Du lịch Campuchia: Tham quan Angkor thế nào? (Kỳ 3)

(Tiếp theo) - Mạn phía tây và trung tâm thành phố Siem Reap là vùng đất của các di tích, đền đài dày đặc chiếm hơn nửa diện tích của cả tỉnh (10.299 km²).

Từ thành phố Siem Reap, muốn đi tham quan Angkor Wat, Angkor Thom hay bất kỳ đền đài di tích nào, mỗi người đều phải mua vé. Vé có thời hạn hiệu lực và dùng cho bất kỳ điểm đến nào.

Trên vé có in ảnh của du khách (chụp tại chỗ khi mua vé) giá vé, thời hạn giá trị và ghi rõ “không được chuyển nhượng cho người khác”. Giá vé vào cửa một ngày 20 đô la; ba ngày 40 đô la và một tuần 60 đô la. Gọi là ngày nhưng chính xác là mỗi lượt đi qua cửa kiểm soát để vào khu di tích.

< Một ngôi đền trong Angkor Thom.

Nếu mua vé có gía trị ba ngày, không có nghĩa là bạn sẽ phải đến liên tục trong ba ngày, mà bạn được vào cửa ba lần trong thời hạn 7 ngày. Ví dụ, bạn mua vé giá 40 đô la vào ngày 1/6, sẽ có giá trị đến hết ngày 7/6. Mỗi lần vào cửa, vé bị bấm một lỗ. Vé một tuần giá 60 đô la được vào cổng 7 lần bất kỳ ngày nào trong thời hạn một tháng.

Đầu tiên, có thể thấy rằng là không nên mua vé giá 20 đô, vì không thể nào tham quan khu di tích rộng lớn này trong một ngày. Thời gian mở cửa cho du khách vào khu di tích hàng ngày từ 05g30 đến 17g30 (phòng vé bắt đầu làm việc từ 05g00). Thử hình dung, một người trẻ, khỏe vào Angkor suốt 12 tiếng đồng hồ liên tục di chuyển, không nghỉ chân, không vào quán ăn uống... thỉnh thoảng mới dừng lại để chụp ảnh cũng chỉ có thể loanh quanh ở Angkor Wat, Angkor Thom mà thôi. Kiểu tham quan ‘cưỡi ngựa xem hoa’ ấy, chỉ có thể để lại ấn tượng sau chuyến đi chỉ là một “đôi chân rã rời”!

< Vé vào cửa 3 ngày có giá trị trong 7 ngày.

Với những người có điều kiện (nhất là thời gian) và mong muốn săn được những hình ảnh đẹp cần ít nhất cái vé một tuần, giá 60 đô la. Phương tiện di chuyển thuận tiện nhất ở Siem Reap để đến các khu di tích là xe tuk tuk. Chỉ nên đi xe đạp loanh quanh trong trung tâm thành phố (cũng không nhiều lắm) và tất nhiên đi chợ đêm thì không gì bằng... cuốc bộ.

Có lẽ phù hợp với nhiều người là loại vé ba ngày, giá 40 đô la Mỹ. Ngày đầu tiên bạn nên đến nơi gần nhất là Ankor Wat. Khuôn viên nơi này rất rộng nhưng xe không được vào nên du khách phải đi bộ, leo tam cấp khá nhiều, trong khi cây cối rất ít dọc lối đi. Bạn đừng quên đem theo loại mũ vải rộng vành hoặc dù. Nếu quên đem mũ từ Việt Nam thì hãy mua ở chợ Phnom Penh hoặc mua ngay khi đến Siem Reap; đừng để phải mua mũ ở khu vực trước cổng Angkor Wat, bạn sẽ phải mua với giá gấp đôi - hoặc hơn nữa - so với những nơi khác!

< Hầu hết các lối đi trong Angkor Wat không có cây cối che bóng mát.

Ngoài máy ảnh, mỗi người nên tự mang theo nước uống. Du khách phải đi bộ dưới cái nắng chang chang, không có bóng cây hoặc khi vào đền, có chỗ núp nắng thì lại phải leo tam cấp hơi nhiều. Lúc đó, muốn đi mua nước uống, ngoài chuyện giá đắt, bạn phải đi bộ thêm những đoạn đường dưới nắng gắt mới đến khu vực có hàng quán.

Vào bên trong đền, có những nơi không phải của ban quản lý di tích lập nên mà do người dân địa phương kiếm tiền bằng cách đốt mấy cây nhang đưa cho du khách cầu khấn trước các pho tượng. Trừ trường hợp bạn thực sự muốn cúng thì hãy nhận mấy cây nhang đó mà lạy; nếu không, bạn nên từ chối ngay. Khi bạn cầm nhang của họ đưa và làm theo lời họ bảo, vừa cắm nhang xong, họ sẽ đề nghị bạn bỏ tiền vào tấm vải để sẵn trên bệ đá. Một kiểu lợi dụng thánh thần để trấn lột du khách khá nhẹ nhàng.

< Khách vừa cắm nhang, gac thanh niên kia lật miếng vải lên bảo khách đặt tiền vào rồi đậy lại.

Chuyện này diễn ra trong nhiều ngôi đền ở Siem Reap, nhưng hầu hết các nơi khác do phụ nữ làm, riêng trong Angkor Wat, có một nhóm 4 người đàn ông trông mặt mày hung dữ và cách họ đưa nhang gần như ép du khách, khiến nhiều người vì ngại mà phải cúng rồi móc ví ra. Không hiểu sự việc này diễn ra đã lâu chưa và ban quản lý khu di tích có biết chăng?!

Bất kỳ ngày nào tham quan khu di tích này bạn cũng nên đi thật sớm. Trước hết là tận dụng thời gian bạn phải trả tiền để có mặt trong khu vực các di tích, thứ hai là có thể nghỉ trưa khá lâu, tránh cái nắng nóng ban trưa. Ở Angkor Wat, từ sáng sớm đến chiều tà đều có thể có góc chụp ảnh đẹp.

< Đi bộ nhiều dưới nắng, du khách còn phải leo khá nhiều tam cấp lên cao ở Angkor Wat.

Nhưng không nên nghỉ trưa ở Angkor Wat, vì nếu bạn vào quán ăn trưa xong khó mà đi tiếp khi trời đang nắng gắt. Vậy hãy rời nơi này, đi tiếp sang Angkor Thom cách đó không xa. Ăn uống nghỉ trưa xong, bạn đi tiếp về phía đông tới đền Ta Prohm, nơi có thể vào thăm lúc trời nắng gắt. Ta Prohm là nơi sẽ rất khó chụp ảnh nếu bạn đến vào sáng sớm và về chiều, khi nguồn sáng mặt trời chiếu chếch sẽ bị cây cối rậm rạp và tháp nằm sát nhau che khuất; khác với Angkor Wat và Angkor Thom.

Sau Ta Prohm, nơi không phải leo trèo nhiều, bạn nên quay về đền Phnom Bakheng để leo lên ngôi đền trên đồi cao này tìm một vị trí tốt chờ ngắm cảnh hoàng hôn và tha hồ bấm máy. Như vậy, trong buổi chiều thứ nhất, bạn đã vào Angkor Wat và đền Ta Prohm, nhưng chỉ đi ngang đền Bayon và Ankor Thom, chưa vào bên trong.

< Đền Ta Prohm.

Sáng hôm sau, tiếp tục đi sớm và điểm dừng chân đầu tiên sẽ là đền Bayon, nơi những khuôn mặt đá đang chờ. Đến nơi, đừng vội vàng chụp toàn cảnh, hoặc chụp cận những khuôn mặt đá; những khối đá sẽ đen sì trên nền trời. Hãy tìm lối đi lên tận trên cùng, khi những tia nắng chếch rọi vào mặt tượng, các nhà nhiếp ảnh tha hồ tìm bố cục mà bấm máy rước khi những đoàn khách theo tour tràn lên vướng víu khung hình! Sau khi chụp ảnh chán chê trong khu Bayon, bạn hãy ra ngoài, chụp toàn cảnh ngôi đền từ xa, lúc này nắng chiếu cao, các khối đá nổi bật chi tiết trên nền trời xanh thẫm.

