Báu vật rừng của người Xê Đăng
< Gốc cây lớn ước chừng 10 người ôm.
Đứng giữa lưng chừng núi nhìn xuống phía khe suối, cây chò cao ngất ước chừng gần 100m, vời vợi giữa nguyên sinh đại ngàn, không gian thật tĩnh mịch, trong lành, mát mẻ dễ chịu. Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến một cây chò cao như thế. Men theo khe suối tìm đến gốc cây này để được tận mắt chiêm ngưỡng, hai bên suối là những khoảnh ruộng lúa nước của bà con Xê Đăng.
Đã từ lâu người dân Xê Đăng nơi đây xem cây chò này như là một báu vật để mọi người cùng gìn giữ. Đó là một cây chò lớn khủng khiếp trong sự tưởng tượng của chúng tôi, 4 người vòng tay ôm mà chưa hết nửa đường kính của gốc cây. Chúng tôi ước lượng gốc cây này phải đến 10 người ôm mới xuể được.
< Cây chò cao vượt lên trên trong khu rừng.
Khi chúng tôi đến nhà già làng Hồ Văn Chính, đã có rất nhiều người dân bản tập trung để cùng trò chuyện. Thấy có người lạ đến, Hồ Văn Phương Bí thư Đoàn thôn 2 hỏi lớn: “Lại đến hỏi mua cây à?”. Chúng tôi cười trong ánh mắt ái ngại của bà con dân bản: “Không, đến để được uống rượu và nghe kể chuyện về cây thôi”.
Tôi hỏi cây chò này có từ bao giờ rồi, già làng Hồ Văn Chính nhíu mày rồi khẳng định: “Không biết đâu. Đời ông mình đã có, đời cha mình giữ cây, đến đời mình thì dù răng đi nữa thì cây không được bán, được chặt. Mình giữ cho con cháu mình thôi!”.
Trước lúc qua đời, cha của già Chính đã trăn trối lại rằng, phải giữ lấy cây chò này cho bản làng, cho con cháu mai sau, tuyệt đối không được chặt hay bán. Vì vậy, đối với những gia đình người dân Xê Đăng nơi đây, cây chò này là báu vật của cả bản làng. Già Chính khoe: “Đã có người đến trả hàng trăm triệu nhưng bọn mình không bán, người dân tộc thiếu tiền, nhưng tình người và tình rừng bền lắm!”.
Rồi già Chính kể lại chuyện cách đây hơn 1 năm, bọn lâm tặc lợi dụng lúc nửa đêm đến cưa trộm cây chò này. Nghe tiếng cưa máy vọng vang núi rừng giữa đêm khuya vắng lặng, già Chính liền cùng dân làng đốt đuốc chạy xuống đuổi bọn chúng đi. Đến sáng hôm sau xuống kiểm tra lại, thấy gốc cây đã bị một đường cưa lẹm vào gần một gang tay, già Chính cùng người dân đau cái bụng lắm. Từ đó trở đi, làng cắt cử người thường xuyên đến kiểm tra và trông chừng cây chò này.
Già Chính bảo, nếu không trông chừng bọn lâm tặc đốn mất cây này, làng mất cây quý, sau này con cháu không còn biết nữa. Xác định cây là vốn quý của bản làng nên người làng luôn chăm sóc và gìn giữ, tránh để kẻ xấu lợi dụng mua hay phá hoại.
- Theo Gia Ly (Petrotimes)
0 nhận xét: