Đi du lịch tiết kiệm
Tháng 6 là thời điểm lý tưởng nhất cho những ai muốn đi du lịch, tránh xa cái nóng oi bức ở Sài Gòn. Nhiều gia đình cũng tranh thủ lên kế hoạch vi vu khắp nơi khi các thành viên nhí đều đã được nghỉ hè.
Tuy nhiên, làm sao để chi tiêu hợp lý, vừa tiết kiệm lại hưởng thụ chất lượng dịch vụ tốt nhất. Quan trọng hơn, sau khi nghỉ mát, tình hình tài chính không bị thâm hụt mà vẫn còn một khoản dư dả để chi cho những việc khác là điều không phải ai cũng làm được.
Bí quyết tận hưởng kỳ nghỉ hè thoải mái của Lan, sinh viên năm 3 trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM là thiết lập chi tiêu hợp lý từ địa điểm cho tới phương tiện đi lại.
Mùa hè năm nay, Lan và hai người bạn du lịch ở thác Giang Điền, Đồng Nai. Để tiết kiệm, cả ba chọn phương tiện đi lại là xe buýt nên chỉ mất 60.000 đồng cho một chiều đi hoặc về. Trước khi lên đường, cả nhóm chuẩn bị sẵn thức ăn, nước uống mang theo, chứ không la cà quán xá ở khu du lịch có thể bị "chặt chém" bất cứ lúc nào. Cộng tất cả chi phí như vé vào cổng, thuê phao bơi cho đến xe đạp đôi, 3 người tốn khoảng 900.000 đồng.
Cách giải stress của gia đình chị Luyến, ở quận Bình Thạnh là không cần vi vu ở nơi xa, mà chọn khu du lịch sinh thái gần nhà. Theo chị, điều quan trọng là cả nhà quây quần, chơi đùa vui vẻ bên nhau, nên chỉ cần trải tấm bạt ngồi ăn uống, chuyện trò, hòa mình vào không khí trong lành của cỏ cây hoa lá cũng đã mang lại sự sảng khoái cho mọi người. Nhờ thế, gia đình luôn cảm thấy thoải mái mà chi phí đắt lắm cũng chỉ 800.000 đồng cho một ngày nghỉ như vậy. Còn nếu đi xa, chỉ tính tiền xe đã mất vài triệu đồng.
Còn nếu kết những chuyến du lịch xa, theo anh Thanh (quận 3) phải tìm hiểu kỹ địa điểm cần đến, sau đó lùng sục các website bán vé máy bay để săn những tấm vé giá rẻ hoặc vé giảm giá. Nhờ chịu khó tìm mà vợ chồng anh đã có được cặp vé giá rẻ trị giá 1 triệu đồng cho chuyến bay khứ hồi Sài Gòn - Hà Nội.
Sắp xếp xong phương tiện di chuyển, vợ chồng anh tiếp tục tìm trên các website mua theo nhóm đáng tin cậy để lựa chọn nơi đến. Cuối cùng anh chị duyệt tour du lịch ở Hạ Long, với voucher giảm 50% cho hai người, hành trình hai ngày một đêm 5 triệu đồng, trong khi giá gốc tới 10 triệu đồng.
Với những người kết du lịch phượt như anh Minh, ở quận Tân Phú thì chuyện chuẩn bị kỹ lưỡng trước chuyến đi càng phải được xem trọng. Kinh nghiệm của anh là tránh xa các mùa cao điểm như lễ, Tết, ngày cuối tuần... vì giá cả dịch vụ thường "trên trời".
Với du lịch bụi, xe máy là phương tiện hữu hiệu nhất để tiếp cận mọi phong cảnh, nhưng theo anh, chỉ nên áp dụng cho khoảng cách 300km. "Nếu đi xa hơn, mọi người nên chọn ô tô để dành sức khám phá nơi đến, điều này cũng tránh gặp bất trắc khi xe cộ hỏng bất chợt", anh khuyên.
Cho rằng “ăn nhiều ở chẳng bao nhiêu” nên khi tìm phòng nghỉ, thay vì đặt phòng khách sạn, anh Minh thường thuê phòng trọ. Khách sạn thường mất nhiều chi phí cho dịch vụ, nhân viên nên giá lúc nào cũng cao gấp đôi so với nhà trọ. Anh ví dụ, khi đi Vũng Tàu, giá phòng khách sạn thấp nhất là 300.000 đồng một ngày nhưng với nhà trọ chỉ 150.000 đồng là sang.
Còn về ăn uống, anh thường la cà ở các chợ, ẩm thực đường phố, tránh xa các nhà hàng hay quán ăn lớn tại các cụm, khu du lịch. Đồng thời, anh luôn hỏi giá trước khi gọi món ăn. “Tốt hơn hết hãy bình thản và tránh lộ rõ mình là khách du lịch qua hành động hay cung cách ăn mặc, vì người bán thường ưu đãi chất lượng và giá cả cho người địa phương hơn”, anh Minh chia sẻ.
Ngoài ra, để tránh chia tiêu quá tay, theo anh chỉ nên đem một khoản tiền vừa đủ, chứ không để rủng rỉnh trong túi sẽ dễ "vung tay quá trán". Thêm nữa là cần chuẩn bị những thứ thiết yếu để không phải mất tiền vô lý.
Kinh nghiệm du lịch bụi (phượt) tiết kiệm
- Theo Thi Hà (VnExpress), ảnh minh họa từ internet
0 nhận xét: