Biêng là Núi Bà - Núi Ông mà người Cơ Ho thường dùng, người Pháp phiên âm là Lang Biang hay Langbian, sau đó người Kinh phiên âm thành Lâm Viên. Từ đó đến nay, tên gọi cao nguyên Lâm Viên đã trở thành quen thuộc với mọi người.

Theo các nhà địa chất, núi Lang Biang hình thành do vận động tạo sơn. Nhưng tôi thích câu chuyện truyền thuyết mà cậu bé dẫn đường kể cho nghe trên đường xuống núi.

< Phút nghỉ chân trên đường leo lên đỉnh.

Ngày xưa vùng này đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ quanh năm. Nhiều bộ tộc sống ở đây. Hai bộ tộc mạnh nhất là Lạch và Srê nhưng lại là kẻ thù của nhau. Tộc Lạch có một tù trưởng đẹp trai, khỏe mạnh phi thường tên Lang. Nhiều thiếu nữ muốn bắt chàng về làm chồng. Tộc Srê có người con gái tên là Biang rất đẹp. Có hai con rắn tinh ghen tị với sắc đẹp của nàng nên muốn hại nàng.

Một hôm nàng vào rừng hái quả thì bọn chúng tấn công. Chàng Lang đi săn, thấy người gặp nạn đến cứu, giết chết rắn tinh. Từ đó chàng Lang và nàng Biang yêu mến nhau nhưng tình yêu của hai người bị cản trở vì mối thù giữa hai dòng tộc.


< Từ đỉnh 3 nhìn ra đỉnh 1 và 2.

Một hôm Biang trốn nhà đi tìm Lang. Cả hai ngồi cạnh bên nhau buồn bã nhiều ngày đêm. Biang khóc, nước mắt nàng tuôn trào hòa vào con thác khiến cho nó gầm rú ngày đêm như khóc than cho mối tình tuyệt vọng của hai người mà ngày nay trở thành con sông Đanhim. Rồi sau một đêm giông tố, họ qua đời.

Các bộ tộc thương xót cho chuyện tình của cặp trai gái. Trước xác hai con, hai già làng bắt tay nhau xóa mọi hận thù và tập hợp các bộ tộc khác thành dân tộc Cơ Ho. Người dân thương cảm hằng năm cứ đắp hai nấm mộ cao lên. Giàng thương xót phủ hoa lá thành ngọn núi xinh đẹp: núi Lang Biang ngày nay.

- Theo KimDung (iHay)