Hoang sơ Phù Cát

Ai đã một lần lên núi Phương Nghi (còn gọi là núi Bà) rồi ghé thăm biển Cát Tiến (xã Cát Tiến, Phù Cát, Bình Định) hẳn không thể không ngỡ ngàng trước vẻ đẹp đa dạng, hoang sơ và hùng vĩ nơi đây.

< Con đường đi giữa hai vách núi.

Chỉ cách thành phố Quy Nhơn khoảng 25km - 30km về phía đông, núi Phương Phi và bãi biển Cát Tiến thuộc xã Cát Tiến (Phù Cát, Bình Định) là điểm đến của nhiều du khách. Núi Phương Phí gắn liền di tích lịch sử cấp quốc gia - chùa Ông Núi. Bãi biển Cát Tiến là một trong những bãi biển đẹp, hoang sơ của miền Trung.


< Hoa lộc vừng rơi đỏ một góc bậc đá trên đường lên núi.

Con đường đất dẫn đến chân núi Bà nằm giữa hai hàng cây duối cổ thụ thẳng tắp. Tiếng ve vọng ra từ những tán lá xen lẫn mấy chùm duối chín vàng mọng nước khiến khung cảnh càng trở nên quyến rũ. Những đàn dê, đàn bò đang thong thả tìm về dưới những gốc duối đứng nghỉ trưa ngẩn ngơ nhìn du khách. Đi hết con đường là đến chân núi Bà, nơi có cổng chào - cửa ngõ dẫn lên chùa Ông Núi.

Chênh vênh chùa Ông Núi

Đồng hồ chỉ hơn 10g, bất chợt cơn mưa dông rào rào trút nước giữa những tia nắng đầu hè khiến cái nắng nóng càng bức bối.


< Đàn bò  tìm về nghỉ trưa dưới những gốc duối bên đường.

Đường lên chùa với hàng ngàn bậc đá xếp chồng lên cao cộng thời tiết nắng mưa thất thường như muốn thử sức khách bộ hành. Thế nhưng cảnh đẹp hai bên đường đã thôi thúc mọi người. Những bảng chỉ dẫn được khắc vào vách đá tự nhiên, những bông hoa lộc vừng rơi đỏ cả một khối đá, hay cái sắc hồng đong đưa của một chùm hoa lạ cứ khiến đôi mắt du khách phải thẫn thờ…

Chùa Sắc tứ Linh Phong (dân địa phương thường gọi là chùa Ông Núi), có tên chữ đầy đủ là "Dũng Tuyền Linh Phong thiền viện", tọa lạc trên đồi núi thuộc thôn Phương Phi.

Dừng nghỉ ở khoảng đất trước cổng chùa, nơi có những cây phượng già trơ lá, nơi gió cứ tràn về mát rượi. Từ đây nhìn về phía đông là bờ biển Cát Tiến xanh tít tắp, nhìn thấy những đợt sóng xô lên trắng xóa bờ cát. Và chỉ cần một cái nghiêng đầu, chúng tôi được ngắm một bức tranh với lô nhô những nóc nhà, những đám ruộng đang vào mùa gieo sạ như những hình vẽ ô vuông...


< Khối đá chồng ngàn năm trầm mặc.

Con đường từ chùa chính lên hang Tổ đi qua những khối như được chiếc máy cẩu nhặt nhạnh mỗi nơi xếp chồng lên nhau tạo thành những dáng hình kỳ lạ. Người xưa kể mỗi khi trong vùng có dịch bệnh thì có một nhà sư từ hang núi Phương Phi đem thuốc xuống cứu chữa. Chữa xong rồi ông đi ngay, không nhận bất cứ một sự trả công nào. Nhà sư đó mặc áo quần làm bằng vỏ cây nên được gọi là Mộc Y Sơn Ông.

