Vân Đồn như vịnh Hạ Long thứ 2...
Là một quần thể biển đảo kỳ thú với hơn 600 đảo lớn nhỏ nối liền nhau, Vân Đồn tựa như một chiến lũy trấn giữ giữa đất liền và biển Đông. Nơi đây vẫn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ với vịnh Bái Tử Long mênh mông, hùng vĩ cùng những đảo đá lô nhô.
Do sở hữu nhiều hang động kỳ ảo như hang Soi Nhụ, Hà Giắt... và những bãi tắm đẹp, nước trong xanh, cát trắng mịn như Quan Lạn, Minh Châu nên Vân Đồn được nhiều người ví là vịnh Hạ Long thứ hai của tỉnh.
Trong tổng số 600 hòn đảo thuộc huyện thì có hơn 20 đảo có người ở, đảo lớn nhất của huyện Vân Đồn là Cái Bầu (cũng là huyện lỵ với thị trấn Cái Rồng), diện tích chiếm khoảng non nửa diện tích đất đai của huyện, trước có tên là Kế Bào ở phía Tây Bắc huyện nằm kề cận đất liền lục địa, cách đất liền bởi lạch biển Cửa Ông và sông Voi Lớn. Trong địa phận xã Vạn Yên còn có đảo Chàng Ngo cũng tương đối lớn. Huyện lỵ là thị trấn Cái Rồng, nằm trên đảo Cái Bầu, cách thành phố Hạ Long khoảng 50 km, cách Cửa Ông 7 km (theo đường tỉnh lộ 334 qua cầu Vân Đồn và bến phà Tài Xá).
Tuyến đảo Vân Hải, nằm ở rìa phía Đông Nam của huyện, gồm các đảo lớn như: Trà Bàn, Cao Lô, Quan Lạn, Đông Chén, Thẻ Vàng, Ngọc Vừng, Cảnh Tước, … và một loạt các đảo nhỏ khác, thành bức bình phong che chắn ngoài khơi vịnh Bái Tử Long. Diện tích đất đai xã Bản Sen chiếm nửa già diện của đảo Trà Bản, đảo lớn thứ hai trong huyện, cùng với đảo Đông Chén và các đảo nhỏ lân cận. Ngoài ra, địa danh này còn có xã đảo Minh Châu - vùng biển đảo nổi tiếng còn lưu giữ được nét hoang sơ thuần túy.
Huyện Vân Đồn có diện tích tự nhiên 551,3 km² với các đảo đều có địa hình núi đá vôi, cao trung bình 200 ÷ 300 m so với mặt biển và có nhiều hang động Karst. Cũng giống như tất cả các đảo trong vịnh Bắc Bộ các đảo của huyện Vân Đồn vốn trước kia là các đỉnh núi của phần thềm lục địa, ở vị trí Tây Bắc vịnh Bắc bộ, phần kéo dài của dãy núi Đông Triều.
Sau thời kỳ biển tiến, hình thành vịnh Bắc Bộ, các đỉnh núi này còn sót lại, nằm nổi trên mặt biển thành các đảo độc lập thuộc hai vùng của vịnh Bắc Bộ là vịnh Bái Tử Long và vịnh Hạ Long. Các đảo thuộc huyện Vân Đồn chỉ là một phần trong quần đảo Tây Bắc vịnh Bắc Bộ.
Các ngọn núi trên các đảo của huyện tiêu biểu có:
- Núi Nàng Tiên, ở đảo Trà Bản, trên địa phận xã Bản Sen, cao 450 m;
- Núi Vạn Hoa ở đảo Cái Bầu cao 397 m.
Do địa hình là quần đảo chủ yếu là các đảo nhỏ, lại là núi đá vôi nên trong toàn bộ diện tích đất liền tự nhiên của huyện không lớn, chủ yếu là diện tích mặt biển. Huyện đảo Vân Đồn có 68% diện tích đất tự nhiên trên các đảo là rừng và đất rừng.
Trên các đảo không có sông ngòi lớn mà chỉ có vài con suối trên những đảo lớn. Người dân địa phương thường gọi các eo biển giữa các đảo với nhau và với đất liền là sông như: sông Voi Lớn nằm giữa đảo Cái Bầu với đất liền, sông Mang ở đảo Quan Lạn. Trên địa bàn huyện có hai hồ nhỏ là hồ Vồng Tre và hồ Mắt Rồng.
Từ đất liền có thể sang đảo Cái Bầu bằng đường bộ đi qua 3 cây cầu Vân Đồn I, Vân Đồn II và Vân Đồn III. Tỉnh lộ 334 dài 40 km nối tiếp các cây cầu trên và chạy xuyên suốt 40 km trong đảo Cái Bầu. Tuy nhiên, giao thông trong huyện chủ yếu là bằng đường thủy giữa các đảo. Xã Vạn Yên (trên đảo Cái Bầu) có bến cảng Vạn Hoa, thị trấn Cái Rồng (trên đảo Cái Bầu) có cảng Cái Rồng, có thể cho xà lan, tàu thuyền tải trọng hàng trăm tấn ra vào dễ dàng, đồng thời là đầu mối giao thông qua lại giữa các đảo.
Trên đảo Trà Bản, Ngọc Vừng, Quan Lạn có những đoạn đường ô tô dùng cho quân sự và lâm nghiệp, nhưng chỉ là các đoạn đường trong nội bộ các đảo. Còn giữa các đảo với nhau và với đất liền chủ yếu vẫn dùng phương tiện giao thông đường thủy.
Danh lam thắng cảnh tại Vân Đồn có thể kể như:
- Vườn quốc gia Bái Tử Long được thành lập năm 2001, trên cơ sở nâng cấp khu Bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn về quy mô khu vực bảo vệ. Không chỉ là khu bảo tồn sinh quyển trên cạn, mà vườn quốc gia Bái Tử Long còn là nơi bảo vệ nguồn sinh vật ven biển của Việt Nam.
- Các di chỉ khảo cổ và kiến trúc cổ như Hang Soi Nhụ, Di chỉ mộ thời Hán tại thôn Đá Bạc, hệ thống các bến bãi thương cảng cổ Vân Đồn gồm bến Cái Làng, bến Cống Cái, bến Con Quy, bến Cái Cổng, bến Cống Yên, bến Cống Hẹp, bến Gạo Rang… và bến Cống Đông, nằm ven những lạch nước sâu, rộng và lặng sóng được gọi là sông nhưng không phải sông, đó là: sông Mang, sông Cống Đông, sông Voi Lớn, ...
Đình làng Quan Lạn.
- Hệ thống hang động Karst và đảo đá như đảo hòn Đũa, đảo hòn Thiên Nga, hang Soi Nhụ...
- Các bãi tắm biển hoang sơ:
Từ hòn Thiên Nga ra khơi thêm 15 km, sẽ tìm thấy một chuỗi những bãi tắm nguyên sơ toàn một màu cát trắng, phẳng mịn dài hàng chục cây số trên một chuỗi các đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng. Những bãi tắm này đều thoải và rộng hàng trăm mét kể từ bờ, độ sâu vừa phải nước chỉ tới ngang ngực.
Những bạn trẻ đam mê khám phá đến đây sẽ được đạp xe qua những con đường rợp bóng cây trâm, dạo bộ trên bãi cát trắng muốt, mịn như nhung trải dài hơn 2km. Minh Châu được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam.
0 nhận xét: