Phượt cùng hương cà phê Arabica...
< Những ngôi nhà bé nhỏ trong rẫy cà phê ở Cầu Đất.
Lên đường nào!
1. Khởi đầu chuyến đi, thay vì chọn quốc lộ 20, đoàn quyết định “đột phá” bằng cách đi đường Bình Thuận, leo đèo Tà Pứa. Biết đâu sẽ nhanh và dễ dàng hơn?
< Đèo Tà Pứa (ảnh i-dulich).
Do môtô của một số thành viên bất ngờ bị hư tay côn, thắng không ăn phải thay bằng mấy chiếc xe "kỳ dị" trên nên kết quả sau khi bở hơi tai vượt qua được đèo Tà Pứa với hàng chục khúc cua cùi chỏ ngoắt ngoéo, cực kỳ nguy hiểm, đèo Bảo Lộc và đèo Prenn trở nên hết sức đơn giản với cả đoàn! Thật không biết nên gọi là quyết định sáng suốt hay dại dột?!
Đà Lạt, phố núi sau tết vẫn đông đúc đến mức nghẹt thở. Phòng khách sạn kiếm mãi không có, nhà hàng, quán ăn đông nghịt người. Thế là, thay vì nghỉ một đêm “sang trọng” lấy sức ở Đà Lạt, cả nhóm quyết định ngủ nhà dân và sáng hôm sau thẳng tiến thêm 24km đến khu vực Cầu Đất (Lâm Đồng).
< Các "chiến mã" đã vào đến địa phận Cầu Đất.
Cầu Đất (Lâm Đồng) là địa chỉ khá quen thuộc và đắt giá với dân trong ngành cà phê do đây gần như là vùng đất duy nhất tại VN có thể trồng cà phê Arabica, loại cà phê rất khó trồng, có vị đắng mạnh nhưng cực kỳ thơm và có ít cafein. Chính vì ưu thế này, trên thế giới Arabica được đánh giá cao hơn hẳn giống cà phê Robusta, hiện trồng chủ yếu tại Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum nước ta.
2. Trời lành lạnh, tiếng xe chạy rào rạo bởi sên lâu ngày bị rơ và còn vì một chặng đường quá dài đã qua, đường cũng khá quanh co và khó đi. Tuy nhiên, không ai than vãn lấy một lời, tất cả dường như choáng ngợp bởi vẻ đẹp của rừng thông liên tục lên cao xuống thấp, hòa vào mây phía dưới chân đồi phía xa.
< Trên cao lộng gió.
Hương cà phê lẩn khuất trong từng tán cây, phiến lá ven đường, say đắm như thực như ảo thật sự là một “đặc sản” quá quyến rũ của Cầu Đất…
Cuối cùng thị trấn Cầu Đất cũng đã xuất hiện trước mắt. Một thị trấn đẹp như thơ như tranh. Nhìn ngang, dãy nhà ở phố trung tâm đẹp cổ kính với kiểu kiếu kiến trúc Pháp đã có gần trăm năm tuổi. Ngước lên, chập chùng những ngọn đồi trà, cà phê, bao la như không có điểm dừng, trải dài vô tận về phía chân trời.
Không một bóng khách du lịch, không cả những lời chào mời, cò kéo, Đà Lạt của trăm năm trước dường như đang nằm ngủ yên bình, dịu dàng ở đây…
3. Uống xong ly cà phê Arabica đậm đà, thơm phức trong gió cao nguyên lạnh buốt, không ngừng lại ở thị trấn, chúng tôi quyết định tiến trực tiếp vào khu vực trồng cà phê.
< Bạt ngàn những cánh đồng trà, cà phê.
Đường vào rẫy cà phê nhỏ xíu, chỉ vừa đủ một bánh xe lọt vào. Những cây cà phê gần sát đến mức chỉ đưa tay ra là chạm đến, giống cà phê Arabica trứ danh, một đặc ân thật sự của vùng núi heo hút này.
Tuy nhiên, dù đất đai tốt, khí hậu ưu đãi, đời sống của nông dân trồng cà phê ở đây vẫn còn rất khó khăn. Nằm lọt thỏm giữa rẫy cà phê mênh mông, họ sống trong những căn chòi nhỏ xập xệ, gia đình bốn, năm người chui ra chui vào, quanh năm mở mắt ra chỉ thấy cây cà phê và núi đồi, và bầu trời trên cao. Thế là hết! Nhiều nhà ở khu này, chủ nhà về quê hết cả nhưng nhà thậm chí còn không có khóa hoặc khóa hết sức lỏng lẻo, thờ ơ, thì nhà có gì đâu mà lo, mà giữ.
< Một góc thị trấn Cầu Đất.
Đứng lặng trước những ngôi nhà này, không ai bảo ai đều khá ưu tư. Tiếng là dân ghiền cà phê, thậm chí đã mở quán cà phê nhưng đây mới là lần đầu tiên chúng tôi đến trực tiếp nơi trồng ra cây cà phê, nhìn thấy hạt cà phê còn đọng nguyên sương sớm và nhất là nhìn rõ được đời sống khó khăn của những người nông dân ở đây. Tự nhiên thấy mình cần phải làm cái gì đó có trách nhiệm hơn, không chỉ đơn thuần là mua bán lợi nhuận nữa.
4. Bốn giờ chiều, sương xuống, trời cũng bắt đầu tối dần, đoàn rời Cầu Đất trong sự luyến tiếc. Chưa xa đã nhớ. Nhớ hương cà phê Arabica vương vấn trên vai áo ướt sương, trên bàn tay xoay xoay ly cà phê nhỏ nhắn, ấm sực. Nhớ những ngôi nhà bé nhỏ trên rẻo cao lắt lay gió thổi...
Cà phê ở đây ngon không chỉ nhờ đất tốt, mà hình như còn vì linh hồn hãy còn thô ráp, nguyên sơ rất riêng, rất khác của miền sơn cước này…
- Theo Đoàn Bảo Châu (Dulich.Tuoitre)
0 nhận xét: