Dập dềnh hồ Khe Chảo

(BGĐT) - Âu cũng là theo chân Đội chiếu bóng lưu động của Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Bắc Giang mà tôi mới được đến hồ Khe Chảo, xã Long Sơn - một trong những thắng cảnh của huyện vùng cao Sơn Động mà tôi hằng mong ước. Vâng, Khe Chảo chứ không phải là Khe Chão như một số người viết và nói. Hồ nhân tạo này mới có 11 năm.

Anh cán bộ xã Long Sơn cho chúng tôi biết, trước đây các con suối từ núi chảy ngang dọc, lãng phí nước; lúc cần, nước không có hoặc không đủ, lúc không cần, nước lại tràn bờ tràn bãi.

Long Sơn có 6 sông suối nhỏ nhưng phần lớn là đầu nguồn nên suối và lòng sông đều hẹp, lại ở độ dốc lớn, bởi vậy ít giữ được nước về mùa khô.

Vì thế hồ Khe Chảo thực sự là công trình để đời, góp phần lớn vào việc xoá đói giảm nghèo cho hơn 5300 người dân Long Sơn với 9 dân tộc quần tụ. Từ ngày có hồ Khe Chảo với diện tích mặt nước 27 héc ta, đất nông nghiệp của xã đã được tưới tới 2/3 diện tích, đưa sản xuất từ 1 vụ lên 2 -3 vụ, đời sống người dân được nâng cao. Long Sơn hiện có vài chục hộ đạt mức thu từ 100 đến 300 triệu đồng, cá biệt tới 400 triệu đồng.

Long Sơn bao năm vào diện nghèo, đặc biệt khó khăn. Với diện tích 6.480ha, trong đó đất rừng, đồi núi chiếm tới gần 70%, người dân Long Sơn chỉ trông cậy vào rừng và hơn 700 héc ta đất trồng trọt. Khi không làm chủ nguồn nước cho cây trồng, dân nghèo là lẽ tất nhiên. Những năm đầu 90 của thế kỷ trước, Long Sơn là xã dẫn đầu Sơn Động di cư vào Nam.

Đến nay ở xã Hà Bắc, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk có hẳn một thôn là người Long Sơn. Từ ngày có hồ Khe Chảo với diện tích mặt nước 27 héc ta, đất nông nghiệp của xã đã được tưới tới 2/3 diện tích, đưa sản xuất từ 1 vụ lên 2 - 3 vụ, đời sống người dân được nâng cao. Long Sơn hiện có vài chục hộ đạt mức thu từ 100 đến 300 triệu đồng, cá biệt tới 400 triệu. Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế giỏi: Nuôi trồng thuỷ sản, kinh tế vườn đồi, chuyển đổi cây trồng, dịch vụ thương nghiệp... Long Sơn cũng là xã điểm của huyện về xây dựng nông thôn mới. Hiện giờ, xã đã đạt 12/19 tiêu chí. Đó là sự vươn lên vượt bậc mà cách đây không lâu khó ai dám nghĩ tới.

Lên chiếc thuyền máy, tôi dạo quanh khắp hồ. Gió từ khe núi tràn tới mát rượi. Nước hồ trong vắt, xanh như mực, nhè nhẹ vỗ sóng. "Chỗ này ngày xưa không khác gì như lòng chảo, gọi là Khe Chảo từ núi cao đổ xuống, sâu lắm, giờ đo là 28 mét". Anh cán bộ xã ngồi bên bảo vậy. Hồ trải rộng trước mặt, men theo chân núi vòng vèo, in bóng núi đồi với cây xanh ngắt rộng dài. Nấp trong những cây rừng là các con suối róc rách chảy như thực như hư; nghe như tiếng gió thoảng lại như tiếng reo khe khẽ. Một đàn cò từ đâu đó bay là sát mặt nước rồi vội vã vút lên cành cây.

Không gian thoáng đãng lạ lùng. Hồ Khe Chảo đâu chỉ là công trình thuỷ lợi mà còn là nơi điều hoà khí hậu cho cả vùng, là nơi phát triển thuỷ sản và là khu du lịch sinh thái. Phải, Khe Chảo chắc chắn sẽ là điểm du lịch hấp dẫn. Bao bọc hồ là núi cao với rừng cây dày đặc - những dẻ, de tái sinh, những thú rừng còn sót lại - được bảo vệ nghiêm ngặt.

Khe Chảo lại nằm ven đường từ An Châu (Sơn Động) tới Hoành Bồ (Quảng Ninh), giữa một nơi yên ả, thanh bình. Đã hiện diện dù sơ khai một nơi thu hút khách. Một nhà quán trên đập. Đôi nhà lợp lá nằm chân núi. Đôi ba chiếc thuyền dập dềnh chờ khách. Vài ba bè nuôi cá lồng ven bờ...

Sơn Động đã có Khe Rỗ, Đồng Cao, Hang Vua; có thác Ba Tia, có khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử... và chục năm lại đây có hồ Khe Chảo, thực sự làm nên vẻ đẹp hấp dẫn cho bao du khách gần xa và đó cũng là tiềm năng lớn cho huyện rẻo cao này.
Xem thêm >

Theo Đỗ Nhật Minh (Báo Bắc Giang)