Đi săn bằng nỏ giữa thủ đô

Nói đến những chiếc nỏ người ta thường nghĩ rằng nó chỉ còn trong những câu chuyện cổ tích hay trong các thú vui tiêu khiển. Thế nhưng, ngay tại thủ đô Hà Nội có một vùng đất người dân vẫn sử dụng nỏ thường xuyên trong công việc. Đó là ở thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Hầu như, nhà nào ở đây cũng có nỏ

Chúng tôi đến thôn Hợp Nhất vào một buổi chiều tháng 5 nắng như đổ lửa. Phải mất một quãng đường đất cheo leo với các ổ trâu, ổ bò và những tảng đá hộc, chúng tôi mới tới được bản người Dao duy nhất của Hà Nội này.

Tuy nằm ở thủ đô, song Hợp Nhất vẫn giữ được những nét hoang sơ của miền sơn cước. Những mái nhà sàn mộc mạc nằm chênh vênh trên các quả đồi. Điều đặc biệt, ở đây người dân vẫn giữ được nhiều phong tục truyền thống, trong đó có việc sử dụng những chiếc nỏ cổ truyền.

< Ông Triệu Quang Hòa đang thể hiện lại động tác bắn nỏ.

Để tìm hiểu về  những chiếc nỏ độc đáo này, chúng tôi gặp ông Triệu Quang Hòa, người làm được nhiều chiếc nỏ chuẩn nhất trong vùng. Khi chúng tôi đến, ông Hòa đang lúi húi vót những chiếc mũi tên bằng tre nhọn hoắt. Thấy có nhà báo đến tìm hiểu về việc làm nỏ, ông Hòa hào hứng dẫn chúng tôi lên nhà chỉ vào bức vách khoe “đây là một chiếc nỏ cổ của cha ông để lại, ông gìn giữ đã được hàng chục năm nay”.

Ông Hòa cho biết, để làm ra một chiếc nỏ đòi hỏi khá kỳ công. Trước tiên, người thợ làm nỏ phải tìm  bằng được loại gỗ của cây má (cây vàng anh) rồi đem xẻ và bào cho thật nhẵn. việc ghép thân nỏ cũng đòi hỏi phải tỷ mẩn và cẩn thận. Người làm nỏ phải tính toán rất kỹ nơi tiếp xúc của chạc mới tạo được tính chính xác khi bắn. Tiếp theo là công đoạn làm dây cung. Để làm được loại dây này, họ phải vào trong rừng nhiều ngày lựa chọn loại dây gai chắc, mập và khỏe. Sau đó phải tết cả một bó cây gai mới tạo được dây cung như ý. Một trong những khó khăn nữa của việc làm nỏ là phải làm được những chiếc tên chính xác.


< Già làng Dương Đức Tiến.

Chiếc tên được làm từ những loại cây giang có sẵn trong rừng. Khi làm tên, người ta phải chọn loại giang có dóng dài, chắc và vót nhọn cho vừa với cây cung. Trước đây, người dân khi sử dụng nỏ săn bắn còn tẩm độc vào đầu mũi tên khiến cho mục tiêu phải bỏ mạng dù chỉ sượt qua, nhưng ngày nay họ không còn sử dụng loại độc dược nguy hiểm này nữa. Ông Hòa cũng chia sẻ thêm, bản thân ông trước đây làm rất nhiều nỏ vì ông không chỉ để dùng mà còn bán cho nhiều người dân trong vùng. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng loại nỏ này ngày càng ít đi. Hàng năm ông chỉ làm một vài cái cho đỡ nhớ nghề mà thôi..

Ông Triệu Quý Thanh, trưởng thôn Hợp Nhất xác nhận, trên địa bàn thôn có khoảng 120 hộ gia đình, thì có đến 100 hộ vẫn thường xuyên sử dụng nỏ. Trước đây, họ vẫn sử dụng những chiếc nỏ này vào rừng để săn bắn thú, tuy nhiên khi rừng Ba Vì trở thành rừng quốc gia,người dân  không còn săn bắn thú hoang nữa. Họ  chỉ dùng chiếc nỏ này để bắn chuột hay chim khi xuống phá hoại cây cối trong vườn. Thỉnh thoảng họ cũng dùng nỏ để bắn gà nhà mình khi không đuổi được.

Quá khứ vàng son của những chiếc nỏ

< Những chiếc nỏ được treo ở vị trí trang trọng trong nhà của người Dao.

Ngược dòng thời gian về những năm 50 – 60 của thế kỷ trước khi Hợp nhất vẫn còn là một bản người Dao hoang sơ, những chiếc nỏ này thực sự là công cụ, vũ khí gắn liền máu thịt với họ. Để tìm hiểu về cái thời huy hoàng của những chiếc nỏ, chúng tôi đã đến gặp cụ Dương Đức Tiến, vị già làng, trưởng bản của Hợp Nhất.

