“Chín rồng” vào mùa nước nổi
Thú vị nhất là đi chiếc tắc ráng lướt sóng băng băng trên đồng nước. Mùa khô, đây là những cánh đồng bạt ngàn, tươi tốt. Mùa nước nổi, con nước từ thượng nguồn Mekong đổ về nhấn chìm cánh đồng và để lại phù sa sau khi nước rút đi. Hay ngồi trên chiếc xuồng ba lá theo người dân giăng câu, giăng lưới bắt những lứa cá đầu tiên từ thượng nguồn theo con nước đổ về.
Cá linh non chỉ nhỏ hơn hai ngón tay, rửa sạch và thả nguyên con vào chảo mỡ đang sôi chiên giòn, ăn không cần bỏ xương, giòn rụm, “rất đã”!. Bông điên điển, bông súng mùa nước cũng ngon hơn. Điên điển vàng cả một góc trời. Bông súng nở trắng đồng. Chúng là loại thực phẩm sạch, sinh sôi nẩy nở và tàn đi theo con nước. Vì thế, đến mùa nước nổi, người ta tranh thủ khai thác và chế biến nhiều món ăn. Điên điển và bông súng bóp xổi đều ngon.
Cách làm đơn giản như trộn salad nhưng điên điển và bông súng bóp xổi lại có vị khác lạ, không tạo cảm giác ngán. Bông súng giòn, bóp xổi nhai rôm rốp. Ăn chung với cá linh hoặc cá rô non chiên giòn thì không chê vào đâu được. Món ngon, đắt đỏ cỡ nào vẫn không bằng món ăn dân dã này. Chỉ mới nhắc đến thôi, những người xa quê lên tận Sài Gòn hay đi khắp năm châu vẫn đau đáu nhớ về quê mình mùa nước nổi…
Đến Châu Đốc (An Giang), du khách có thể thuê xuồng ngược lên cánh đồng biên giới hoặc đi dọc theo kinh Vĩnh Tế. Theo tuyến này, du khách dễ dàng bắt gặp những ghe lưới, ghe câu của người dân. Hòa mình vào cuộc sống dân dã, bắt ốc, giăng lưới dù chỉ một ngày hay một buổi, khách đã trải nghiệm được cuộc sống bình dị nhưng rất đỗi thâm tình. Chủ mời khách về lại ngôi nhà sàn trên sông. Ngồi trên sàn nhâm nhi tách trà, ly rượu và trò chuyện. Chiều tà, nhấm chút rượu với những món ăn dân dã vừa bắt được, câu chuyện có thể kéo dài đến tận khuya.
Mùa nước nổi cũng là thời điểm thú vị để tham quan Tràm Chim (Đồng Tháp) và rừng tràm Trà Sư (An Giang). Con nước dường như ngập cả khu rừng, nuôi giữ những đàn cá, tạo nguồn thức ăn cho các loại chim, cò. Đi xuồng ba lá, vỏ lãi dạo trong rừng, du khách có cuộc trải nghiệm đúng nghĩa về với thiên nhiên thuần khiết. Mùa này, chim chóc dường như phát triển nhiều hơn. Chúng bay thành từng đàn lớn sà xuống chân rừng tìm thức ăn. Đó là thời khắc để du khách có thể săn được những bức ảnh hoang dã, ghi lại những khoảnh khắc hiếm hoi đối với cuộc sống chốn thị thành.
Đến rừng tràm Trà Sư, du khách khó tìm được nước mặc dù là mùa nước nổi. Những vạt bèo xanh non mơn mởn đã che kín cả mặt nước, bao quanh chân những cây tràm. Nước rộng đến đâu, bèo sinh sôi nẩy nở và lan rộng đến đó. Chèo xuồng dưới tán rừng, khách có cảm giác như đang lướt nhẹ trên mặt bèo.
Những hoạt động tham quan gắn với công việc của cư dân bản địa để được hướng dẫn, trải nghiệm. Sau những giờ lao động trên mặt nước là bữa ăn đậm chất nông thôn, mâm cơm là những món ăn bình dị nhưng luôn để lại ấn tượng đẹp sau mỗi chuyến đi.
Mới đây, hai đơn vị đã khảo sát thực tế các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và thống nhất tổ chức tour du lịch “Mùa nước nổi” năm 2013. Du khách tham gia chương trình tour du lịch “Mùa nước nổi” được tham quan các địa danh nổi tiếng như: Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, Làng hoa kiểng SaĐéc, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc... Đặc biệt, du khách được du ngoạn bằng thuyền tham quan cảnh đẹp hoang sơ của Vườn Quốc gia Tràm Chim - Tam Nông, khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới mà Đồng Tháp đang sở hữu.
Điểm nhấn của du lịch mùa nước nổi là gắn liền với đời sống, sinh hoạt của vùng sông nước Đồng Tháp Mười, những cảnh quan của mùa nước nổi cùng với các món ăn mang đậm chất miền Tây như: chuột đồng, cá linh, cá lóc, cá rô, cua đồng, rắn mối, khô cá trê, bông súng đồng, bông điên điển và các thực phẩm được chế biến từ sen.
- Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch + internet
0 nhận xét: