Bánh phục linh Quảng Ngãi

Khi đến Quảng Ngãi, bên cạnh nhiều món ngon đặc sản của vùng núi Ấn sông Trà như kẹo gương đậu phụng, kẹo mạch nha, đường phổi... du khách đừng quên thưởng thức món bánh phục linh được làm từ bột bình tinh nguyên chất mà thuở xưa chỉ xuất hiện trong mâm cỗ dịp lễ, tết truyền thống. Chính hương vị thơm ngon, mát lành đã khiến cho bánh phục linh trở thành một món quà quê hấp dẫn của người dân Quảng Ngãi.

Để cho ra đời một mẻ bánh phục linh ngon, bề mặt khô ráo, có hoa văn đẹp, bánh phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ từ người làm bánh. Ngày nay, có một số nơi làm bánh phục linh nhưng tại Quảng Ngãi quy trình làm bánh rất riêng, khó có thể nhầm lẫn.

Đầu tiên là khâu chuẩn bị bột. Người ta phải đào củ bình tinh, chọn những củ già rồi say bột, đem về lọc với nước giếng, ngâm một đêm cho tinh bột lắng xuống, kết tinh lại ở dưới đáy, sau đó lại đem bột đi phơi nắng để dành dùng dần. Mỗi lần làm bánh phải mang bột phơi sương, cho bột vào bao cột kín. Bột sau 3 lần phơi sương có màu trắng như sữa, sờ vào mát mịn cả da tay như vậy khi làm bánh mới dễ kết dính.

Công đoạn tiếp theo là rang bột với lá dứa, chọn khóm lá dứa xanh tươi nhất, rửa sạch cắt đoạn ngắn, cho vào chảo cùng với bột bình tinh, rang nhỏ lửa để giữ hương thơm tự nhiên của bình tinh. Tay đảo đều cho đến khi lá dứa chuyển màu xanh rêu, hương lá dứa thơm nồng  là lúc bột chín. Đợi bột nguội, dùng rây lược bỏ lá dứa.

Để có được chiếc bánh phục linh đặc hạng như ở Quảng Ngãi, người làm bánh còn khéo léo vắt một ít nước cốt dừa, cho vào một lượng đường vừa đủ nhấc lên bếp thắng sệt lại. Nước cốt  dừa đã thắng với đường chia làm hai, một phần để nguyên, phần còn lại trộn với nước lá dứa để tạo màu xanh. Muốn có bánh màu hồng, cam... có thể trộn với màu thực phẩm. Sau khi trộn với màu, phải cẩn thận nấu nước dừa sôi lên lần nữa trước khi trộn bột làm bánh.

Nhiều khách phương xa chuộng bánh phục linh Quảng Ngãi vì có vị mát của bột, ngọt dịu của đường và hương lá dứa cứ thoang thoảng khi miếng bánh tan chảy nơi đầu lưỡi. Quyết định đặc điểm trên phần nhiều phụ thuộc vào công đoạn trộn bột. Cho bột vào nước dừa đã phân, nhồi trộn bột  từ từ từng ít một, để bột vừa đủ độ ẩm, không được ướt hoặc khô quá (theo kinh nghiêm của người dân nơi đây, bột nắm chặt lại sau đó mở tay ra nếu thấy khối bột kết dính, không bị vỡ ra là đạt yêu cầu).

Cuối cùng là in bánh. Thường người ta in bánh  bằng khuôn gỗ hoặc nhôm, bên trong chạm khắc những hoa văn trang trí khác nhau. Cho bột vào đầy các lỗ khuôn, ém chặt bột, úp ngược mặt khuôn xuống và gõ nhẹ đáy khuôn để lấy bánh ra.

Ngày nay, mỗi khi nhắc đến quê " xứ mía đường", người ta không thể không kể đến bánh phục linh. Mỗi ngày, từng gói bánh phục linh theo tay du khách chuyển đi khắp mọi miền. Đã từ lâu chiếc  bánh phục linh nhỏ nhắn của người Quảng Ngãi  đã trở thành hương vị khó quên đối với nhiều du khách khi ghé thăm mảnh đất này.

- Theo  Thanh Ly (Thesaigontimes), ảnh internet