Đẹp mặn mà vùng đất Ninh Thuận

"Kẹt" giữa tam giác du lịch lừng danh Nha Trang – Mũi Né – Đà Lạt, khí hậu khắc nghiệt, nhưng Ninh Thuận chứa trong lòng mình sự quyến rũ, vừa mặn mà vừa ngọt ngào riêng bởi những điều đặc sắc mà chỉ thiên nhiên, phong cảnh, con người nơi này mới có.

< Nơi đây mang khí hậu tương đối khắc nghiệt nên ít khi được các du khách lựa chọn là địa điểm ghé chân trong các chuyến du ngoạn của mình.

Phan Rang – Tháp Chàm là thủ phủ tỉnh Ninh Thuận. Khách du lịch có thể bay tới Nha Trang rồi bắt xe bus hoặc taxi thêm 60km nữa để đến đây. Nghỉ lại 1 đêm, sáng hôm sau, chúng tôi ăn sáng bằng món cơm gà Khánh Kỳ có món dưa đi kèm ngon nức nở để làm quen với Ninh Thuận.

< Ít mưa, nhiều nắng, Ninh Thuận được coi là vùng sa thảo độc nhất Đông Nam Á, và vườn Quốc gia Núi Chúa là đại diện tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng khô hạn này. Ở đây có xương rồng là loài thực vật đặc hữu.

Địa điểm đầu tiên trong hành trình là Vườn Quốc gia Núi Chúa và vịnh Vĩnh Hy. Chúng tôi lựa chọn phương tiện xe bus. Rẻ, tiện lợi và có cơ hội tìm hiểu cuộc sống của người dân. Ven quãng đường gần 40km này, những cánh đồng muối sáng như gương, tĩnh lặng, êm đềm nối tiếp nhau.

Với số giờ nắng và gió cao nhất nước, khí hậu Ninh Thuận bị coi là khắc nghiệt, nhưng đây lại là món quà thiên nhiên dành tặng cho những người làm muối để đưa tỉnh này trở thành tỉnh có sản lượng muối lớn nhất cả nước.

Núi Chúa cao 1.039m, hai mặt cánh cung vươn ra để ôm trọn trong lòng một vùng biển trong xanh, êm đềm. Đó là vịnh Vĩnh Hy - một vịnh nhỏ nhưng sở hữu vẻ đẹp hoang sơ đặc biệt. Một trong số đó là làn nước xanh trong vắt. Khi đang ở trên tàu, du khách có thể đồng thời ngắm cánh cung Núi Chúa vươn ra biển ở trên, và chiêm ngưỡng làn nước trong vắt soi rõ đáy biển phía dưới.

< Dưới đáy biển Vĩnh Hy là một quần thể san hô phong phú và tuyệt đẹp. Lần đầu tiên, chúng tôi được tận mắt chiêm ngưỡng điều kỳ thú này khi tham quan vịnh trên những chiếc tàu đáy kính.

Hệ thống vách đá là điều hấp dẫn riêng ở Vĩnh Hy. Với độ dài chừng 4.500m bao quanh vịnh, độ cao khoảng 20 – 30m, vách đá có những vết cắt xẻ dữ dội theo chiều dọc tạo nên một khung cảnh hùng vĩ. Mỗi du khách khi ngắm nhìn những vách đá này lại có một cách tưởng tượng về một câu chuyện cho riêng mình.

< Bào ngư nướng chấm muối tiêu, món ăn đầy phong vị biển cả, tươi rói, mặn mà.

Sau khi hòa mình vào vẻ đẹp hoang sơ, riêng có của Vĩnh Hy, theo lời khuyên của anh lái tàu, chúng tôi ghé vào làng chài để tham quan cuộc sống của người dân và thưởng thức đặc sản biển. Đồ ăn ngon, rẻ, người dân nồng hậu và thân thiện là những ấn tượng sâu sắc nhất với chúng tôi về những làng chài trên vịnh này.

