Chùa Đục, chùa Hang trên đảo Lý Sơn

Rộng chưa đầy 10km² nhưng bất cứ ai từng một  lần đến với huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi - quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đều ngỡ ngàng trước một quần thể danh thắng mê hoặc lòng người.

Trên đảo Lý Sơn có 2 ngôi chùa là chùa Đục và chùa Hang, khách phương xa khi đặt chân đến đảo đã được nghe giới thiệu rằng, đó là một trong số những nơi không thể không đến. Đảo nhỏ, đường trên đảo cũng hẹp, phương tiện di chuyển thích hợp nhất vẫn là xe máy. Chẳng khó khăn gì chúng tôi hỏi mượn được một chiếc xe máy hiệu Jupiter của một nhà dân nằm kề lối ra cầu tàu. Anh chị chủ nhà cười tươi động viên trong lúc khách lạ còn ngại ngần: “Cứ mượn thoải mái đi, lúc nào về thì về, không phải tiền nong thuê mướn gì đâu”. Rồi tận tình chỉ đường cho chúng tôi lên núi.

Nếu tính theo đường chim bay, chùa Hang và chùa Đục cách đình An Vĩnh - trung tâm của đảo không xa là mấy nhưng đường đi thì loanh quanh chạy vòng qua eo núi. Qua hết đoạn đường men theo bờ biển với những cánh đồng tỏi đang chờ thu hoạch, xe chúng tôi lại chìm trong những vạt ngô xanh rờn.

Đường sá trên đảo tuy hẹp nhưng khá bằng phẳng, mùa này hoa hoàng hậu nở rộ vàng cả một góc tường rào nhà ai đó bên đường. Khách phương xa mê mải với những mảng màu rực rỡ của hoa trái, bị mê hoặc bởi màu xanh căng tràn của núi, của trời, của những những con sóng miệt mài vỗ bờ.

Ngự giữa lưng chừng sườn núi Giếng Tiền, ngọn núi lửa đã ngủ quên hàng ngàn năm trên đảo, chúng tôi phải vượt qua hơn 100 bậc thang men theo sườn núi để đến được Chùa Đục. Tọa lạc ngay tiền sảnh của khu thắng cảnh chùa Đục là tượng Quán Thế Âm cao 27 mét, dẫn lên các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm sâu trong lòng núi. Chùa Đục còn gọi là chùa không sư, theo tương truyền của người theo đạo Phật, Quán Thế Âm từng chọn ngự ở đây, trấn giữ bình yên cho dân đảo tránh được những cơn thiên tai.

Từ chùa, theo hướng tượng Quán Thế Âm nhìn ra hướng biển cảnh đẹp như tranh. Thú vị nhất là leo lên tận đỉnh Liêm Tự để nhìn thấy miệng núi lửa bây giờ là một cảnh đồng cỏ xanh hình lòng chảo. Đỉnh núi là một đài ngoạn cảnh tưởng lý tưởng để ngắm nhìn bao quát biển đảo Lý Sơn từ trên cao để hiểu vì sao nơi đây được ví như chốn tiên cảnh.

Rời chùa Đục, chúng tôi quay ngược về hướng cầu cảng rồi theo hướng đường lên núi Thới Lới không bao xa là đến Chùa Hang. Nếu đến chùa Đục phải leo thang lên núi thì để vào chùa Hang, du khách phải xuống núi. Chùa được khắc tên bằng chữ Hán Nôm là “Thiên khổng thạch tự” (chùa do trời sinh ra), năm 1994, chùa được Bộ VHTT xếp hạng di tích quốc gia.

Chùa Hang là nơi thờ tự Phật và các vị tiền hiền đã góp công khai hoang, dựng xây huyện đảo. Điện thờ không quá lớn song đặt trang nghiêm giữa hang động chính. Theo người dân huyện đảo thì trong hang mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp, là nơi dân đảo cư ngụ khi thời tiết khắc nghiệt.

Nằm ngay sát biển, nhưng ngay lối vào hang chính lại có mạch nước ngọt. Du khách không khỏi thú vị khi ngước nhìn mạch nước chảy ra từ đá núi rêu phong. Phong cảnh nhìn từ chùa Hang lại phác họa trong ấn tượng của du khách thêm những bức tranh thủy mạc thiên nhiên ưu đãi ban cho huyện đảo Lý Sơn.

Đặc biệt bên trong chùa còn có hai lối hẹp dài hun hút với hai hướng đối ngược, được dân bản địa quan niệm là “đường lên trời và đường xuống địa ngục”. Cảnh chùa bao năm qua vẫn luôn u tịch, nếu không phải vào dịp hội hè thì có rất ít khách viếng thăm.

Mới đầu giờ sáng mà cái nắng ngoài đảo đã như muốn thiêu đốt mọi thứ, nhưng chỉ cần bước chân vào bên trong chùa, không khí dường như khác hẳn, lòng hang mát lạnh, những giọt nước thẩm thấu qua đá tí tách rơi trên nền chùa. Đứng ngoài sân chùa, phóng tầm mắt ra biển bao la chỉ một màu xanh trong trẻo, nước biển ở đây xanh và trong một cách lạ kỳ.

Người dân Lý Sơn thường ra bãi biển trước cửa chùa Hang để nhặt rong câu, không hiểu sao rong câu ở trước cửa chùa Hang ăn ngon hơn bất cứ nơi nào trên đảo, cây cối cũng tươi tốt hơn.

Vào những dịp lễ Vu Lan hay Phật Đản, ngày giỗ các vị tiên hiền, ngày tưởng nhớ tri ân đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, các hoạt động tâm linh thường được diễn ra ở nơi này. Ngư dân Lý Sơn tâm niệm, Phật bà Quan âm luôn chở che và phù hộ cho những chuyến “hải lộ bình an”.

Cuối buổi chiều hàng ngày, tiếng cầu kinh của những người vợ có chồng đang lênh đênh trên biển vang lên trong chùa, tiếng kinh trầm buồn đó chỉ kết thúc khi những tia nắng mặt trời đã khuất hẳn trong lòng núi, gió ngoài biển tràn qua những hàng phong ba, bàng vuông thổi vào bên trong sân chùa làm tan đi những câu kinh buồn.

- Tổng hợp từ An Ninh Thủ Đô, Dân Trí và nhiều nguồn khác.