Diện tích Angkor Thom vốn rộng hơn Angkor Wat nhiều lần với đền Bayon nằm ở vị trí trung tâm, nhưng khu di tích này bị hư hại nhiều, còn lại rất ít kiến trúc tương đối nguyện vẹn so với những gì các vương triều Khmer xưa đã xây dựng lên.

Các loại xe có thể vào sâu trong khu vực Angkor Thom nên sau khi ghé Bayon, du khách sẽ tiếp tục đi xe vào và thăm các khu đền khác rồi nghỉ trưa ở đây. Buổi chiều có thể tiếp tục đi tham quan đền Prah Khan, không xa về hướng bắc. Nếu hôm trước, chưa ưng ý với những tấm ảnh mặt trời lặn nhìn từ đền Phnom Bakheng, bạn còn cơ hội quay lại nơi này lần nữa để chụp cho ra tác phẩm.

Sang ngày thứ ba, du khách nên đến một điểm có thể nói là xa nhất nhưng khá thú vị, thăm di tích thần Vishnu ở dòng suối và thác nước Kban Spean trên núi Kulen là khởi nguồn sông Siem Reap. Dãy núi này còn gọi là núi Mahendraparvata, vốn là một địa điểm thiêng liêng, một thánh địa đối với dân tộc Khmer. Tại đó, vua Jayavarman II đã tuyên bố độc lập khỏi Java, khai sinh vương triều Angkor và lập kinh đô đầu tiên của người Khmer. Trên bản đồ và theo lời của mấy anh lái xe tuk tuk thì điểm đến này cách thành phố Siem Reap từ 43 đến 50km, nhưng thực tế chúng tôi nhìn thấy cây số 58 ở chỗ rẽ vào 1km nữa thì đến điểm dừng xe. Từ đó, du khách sẽ lội bộ 1,5km dốc núi, đường đi được tu bổ và làm vài đoạn tam cấp nên khá dễ đi.

< Đền Bayon nằm ở trung tâm Angkor Thom.

Khi đi, bạn nên đi thẳng lên suối Kban Spean để lượt về có thể ghé đền Banteay Srei ngay cạnh đường đi. Banteay Srei (ngôi đền của phụ nữ) thờ thân Shiva, được xây dựng vào thế kỷ X bằng đá ong và sa thạch đỏ với những tác phẩm điêu khắc được coi là “báu vật trang sức” của nghệ thuật Khmer.

Tất cả các điểm đến trong ba ngày đều phải đi qua cổng soát vé trên đường Charles De Gaulle, ngoài hai khu Angkor Wat và Angkor Thom, các khu đền khác đều có cửa soát vé, vì thế du khách cần giữ vé cho đến khi hết giá trị. Chiếc vé đã mua có giá trị đến bất kỳ điểm nào trong khu di tích, ngoài ra du khách không phải mua thêm vé hoặc nộp bất kỳ loại phí nào khác.

< Thác nước ở suối Kban Spean.

Cần lưu ý, từ trung tâm Siem Reap đi Angkor, có hai đường chính: một là đại lộ Sivatha và đường thứ hai là Pokambor (phạm vi trung tâm), đoạn kế tiếp mang tên Tusamuth và đoạn cuối đến tận Angkor Wat là Charles De Gaulle.

Dù xuất phát từ trung tâm thành phố theo đường nào, các lái xe tuk tuk luôn luôn đưa khách qua cổng bán vé trên đại lộ Charles De Gaulle, nhưng khi trở về họ luôn luôn chạy đường Sivatha.

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4

- Theo Mai Lĩnh (Thời Báo Kinh Tế Sàigòn)