< Ốc vú nàng, hay còn gọi là ốc nón cũng là 1 đặc sản của Vĩnh Hy. Con ốc dày mình, ngọt và giòn sừn sựt, khiến tôi – một người chẳng mấy khi ăn ốc cũng tấm tắc không thể bỏ qua. Ở đây, bạn có thể được thưởng thức Cầu gai nướng mỡ hành, cá thu, mực ống với vị tươi ngon và giá cả hợp lý hiếm đâu sánh bằng.

< Vườn nho ở Ninh Thuận.

Trên đường về, được lạc vào những rừng nho non mới trồng xanh mướt mát chúng tôi mới ồ lên nhớ ra: Mình đang ở xứ sở nho, với diện tích và sản lượng lớn nhất toàn quốc. Bây giờ, nhắm mắt lại, tôi vẫn mường tượng rõ ràng những vườn nho ngăn cách với đường đi bằng một hàng xương rồng xanh, và nối đuôi nhau kéo dài tít tắp tới tận chân núi.

< Một góc cồn cát Nam Cương.

Về đến Phan Rang vào buổi chiều, tôi được gợi ý đến một địa điểm khác, tuyệt đẹp mỗi hoàng hôn. Đó là cồn cát Nam Cương ở làng Chăm Tuấn Tú, cách trung tâm Thành phố 8km.

Nam Cương rộng 700ha, gồm những cồn đồi và thung lũng cát vàng xen kẽ nhau, nằm ven biển Ninh Chữ nên mỗi khi hoàng hôn, gió biển thổi vào khiến cát vừa bay trên đồi vừa chuyển động thành làn sóng dưới chân, tạo một cảm giác thích thú kỳ ảo.

Từ Cồn cát Nam Cương phóng mắt nhìn ra biển. Cồn cát còn là nơi sinh sống cư trú của con dông – loài bò sát sống trong các hang trên cát, cũng là nguyên liệu chế biến những món ăn từ dông – một đặc sản khác của Ninh Thuận.

Hôm sau là ngày chúng tôi dành tham quan, tìm hiểu những điều thú vị xung quanh ở Phan Rang – Tháp Chàm và các huyện phụ cận. Phương tiện thuận tiện nhất là thuê xe máy. Chúng tôi còn may mắn được một bác xe ôm tận tình đi kèm đoàn để hướng dẫn đường. Nơi đầu tiên chúng tôi đến là tháp Poklong Garai – cụm tháp Chàm hùng vĩ, nguyên vẹn nhất còn tồn tại trên đất nước ta.

Ninh Thuận là vùng đất bản địa lâu đời của đồng bào Chăm. Đi sâu vào những ngôi làng Chăm, chúng tôi không chỉ được tìm hiểu nếp sống, nếp sinh hoạt vẫn theo chế độ Mẫu hệ của đồng bào, mà còn được tận mắt tận mắt chứng kiến những đồ dùng đặc trưng từ xa xưa nơi đây.

Như mong ước, chúng tôi đã được đến tham quan những vườn nho rộng khắp, bạt ngàn và mơn mởn lá xanh. Trong chuyến tham quan vườn nho, chúng tôi được bác Nguyễn Văn Mọi – người trồng nho nổi tiếng nhất Ninh Thuận chia sẻ nhiều điều xung quanh những cây nho ở Ninh Thuận.

Trong chuyến tham quan vườn nho, chúng tôi được bác Nguyễn Văn Mọi – thường được gọi là Ba Mọi – người trồng nho nổi tiếng nhất Ninh Thuận chia sẻ nhiều điều xung quanh những cây nho ở Ninh Thuận.Và thưởng thức những trái nho chín mọng.

Phong cảnh, tình người Ninh Thuận giống như những trái nho kiên cường mọc lên từ đất cát khô hạn, như những hạt muối kia, rèn mình dưới cái  nắng như Phan và gió như Rang, để chắt chiu thành hương vị vừa ngọt ngào vừa mặn mà khó quên, gửi lưu luyến cho bất kỳ ai từng một lần ghé đến.

- Theo Nguyễn Thường Nga (Infonet)