Đêm huyền ảo giữa rừng Chư Păh
Thủ phủ của kèn lá
Cách TP HCM hơn 500km, chúng tôi đi trong sương, trong gió, trong tiếng suối reo và tiếng lá rừng xào xạc, mênh mang nghe như hơi thở của rừng già. Dọc hai bên đường, hoang cảnh hàng ngàn cánh bướm khoe sắc giữa rừng cỏ lau trông thật ma mị.
Mỗi khi có cơn gió tinh nghịch thoáng qua, rừng lau trắng muốt ngả nghiêng múa may điệu vũ đại ngàn, lả lơi cùng đàn bướm rập rờn tạo nên cảnh sắc mê hoặc.
Như lời trần tình trong "Miền đất huyền ảo" (NXB Hội Nhà văn, tháng 1/2003) của nhà Tây Nguyên học người Pháp Jacques Dournes (bút danh DamBo), người Gia Rai ở làng Vân thịnh tình đến lạ. Chào đón những người bạn từ miền xuôi lên thăm, trời vừa sập tối, già làng Rơ Chăm Phiếu đã tự tay nổi lửa cho đêm hội vui. Tiếng phèn la (cồng, giống chiêng nhưng không có cục u) do hai người đàn ông để ngực trần dùng tay vỗ mỗi lúc một vang vọng.
Thể theo yêu cầu của khách, già làng K'men lập tức vào nhà rông "thỉnh" một số lá rừng dùng thổi kèn. Là nhạc cụ đơn giản, phổ biến trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, già cho biết để thổi kèn lá, nghệ nhân chỉ cần lấy chiếc lá ngắt phần cuống rồi gấp đôi theo sống lá, vậy là có kèn để réo rắt giữa ngàn mây. "Nhưng không phải cái lá rừng nào cũng thổi được kèn. Phải chọn cái lá tươi, nguyên, dài mới làm kèn được đấy" - già bật mí.
Những người già ở làng Vân ai cũng biết biến những chiếc lá gần gũi với đời sống đồng bào như lá mít, lá bí, lá gừng… thành nhạc cụ. Hôm nay già K'men không sử dụng các loại lá như thường lệ mà dùng lá mè tré, loài cây cùng họ có hình dáng và mùi vị như cây riềng. Khẽ đưa chiếc lá xanh ngắt lên vành môi, già lấy hơi và kỳ lạ thay, chiếc lá vô tri vô giác bỗng réo rắt tiếng suối chảy róc rách, rộn vang tiếng chim hót líu lo, dồn dập tiếng bước chân của con thú đang say mồi, sang sảng như âm thanh gầm vang của sấm chớp khi nổi cơn cuồng nộ.
Âm thanh từ chiếc kèn lá càng trở nên ma quái khi có sự "hòa nhịp" của chinh chiêng và tiếng đàn T'rưng. Đêm đại ngàn trong vắt, bản hợp xướng ngẫu hứng của các nghệ nhân vang vọng khắp các triền núi đồi, len lỏi vào từng cánh rừng, qua những ghềnh gộp và muôn ngàn mạch khe của hai ngọn núi Chư Pảh, Chư Grét…
Độc đáo rượu cần bao tử
Đêm nay trăng sáng vằng vặc. Trăng soi đầu non, len lỏi qua những tán lá rừng in bóng xuống con suối Iarơai chảy qua làng làm rạng ngời vẻ đẹp và sự huyền ảo vùng sơn cước. Được thở hơi thở của rừng già trong cảnh gió thổi lồng lộng và trăng chênh chếch đầu non, lữ khách cứ ngỡ đang ở chốn bồng lai.
Cái cảm giác được thưởng lãm món ăn hội đủ tinh túy của núi rừng ở nơi sâu thẳm thật khôn tả! Động thủ cơm lam, đọt mây trắng nõn và gà rừng nướng chấm muối é, cá suối nấu măng le… với những cư dân cổ giữa đại ngàn Chư Păh là diễm phúc lớn của đời người. Món nào cũng thơm mùi rừng, ngọt mùi rừng. Lửa hồng rực cháy càng thổi bùng sự cảm nhận.
Nửa đêm, khi chất keo tình cảm giữa 2 miền xuôi ngược được kết chặt, già làng Rơ Chăm Phiếu tiếp tục bày tỏ sự thịnh tình của người làng bằng ché rượu được làm từ nhiều loại quả rừng và thảo mộc do đích thân ông ủ lấy. Không như rượu cần được làm từ lúa, nếp, bắp…, tinh hoa của quả rừng và thảo mộc cho ra thứ hương vị cay nồng, vị ngọt thanh lẫn nhăn nhẵn rất tuyệt diệu.
Thấy lữ khách "say rượu", già Phiếu vui lắm. Ông bộc bạch rượu này chỉ dành cúng Yàng (ông trời), thần sông, thần suối, thần núi và những đêm hội tuy "du kích" nhưng thấm đẫm tình anh em. "Cái rượu này ngon, có vị đăng đắng nhờ có bao tử nhím đấy. Chỉ có khách quý mình mới đãi rượu này thôi" - già nói.
Hỏi ra mới biết như nhiều dân tộc bản địa ở Tây Nguyên, người Gia Rai tin rằng nhím là con vật huyền diệu bởi nó là loài vô tính. Dạ dày của nhím có tinh chất kỳ lạ là khiến cho hũ rượu truyền thống của đồng bào trở nên đậm đà. Tây Nguyên có nhiều dân tộc cư trú lâu đời như K'Ho, Ba Na, Xu Đăng, M'nông… nhưng chỉ duy nhất tộc người Gia Rai mới nắm giữ bí thuật ủ rượu cần với bao tử nhím. Bằng chất giọng sang sảng như gió lay đại ngàn, sau khi bật mí "mình được 82 cái mùa rẫy rồi", già Rơ Chăm Buôl nhấn giọng: "Nhím thường ủi đất ăn củ rễ rừng có vị thuốc nên bao tử nó là kho thuốc đấy".
Lửa vẫn cháy, nhịp cồng chiêng và tiếng kèn lá của các lão nghệ nhân vẫn vọng vang giữa đêm đại ngàn sâu thẳm. Hôm ấy, chúng tôi hết say lại tỉnh, vừa tỉnh lại say. Cứ "luân hồi" như thế đến khi tiếng gà gáy báo sáng…
Có những vùng đất ta đến một lần và nhớ mãi, Chư Păh là một nơi như vậy!
Xem thêm >
Theo T.Dũng (CAND online)
0 nhận xét: