Mốt chơi xe đạp ''khủng''
Tìm đến nơi mà dân chơi xe đạp Hà Thành thường xuyên lui tới là góc phố Bà Triệu – Hàm Long nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Tại đây có hơn 10 cửa hàng bán xe đạp lâu năm nhất ở Hà Nội.
Anh Vũ Triều Dương, chủ một cửa hàng bán xe đạp cho biết: “Những người mới chơi xe đạp thường chọn những loại xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, EU... dòng xe Bull, Foscus (Đức), Scott, Trek (Mỹ), Giant (Đài Loan). Giá bán từ 15 đến 65 triệu đồng/chiếc.
Dân chơi xe đạp “Pro” thường đặt mua các loại phụ tùng riêng rẽ, từ khung sườn, bộ giò đạp và đĩa, phuộc xe, tay lái, bộ vành..., mỗi hãng sản xuất phụ tùng có những thế mạnh riêng, vì thế khi chọn những loại tốt nhất để tạo hình cho “đứa con tinh thần” thì xe sẽ tốt và mạnh mẽ hơn, tạo cá tính trên chiếc xe theo ý tưởng của chủ nhân. Khung xe của dòng xe địa hình giá cao nhất hiện từ 3.000 – 3.300 USD, giảm xóc: 1.600 -1.700 USD, yên xe khoảng 2 triệu đồng/chiếc, lốp dòng bình dân khoảng 2 - 3 triệu đồng/đôi...”.
Thu Trà, sinh viên năm thứ 3 ĐH Mỹ Thuật cho biết: “Nếu là dân chơi xe đạp dòng địa hình thì nhất thiết phải sắm các phụ kiện đi kèm như: găng tay, MBH, bảo vệ đầu gối, khuỷu tay, giày, quần áo bay... đúng “chất”. Giá bán cả bộ phụ kiện này cũng dao động khoảng 3 triệu đồng, còn nếu chi khoảng 5 - 7 triệu đồng mới sắm được hàng Thái, Nhật, Mỹ...”.
Hải Phong, thành viên CLB MTB cho biết: “Hiện trào lưu chơi xe đạp ở Hà Nội phần lớn thiên về xe địa hình (Mountain bike), chia làm 3 dòng cơ bản: Hardtail (đuôi cứng), All Mountain và Freeride - DH. Ở Việt Nam chủ yếu là xe Hard tail và All Mountain vì loại thứ ba là xe đổ đèo, rất khó điều khiển mà giá lại cao, khoảng 170 triệu đồng. All Mountain là loại xe có phần khung giảm xóc trước và sau, có thể đi trên mọi loại địa hình còn Hardtail chỉ có giảm xóc trước, chỉ đi được trên những địa hình đổ nhẹ nên giá thành rẻ hơn Hardtail dòng bình dân có giá khoảng 7 - 10 triệu đồng, còn All Mountain từ 10 - 20 triệu đồng...”. “Lao tâm khổ tứ” theo đuổi cái “nghiệp chơi” ngót nghét cũng gần 2 năm, nhiều lúc Hải Phong phải “đứt gánh giữa đường” vì không đủ khả năng tài chính.
Nhưng theo Hải Phong đã bước vào “nghiệp chơi” thì phải “cày” để có tiền theo tiếp, và hơn hết là thỏa niềm đam mê. Để “nuôi” thú chơi đắt đỏ này, tháng trước, Hải Phong đã mở cửa hàng bán phụ kiện xe đạp cho những dân chơi như mình. Là người trong nghề, hiểu được người chơi xe đạp cần gì, thích gì, phụ tùng đều do Hải Phong đặt mua từ Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản... Khách hàng yêu cầu gì mình đều đáp ứng và tự tay lắp xe theo ý tưởng của khách...” - Phong tâm sự. Hiện nay, bộ sưu tập xe đạp của Phong gồm: 1 chiếc Dabomb Castle Bravo (Thụy Điển) trị giá 130 triệu đồng, 1 chiếc All mountain hơn 30 triệu đồng và 1 chiếc Freeride khoảng 8.000 USD.
Mới đây, dân chơi xe đạp xôn xao về sự kiện chiếc “siêu xe đạp” M55 Terminus khủng nhất từ trước đến nay có mặt ở Việt Nam với giá bán 35.000 USD (tương đương giá một chiếc xe Toyota Altis). Đây là mẫu xe do chính tay hoàng tử Monaco thiết kế và toàn thế giới chỉ có 250 chiếc. Khách mua xe phải đặt trước tiền và chờ trong 2 – 3 năm.
Theo dân chơi xe đạp có kinh nghiệm, giá thành một chiếc xe phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là chất liệu và công nghệ. Những chiếc xe đắt thường nhẹ hơn, nhưng chắc chắn hơn. Nó phụ thuộc một phần vào khung sườn là thép, nhôm hay carbon. Những chiếc xe có khung sườn làm bằng carbon chỉ 770g, toàn xe cũng nặng có 7kg và có giá tới 200 triệu đồng.
Cảm giác sở hữu những chiếc xe đạp hàng khủng rất tuyệt, nhưng cảm xúc khi cưỡi chúng vượt qua những địa hình khó, bay trên không trung còn tuyệt hơn nhiều.
Thu Trang, thành viên CLB Lake Bike hào hứng: “Với nhiều thành viên, khi chinh phục được thử thách họ thường gọi đó là “vượt qua nỗi sợ hãi trong... sung sướng”, hay những pha đổ đèo cả người và xe nảy bật lên cao thật sự tuyệt vời, cảm giác đó được nhóm em gọi là “cảm giác chiến thắng nguy hiểm trong sợ hãi".
“Nghề chơi cũng lắm công phu”, sau những lần hành xác, phá xe là chủ nhân của những chiếc xe đạp hàng khủng này lại tự tay tháo từng bộ phận, rửa sạch rồi thậm chí thức cả đêm để lau lau, chùi chùi cho đến khi nào cảm giác sạch và bóng như xe mới. Một vài cái được nữa đối với người chơi xe đạp là được rèn luyện thân thể, tính kiên trì và bền bỉ. Đây cũng là loại phương tiện di chuyển văn minh và linh hoạt trong phố sá đông đúc, không gây ô nhiễm môi trường, không tốn xăng...
- Theo Giao Thông Vận Tải, ảnh internet
0 nhận xét: