Nửa đêm đi chợ 'ma'

Từ nhiều năm nay, tại địa bàn thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam xuất hiện một khu chợ rất đặc biệt và được gọi với một cái tên rùng rợn: chợ "âm phủ" hay còn gọi là "chợ ma".

< Phiên chợ âm phủ độc đáo ở miền Bắc được bắt đầu từ lúc 0h và kết thúc lúc rạng sáng của 1 ngày.

Tại đây, quanh năm bất kể thời tiết mưa gió, giá rét đến đâu, chợ vẫn diễn ra đều đặn và tấp nập người mua, kẻ bán. Không giống như các khu chợ khác, cảnh mua bán tại đây diễn ra vào một khoảng thời gian khá ngắn và đặc biệt, đó là bắt đầu từ lúc hơn 0h, kéo dài đến trước lúc gà gáy sẽ phải tan.

< Các mặt hàng ở phiên chợ "âm phủ" rất phong phú, từ rau, củ, quả...

Hơn một giờ sáng, gạt đi cái rét căm căm do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường kéo nhiệt độ xuống thấp, cơn mưa phùn bất chợt khiến tay chân run lên bần bận, chúng tôi bắt đầu nhập vai người mua đi dự phiên chợ “âm phủ”.

Dưới ánh đèn đứt đoạn mờ mờ huyền ảo rọi xuống những vũng nước mưa lấp lánh. Từng đoàn xe và phương tiện vẫn tất bật ùn ùn kéo đến, tạo nên một khung cảnh hết sức sôi động giữa lúc phố phường đang ngủ yên.

Khoảng 30 phút từ lúc đồng hồ điểm sang ngày mới, các gian hàng tạm bợ ở  chợ “âm phủ” đã được dựng lên để bắt đầu một phiên chợ mới. Chợ chủ yếu bán các mặt hàng nông sản như rau xanh, củ quả, còn các mặt hàng khác gần như không có hoặc rất ít.

Một điều đặc biệt ở chợ này đó là cảnh mua bán diễn ra rất nhanh chóng và trật tự, rất ít khi diễn ra cảnh mặc cả về giá. Bởi nguyên nhân cũng là vì các lái buôn đã quen mặt nhau và thuộc giá trên thị trường hàng ngày.

< Do trời tối nên nhiều gian hàng phải dùng đèn pin để phân loại các mặt hàng hoặc là ghi chép các khoản mà khách hàng mua để cộng lại và thanh toán.

Giải thích về khoảng thời gian họp chợ tại sao lại diễn ra lúc 0 giờ, rồi vãn dần lúc tờ mờ sáng? Nhiều người dân địa phương nơi đây cho biết chợ họp sớm như vậy để ban ngày còn bận việc đồng áng vả lại đây được coi chợ rau đầu mối cung cấp về các thị trường nhỏ lẻ nên chợ phải họp sớm để còn kịp các phiên chợ khác.

< Hoa cũng được bày bán tại đây.

Bác Hà, một thương lái bán hàng rau ở chợ đêm này cho biết: “Tôi làm nghề đi buôn hàng rau ở chợ đêm Phủ Lý này đã hơn 5 năm nay rồi, một năm 365 ngày (trừ đêm 30 Tết nguyên đán là chợ không họp) thì hầu như ngày nào tôi cũng có mặt tại phiên chợ đêm này. Đi chợ đêm lâu rồi thì cũng thành quen, bây giờ nếu bị ốm mà vắng chợ một buổi là lại thấy nhớ! Một phiên chợ tôi cũng bán được hơn 1 tấn rau xanh cho các lái buôn nhỏ lẻ đem về tiêu thụ ở các chợ khác”.

< Bác Dung, một người bán hàng tại đây cho biết, bác đã tham gia được hơn 10 năm nay, mặt hàng bác Dung bán chủ yếu là rau. Mỗi đêm trôi qua là mỗi đêm thức trắng (trung bình ngày chỉ ngủ được 2 tiếng).

Ông Phạm Văn Hoàn, một người có thâm niên tại chợ “âm phủ” cho biết: “Mỗi một phiên chợ nơi đây ít nhất cũng có đến mấy chục xe ô tô tải rau xanh hàng nông sản, hàng mấy chục xe máy và xe thồ khác không tính xuể. Nhẩm tính ước lượng mỗi phiên chợ nơi đây cũng tiêu thụ trên 100 tấn rau xanh hàng nông sản đi về các vùng lên cận. Tuy là chợ họp ban đêm nhưng nhiều hôm lại có đến hàng nghìn người tham gia”.

< Dù họp ban đêm nhưng vẫn có rất nhiều người mua. Những người bán hàng ở đây cho biết chủ yếu là các con buôn đến chợ này lấy sỉ về bán lại tại các chợ khác.

Ngoài những đặc điểm khác biệt của phiên chợ đêm đất Phủ này so với một phiên chợ họp ban những người tham gia họp chợ nơi đây chiếm hơn nửa là phụ nữ. Không ít những phụ nữ tại phiên chợ này chính là những bà chủ với số lượng hàng hóa lớn.


< Hàng chục năm nay chợ "âm phủ" vẫn tồn tại trong màn đêm như thế. Phiên chợ chỉ nghỉ duy nhất có một đêm trong năm, đó là đêm giao thừa.

Mỗi một phiên chợ nơi đây ít nhất cũng có đến mấy chục xe ô tô tải rau xanh hàng nông sản, hàng mấy chục xe máy và xe thồ khác không tính xuể. Nhẩm tính ước lượng mỗi phiên chợ nơi đây cũng tiêu thụ trên 100 tấn rau xanh hàng nông sản đi về các vùng lên cận. Tuy là chợ họp ban đêm nhưng nhiều hôm lại có đến hàng nghìn người tham gia.

- Tổng hợp từ Zingnew, Hanam24