Cụ Tiến cho biết, vào khoảng những năm 50 – 60 của thế kỷ trước hầu như nhà nào ở Hợp Nhất cũng có một vài chiếc nỏ. Nó đã trở thành một vật bất ly thân của  đàn ông người Dao mỗi khi lên rừng săn bắn. Người dân nơi đây vẫn còn kể  những câu chuyện oai hùng của các tay săn huyền thoại. Nhấp một ngụm nước dễ cây rừng lấy lại giọng, cụ Tiến chậm dãi kể về quá khứ vàng son của những chiếc nỏ. Ngày ấy, núi rừng Ba Vì còn rất hoang sơ nên còn nhiều loại thú dữ như hổ, báo, gấu xuất hiện phá hoại mùa màng của người dân. Trong làng lúc ấy có một anh thanh niên tên Dương Hữu Vượng sức vóc to khỏe, băng rừng vượt núi phăng phăng không kém gì mãnh thú.

Đặc biệt, anh Vượng là một người thiện xạ bậc nhất của làng về môn bắn nỏ. vào những năm 60, loài gấu ở trong hang thường ra ăn ngô của đồng bào, vì thế anh thanh niên Vượng đã nhiều lần phục kích bắn hạ bằng được. Vào một buối tờ mờ sáng, anh khoắc lên mình chiếc nỏ quen thuộc rồi men theo các cành cây cô bị đổ rạp, khi phát hiện con gấu đang ăn trộm ngô của mình, anh nhanh tay rút chiếc nỏ đã tẩm thuốc độc ra bắn hạ con gấu tham lam. Con gấu bị trúng tên độc hoảng sợ bỏ chạy, anh đã cùng dân làng lần theo dấu vết nó bỏ lại trên đường đi, suốt một ngày kiên trì bền bỉ cả làng đã bắt được con gấu trên 100 kg, từ đó ngô mầu của bà con không còn bị quấy phá nữa.

Chiếc nỏ không chỉ đơn giản là để săn thủ, nó còn góp công vào việc giết giặc cứu nước. Vào những năm kháng chiến chống Pháp 1946 – 1954, bọn giặc Pháp đóng quân ở nhiều nơi trên địa bàn Ba Vì. Người dân bản Hợp Nhất đã thành lập các đội du kích ẩn nấp sâu trong rừng đánh tỉa quân đội địch. Quân đội Pháp được trang bị hùng hậu tới tận răng, nào là súng ống, lựu đạn, xe tăng… nhưng chúng luôn phải khiếp sợ bởi những mũi tên tre đơn sơ bay ra từ bất cứ một bụi dậm nào trong rừng. Đến bây giờ,người dân bản Hợp Nhất vẫn luôn tự hào về chiến công của cụ Triệu Tài Lạt. Cụ Lạt hồi kháng chiến chống Pháp là một anh lính du kích vô cùng thiện chiến với thứ vũ khí duy nhất  là một chiếc nỏ. Chiếc nỏ đơn sơ với mũi tên bằng tre được tẩm độc, cụ Lát cứ thoắt ẩn thoắt hiện bẳn tỉa quân địch. Nhiều tên giặc Pháp cao to được trang bị hiện đại đã phải bỏ mạng nơi đồng rừng này chỉ bằng một mũi tên tre của cụ.

Những chiếc nỏ “thần kỳ” của người Dao Hợp Nhất giờ đây không còn được dùng nhiều như xưa nữa nhưng vẫn luôn là một vật dụng không thể thiếu trong mỗi căn nhà sàn đơn sợ. Họ vẫn luôn giành một vị trí trang trọng để treo chiếc nỏ này, thể hiện sự tôn nghiêm và uy dũng của dân tộc Dao. Nó cũng giúp người dân cảm thấy được an toàn và vững tin vào cuộc sống. Trong những năm gần đây, người dân Hợp Nhất cũng thường xuyên tham gia môn thể thao bắn nỏ trong các cuộc thi thể thao DTTS của Hà Nội và toàn quốc và luôn giật được nhiều giải cao, điều đó càng khiến cho họ thêm tự hào về chiếc nỏ của mình.

Chúng tôi chia tay bản Hợp Nhất khi mặt trời đã bắt đầu lặn dần sau những rặng núi mờ xa. Nét hoang sơ của một ngôi làng ngoại thành càng khiến cho hình ảnh thủ đô thêm phong phú và quyến rũ. Hy vọng rằng trong thời gian tới người dân Hợp Nhất nói riêng và người dân trong các bản làng DTTS ở Hà Nội nói chung luôn giữ gìn được những bản sắc dân tộc truyền thống làm tô điểm và phong phú cho thủ đô ngàn năm văn hiến.

- Theo Lao động & Đời sống, internet