Bây giờ trong hang Tổ được nhân dân trong vùng lập bàn thờ và có đặt tượng Mộc Y Sơn Ông, xem đây là chốn linh thiêng nhất của quần thể chùa Ông Núi. Nhà sư cũng gắn liền với sự tích là người đã cứu vua Minh Mệnh khỏi bệnh qua báo mộng.

Hang rộng, do hàng ngàn tảng đá lớn nhỏ chất chồng lên nhau mà tạo thành, bên cạnh có dòng nước như thác quanh năm vẫn ào ào chảy, xung quanh là những dãy núi đá có nhiều kỳ nham cổ thụ, thạch cốc, hang động kỳ bí hoang vu.

Dù mệt mỏi sau những bậc đá khi lên đến hang núi, đứng trên những tảng đá cao, nhìn ra tứ phía… thấy nhẹ nhàng, bao mệt nhọc cứ như được rũ bỏ.

Hoang sơ biển Cát Tiến

< Những bãi đá dọc bờ biển.

Men theo những bậc đá rời ngôi chùa Ông Núi trong sắc chiều hoàng hôn bãi biển, chúng tôi thẳng đường để đến bãi biển Cát Tiến xanh rì sóng vỗ cát trắng.

Đường ĐT 639 có đoạn đã trải nhựa, có đoạn đã được bêtông hóa nhưng vẫn không xóa bỏ mất cái gốc gác xưa cũ của nơi đây. Những bãi cát cao, trải dài, nhấp nhô hun hút giống như một bãi sa mạc đầy nắng gió. Con đường cứ chạy dài, một bên là đầm Thị Nại (đầm nước mặn lớn nhất Bình Định) gió thổi mát rượi, một bên là những đồi cát nhấp nhô phía sau những ngôi nhà là những cây xoài trĩu quả chín vàng ươm đong đưa.


< Hàng dương liễu hai bên như cánh cửa để du khách đến với biển.

Bất chợt cung đường thay đổi cứ như một nét vẽ đứt đoạn, mở ra lối đi mới. Hai bên đường là những hòn núi đá khổng lổ đứng lừng lững, có đoạn là đá tảng, hình thù kỳ dị, lại đến đoạn đá cuội - trông như những quả trứng khủng long. Phần lớn địa hình đồi núi đá nên cây cối mọc lác đác, đường đèo hiểm trở, nhiều đoạn phải căng thẳng thần kinh để “ôm cua”.

Một bên núi đá lởm chởm, một bên bờ biển suốt năm tháng sóng vỗ rì rào, ôm ấp bãi cát trắng phau chạy dài, nối tiếp đó là những bờ đá nhấp nhô, những rặng dương liễu vi vu theo gió biển nhìn ngắm những con tàu cá neo đậu dập dềnh gần bờ…

Chưa tới 5km, nhưng những nét vẽ của bà mẹ tự nhiên như đưa những lữ khách lạc vào chốn kỳ bí với những bí ẩn ở từng kilômet phía trước. Cái cách cung - đường - tiếp - nối như thể không muốn ai nhàm chán khi phải nhìn ngắm mãi một thứ để chờ đợi sự đổi thay.

< Những khối đá nhấp nhô, đủ hình dáng quanh năm tắm mình trong làn nước biển.

Đã đến lúc phải dừng xe để chọn một nơi đáp xuống, để cho đôi chân một ngày leo núi được “tự do” nghịch cát biển. Bạn cứ phải ngỡ ngàng trước màu xanh trong mát lạnh của nước biển dập dềnh dập dềnh như muốn chồm lên vồ lấy - đẩy ra khơi những chiếc thúng đang nằm yên trên bờ.

May mắn chưa bị bàn tay con người “xâm phạm” nhiều nên biển Cát Tiến vẫn giữ được nét hoang sơ đến mê đắm lòng người. Để rồi không phải đợi đến buổi chiều mà ngay khi ánh mặt trời còn gay gắt, khách lại tìm về đây đơn giản chỉ để ngắm, để nhìn hay để thả hồn mình theo gió biển.

- Theo Hương Cát (báo Tuổi Trẻ)