Giải nhiệt ngày hè, về miền sông nước

Giữa thời tiết nóng như đổ lửa, cảm giác được ngâm mình trong làn nước mát lạnh và thưỏng thức các món ăn tươi sống thật là sảng khoái…

< Thành Nội ở Huế.

Khi Huế vào mùa nắng nóng, tìm về với vùng sông nước để được khám phá, trải nghiệm và thư giãn cùng người thân, bạn bè là lựa chọn của nhiều người. Cách thức tự tổ chức du lịch như thế này vừa tiết kiệm chi phí vừa được thỏa sức vui chơi.

Phong phú về dạng địa hình, Thừa Thiên Huế có nhiều vùng biển, đầm phá, hồ, suối… để các bạn tha hồ khám phá. Các chuyến đi xa hay gần được tổ chức tuỳ theo chi phí, phương tiện…

Biển gọi ngày hè

Bãi biển Thuận An, Vinh Thanh, Lộc Bình, Cảnh Dương, Lăng Cô… là những địa chỉ quen thuộc, song, vẫn là lựa chọn của nhiều người khi muốn đổi gió. Hải sản tươi ngon, bãi biển sạch đẹp, sóng êm, an ninh trật tự đảm bảo… nên du lịch biển vẫn hấp dẫn các đối tượng người trẻ lẫn người già.

Chị Nguyễn Thuỳ Linh, nhân viên phân phối hàng hóa ở TP Huế cho biết: “Gia đình có khách từ Hà Nội vào chơi nên ngoài các điểm di tích, mình thuê một chiếc taxi để cả nhà cùng về biển tắm, nghỉ ngơi. Sau những ngày lao động mỏi mệt và nhất là khi thời tiết oi bức như thế này, về biển là phương án hợp lý, được nhiều người trong gia đình ủng hộ”. Theo những người có kinh nghiệm, hạn chế tắm biển vào ban đêm vì rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước, hơn nữa, việc hỗ trợ xử lý từ những người xung quanh gặp khó khăn do hạn chế tầm nhìn.

Thác, suối, khe: “vẻ đẹp bí ẩn”

< Hồ ở Suối Voi.

“Vẻ đẹp bí ẩn” là tiêu chí hấp dẫn nhiều bạn trẻ khi muốn trốn nắng trong những ngày này. Họ thường hẹn bạn bè thành từng nhóm 7-10 người, chuẩn bị thêm ít trái cây và thức ăn nhanh rồi cùng xuất phát. Các điểm đến đang được yêu thích hiện nay là thác A Noh (A Lưới), thác Bàu Ghè, suối Voi (Phú Lộc), khe Đầy (Hương Trà)…

Phong cảnh hoang sơ, kết hợp thăm thú một số địa danh trong vùng hoặc khám phá thiên nhiên khiến nhiều bạn trẻ nghe tên là muốn lên đường.

< Thác A Nô (A Noh) ở A Lưới.

Một số lý do khác đi kèm khiến các địa danh nói trên thêm có thêm sức hút đối với những người thích khám phá như: thưởng thức đặc sản ếch, gà nướng suối Voi; bắt cá leo ở A Noh; bẫy chim và nghe chim hót, đặc biệt là ở khe Đầy, nơi chào mào có bộ cánh re rất đẹp, hót cực hay mà những người chơi chim sành điệu mới biết.

Hồ Ngọc Uyên Thư, sinh viên Trường CĐ Sư phạm Huế đến với A Noh chia sẻ: “Tuy đường lên A Lưới còn khó khăn, đường vào A Noh cũng vất vả không kém nhưng đến nơi rồi mới thấy những gì mình trải qua thật xứng đáng. Nước ở đây trong vắt, mát lạnh, không sâu lắm nên thỏa sức ngâm mình. Tới đây nhóm tụi mình còn tận mắt thấy cá leo bơi ngược dòng, thưởng thức các món ăn đặc sản, đặc biệt là cảm nhận nét văn hóa vùng cao A Lưới”.

Với kiểu du lịch đến vùng hoang sơ, tốt nhất, các bạn nên chuẩn bị ít thực phẩm hoặc liên hệ trước với những hộ dân ở gần nơi du lịch để đặt trước các món ăn.

Đá ở những suối, khe hồ này thường trơn trượt nên chọn giày có độ bám tốt; cẩn thận trong quá tình di chuyển; khám phá vẻ đẹp thiên nhiên đi thành từng nhóm tránh trường hợp lạc đường hoặc có người bên cạnh giúp đỡ phòng trường hợp bất trắc. Với những gia đình có trẻ nhỏ đi cùng, cần có người lớn kèm chặt các em trong quá trình bơi tắm, tốt nhất là chuẩn bị phao bơi cho trẻ.

Đầm phá: tươi rói và mới mẻ

Hệ thống đầm phá ở thừa Thiên Huế trải dài và địa danh này luôn hấp dẫn du khách bởi hiện nay có rất ít tour đi chơi vùng đầm phá. Về vùng sông nước này, ít nhất bạn phải có người quen để liên hệ thuyền hoặc đặt trước chồ làm nơi nghỉ ngơi, thưởng thức ẩm thực. Thôn Ngư Mỹ Thạnh ở xã Quảng Lợi (Quảng Điền) đã tổ chức tour cho nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Các bạn có thể nghỉ lại ở các nhà dân trong thôn, đạp xe đi thăm các làng nghề thủ công, cùng ra phá làm ngư dân với bà con hay theo thuyền đi chợ sớm trên sông.

Nếu có ít thời gian, bạn có thể tìm về đầm Chuồn, xã Phú An (Phú Vang), điểm đến mới với giá cả phải chăng và thú vị hơn nhiều so với cồn Tè. Từ khu tái định cư, đi thuyền ra đầm chừng 7 phút, đến các ô nuôi thuỷ sản, cùng câu cá hoặc thả lưới thu hoạch tôm, cua để tự chế biến bữa ăn cho mình. Đang vào mùa cá kình, nếu chưa có cơ hội thưởng thức bánh xèo cá kình, bạn có thể dặn trước chủ nhà chồ chuẩn bị.

Anh Nguyễn Dũng, chủ một nhà chồ có khả năng phục vụ cho 30-50 người trên đầm Chuồn cho biết: “Không chỉ các gia đình, nhiều cơ quan, nhóm bạn công ty đều đến đây hàng tuần để được vui chơi, thậm chí là thuê thuyền ra cửa biển Thuận An”.

Điều thú vị là tất cả các loài thuỷ sản nơi đây còn “bơi lội tung tăng” và gắn liền với tên tuổi vùng đầm phá như tôm sú, cá dìa, cá ong, cá nâu… Khi đi đừng quên mang theo máy ảnh bởi phong cảnh ở đầm Chuồn rất đẹp, bạn sẽ có một bộ sưu tập đáng nhớ về con người và sông nước nơi đây.

- Theo Tuệ Ninh (Web Du Lịch Huế), internet