Nghĩa địa treo ở Kon Tum

(VnExpress) - Với gần 3 vạn người, là dân tộc bản địa có dân số đứng thứ 3 tỉnh Kon Tum: người Jẻ - Triêng sống chủ yếu ở huyện Đăkglei, nơi tiếp giáp với tỉnh Quảng Nam bằng ngọn núi Ngok Linh cao vút quanh năm mây phủ.

< Vẻ đẹp thanh bình của làng Vai Trang, Đắk Long, Đắk Glei, Kon Tum.

Nơi đây xưa kia là vùng rừng thiêng nước độc với bao nhiêu câu chuyện rùng rợn về tục 'trả đầu', 'mùa săn máu', 'túc táng treo', 'nhà đẻ'… Những năm đầu thế kỉ 21, con đường Trường Sơn công nghiệp hoá như một chiếc chìa khoá mở toang vùng đất nguyên sơ của vùng cực bắc Tây Nguyên này…


< Một góc “rừng ma”, nơi táng treo người chết của dân làng Vai Trang, xã Đắk Long, huyện Đắk Ki, tỉnh Kon Tum.

Dù tục táng treo của người Giẻ Triêng ở làng Vai Trang, Đắk Long, Đắk Glei gần như không còn nữa, nhưng khu rừng “thiên táng” vẫn chẳng hề mất đi theo năm tháng.

Như bao ngôi làng của núi rừng Tây Nguyên, Vai Trang mang vẻ đẹp mộc mạc, đặc trưng của đông bào Giẻ Triêng sinh sống ở đây. Nếu sáng sớm làng lặng chìm trong màn sương mù đặc quánh thì trong ánh chiều tà, Vai Trang lại ánh lên màu vàng như rót mật trên khắp các mái nhà.

Theo con đường mòn đất đỏ tung bụi mịt mù về đến tận làng, bạn sẽ thấy lác đác vài người phụ nữ Giẻ Triêng gùi củi trên lưng trở về từ nương rẫy. Không chỉ cuốn hút bởi vẻ đẹp yên bình của cảnh sắc thiên nhiên hòa quyện với cuộc sống lao động cần cù chất phác, Vai Trang còn nổi tiếng với những câu chuyện tâm linh kỳ bí.

Với người Giẻ Triêng xưa, người chết thuộc gia đình giàu có, quyền quý đều không phải chôn mà được treo lơ lửng trong một khu rừng rậm rạp, vắng bóng người. Ngày nay, khi đến thăm làng, người ta thường tìm đến khu nghĩa địa treo mà người dân địa phương thường gọi là “rừng ma”.

Nằm ở phía mặt trời lặn, nghĩa địa treo ở Vai Trang là một khu rừng cách làng chưa đầy 2 km, nhưng tĩnh mịch đến lạ thường. Nhìn từ phía ngoài, “rừng ma” không có những cây cổ thụ nhưng âm u bởi cây bụi rậm rạp, um tùm che khuất. Chỉ cần cơn gió thổi qua cũng đủ để cây lá xào xạc và nhiều người phải giật mình, thậm chí nổi da gà, chân lông dựng ngược.

Để vào bên trong khu táng, bất cứ ai cũng phải vạch cây, luồn lá, có khi phải mang theo dao để phạt cây bụi, dây leo. Vào những ngày mây mù, cả khu rừng như được bao trùm một không khí liêu trai, bí ẩn. Một vài ngôi mộ được xây bằng gạch đá, xi măng của người Kinh được đặt ở bên ngoài.


< "Rừng ma" gây ám ảnh với nhiều người bởi những cỗ quan tài treo trên cọc gỗ.

Đi vào sâu khoảng vài chục mét, những chiếc quan tài treo sẽ dần hiện ra trước mắt. Chỉ hơn 200 m2 nhưng khu nghĩa địa này có hơn chục cỗ áo quan. Ở đây, người Giẻ Triêng thay vì dùng dây treo, họ dùng 2 hoặc 4 cọc gỗ nâng quan tài lên lơ lửng. Hầu hết quan tài được làm bằng gỗ tròn, nặng đến cả tấn và treo cách đất chừng 70 cm.

Khắp nơi, cứ cách vài mét lại thấy xuất hiện những chiếc quan tài treo lủng lẳng. Các cỗ quan tài vợ chồng được treo cạnh nhau, vợ bên trái còn chồng bên phải. Cháu chắt sẽ được đặt dưới hòm của ông bà, con cái thì treo xung quanh. Trải qua thời gian và mưa nắng, ngày nay nhiều cỗ quan tài đã mục nát, rơi xuống đất vì cọc treo đã mục gãy, chìm khuất trong đám lau lách và dây leo rừng.

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất trong khu “rừng ma” này là hai chiếc quan tài đặt song song cạnh nhau, làm bằng nhôm, được treo trên 4 cọc gỗ kiên cố. Chừng đó để thấy rằng, người được táng thuộc dòng dõi gia đình giàu có, quyền quý bậc nhất trong làng. Phía dưới của quan tài lỉnh kỉnh những đồ vật mà gia đình chia cho người chết đem về thế giới bên kia sử dụng. Nổi bật lên là hai chiếc ghè rượu cổ, một cái còn khá nguyên vẹn.

< Nhiều cỗ quan tài đổ gục do cọc gỗ gãy mục càng làm khung cảnh ở đây tan tác, tiêu điều.

Người Giẻ Triêng quan niệm, người chết cũng cần làm ăn, sinh sống nên đây chính là phần của cải mà người còn sống chia cho người đã khuất để họ không phải "sống" cuộc đời nghèo khổ, túng thiếu. Và cứ thế, những linh hồn Giẻ Triêng được che chở dưới tán rừng già và những bụi le, lồ ô dựng đứng.

Đến với nghĩa địa treo trong không gian thâm u giữa núi rừng Tây Nguyên, sẽ không thể tránh nói cảm giác ớn lạnh hay rùng mình sợ sệt. Nhưng hơn cả, bạn sẽ hiểu thêm một phần văn hóa cổ xưa của đồng bào Giẻ Triêng một thời.

Theo Vy An (VnExpress)