Sa Pa sẽ có cáp treo vào cuối năm 2014

Sau Yên Tử, Bà Nà, chùa Hương, Nha Trang, sắp tới là Tây Thiên, đến cuối năm 2014 sẽ có cáp treo tham quan một phần đỉnh Fansipan (Phanxipăng) thuộc huyện Sa Pa (Lào Cai).

Chiều 3-6, ông Vương Trinh Quốc - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai cho biết: Dự kiến đến cuối năm 2014, khu du lịch Sa Pa sẽ có hệ thống cáp treo, phục vụ du khách tham quan thung lũng Mường Hoa và một phần đỉnh Fansipan.
Trước đó, ngày 31-5, Thường trực UBND tỉnh Lào Cai đã họp, nghe Công ty TNHH dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa báo cáo dự án đầu tư xây dựng quần thể công trình du lịch văn hoá, dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan Sa Pa tại huyện Sa Pa.

Theo báo cáo của Công ty TNHH dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa, dự án cáp treo tại Sa Pa sẽ đầu tư thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 là hệ thống cáp treo và quần thể công trình du lịch văn hoá, khởi công năm 2013 và năm 2014 hoàn thành; giai đoạn 2 là hệ thống khách sạn, khu vui chơi giải trí.

Mục tiêu dự án là hình thành một quần thể du lịch cao cấp, hiện đại ở Sa Pa, tạo thêm sản phẩm du lịch cho Sa Pa. Đây là dự án trọng điểm nên Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định thành lập tổ công tác do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng để hỗ trợ, cùng nhà đầu tư thực hiện các thủ tục, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Dự kiến, cáp treo lên Fansipan (Phanxipăng) sẽ dài khoảng 6,2km có điểm đầu tại tổ 11 (thuộc thị trấn Sa Pa), vượt qua thung lũng Mường Hoa kết nối với các điểm du lịch mới và lên đỉnh Fansipan ở cao độ 2.900 - 3.000m. Điểm cao nhất của Fansipan hiện nay được xác định cao 3.143m.

Trước đó, hồi đầu năm 2012, dự án này đã vấp phải sự phản đối của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa vì lo lắng là cáp treo sẽ phá vỡ môi trường, cảnh quan, có tác động đến hệ sinh thái của đỉnh núi và vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn, ảnh hưởng đến nền văn hóa của người bản địa…

Ví dụ như, TS Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở VHTT&DL Lào Cai cho rằng: Cả nước mới có một Phanxipăng, đấy là niềm tự hào khi chinh phục được nóc nhà Việt Nam. Bây giờ làm cáp treo, người ta giẫm đạp lên đấy thì còn gì là đỉnh Fansipan. Chỗ ấy đa dạng sinh học như thế, đến 10 loại cây đặc hữu của Sa Pa, trên thế giới không có, nếu làm cột cáp treo mà cây bị giẫm lên thì thôi rồi…

< Niềm vui chinh phục đỉnh Fansipan.

Những người đồng tình thì cho rằng không nên làm cáp treo tới đỉnh. Đơn cử như, KTS Trần Trọng Hanh (nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho rằng: Không nên chủ quan đưa cáp treo lên thẳng đỉnh Fansipan. Việc khó chinh phục, khó tiếp cận là một trong những điểm hấp dẫn riêng của “nóc nhà Đông Dương”. Nếu can thiệp quá nhiều, tính hấp dẫn, thách thức sẽ không còn.

Được biết Công ty TNHH dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa là đơn vị thành viên của Công ty Cổ phần dịch vụ cáp treo Bà Nà, thuộc Tập đoàn Sun Group. Đơn vị này đã có một số công trình tiêu biểu ở Việt Nam như: Bà Nà Hill; khu nghỉ dưỡng cao cấp The Sun Villas tại bãi biễn Mỹ Khê, Đà Nẵng; Toà nhà văn phòng Sun City tại Hà Nội; tổ hợp căn hộ, khách sạn, dịch vụ cao cấp Tây Hồ View.

- Theo Nguoiduatin.vn, Nhân Dân, internet