Wat Phnum Ta Pa - chốn non bồng nước nhược...

Cách phố núi thị trấn Tri Tôn (H. Tri Tôn, An Giang) chừng 1 cây số có một xóm nhà xưa gọi theo tiếng Khmer là “Chưn Phnum”, nghĩa là “chân núi”. Núi đây là núi Tà Pạ. Dẫn đến cổng Wat Phnum Ta Pa (chùa núi Tà Pạ) là con đường lót đá xanh với hai hàng rào xi măng chạy giữa những tàn lá cây xanh mát rượi.

Cuối con dốc khoảng 45 độ này là khu vực Wat Phnum Ta Pa rộng 1,4 ha. Đây là ngôi chùa cổ, có hàng mấy trăm năm với chánh điện, nhà ăn, nhà nghỉ. Ngôi chánh điện sau bao biến thiên xã hội đang hồi rệu rã, sắp đổ sập.

Chính vì vậy, để có chỗ “con sóc” (bổn đạo) đến cầu kinh, lễ bái, sư cả Chau Xưng (pháp danh Nuol Sovanh - hòa thượng trụ trì) đã vận động tiền bạc, bắt tay xây cất ngôi chánh điện mới trên triền núi về phía thị trấn Tri Tôn, khởi công tháng 7-2011.

< Kiến trúc cổ điển của Chùa Núi.

Dù mới hoàn thành một phần trụ cột, nhưng cũng có thể thấy đây là một công trình hoành tráng trong tương lai. Ngôi chánh điện mới rộng 34,4 mét, dài 25,4 mét sẽ “đứng” trên 89 trụ cột đỡ mâm. Mỗi trụ cột cao 17m, đường kính 1,2m. Mới chỉ có bấy nhiêu mà nhà chùa đã “đổ” vào hết 2 tỉ đồng. Dự kiến phần chánh điện sẽ “ngốn” số tiền ít hơn, khoảng 1,5 tỉ đồng, và đang chờ bà con phật tử hỷ cúng, có tiền tới đâu làm tới đó. Theo tín ngưỡng, đồng bào Khmer tin rằng tiền cúng chùa sẽ đem lại phước đức hiện tại và cả tương lai nên ngôi chánh điện dù làm “cuốn chiếu” vẫn có thể nhanh chóng hoàn thành.

Anh Kim Xi, 44 tuổi, làm công quả tại chùa với việc điều hành máy móc cắt uốn thiết bị sắt thép xây chùa, cũng như những công việc khác. Kim Xi đưa chúng tôi đi một vòng khuôn viên chùa. Ngôi nhà mát nền đá mài láng bóng, cột xi măng cốt sắt giả gỗ, hoàn thành ngày 14-11-2012. Gần đó là đền Phật Lớn hoàn thành năm 2006 trong khoảng 3 năm. Đền Phật Lớn cao 3 mét, ngang 2,4 mét. Rồi cụm tượng Phật Thích Ca với Sa Nặc cùng con ngựa bạch trước lúc rời hoàng cung xuất gia, xây dựng trước chánh điện cũ, cũng rực rỡ với sắc màu son vàng truyền thống Khmer. Còn có tượng Chằn, chim thần Garuda trên đường xuống núi. Tất cả đều được hoàn thành dưới phác thảo và chỉ đạo của sư cả Chau Xưng – một người không qua trường lớp xây dựng nào.

Với thiên bẩm kiến trúc mỹ thuật ấy, sư cả Chau Xưng còn cho xây dựng con đường vòng sau chùa về phía Tây. Con đường này rộng từ 4-7 mét với những viên đá xanh hình chữ nhật (20 x 30cm) lót xen kẽ nằm ngang, kết dính bằng xi măng.

Khách lái xe bốn bánh lên hậu viên chùa bằng con đường này dễ dàng. Sư cả Chau Xưng cho biết, con đường vòng quanh chùa này được con sóc (bổn đạo) cùng sư sãi, à cha chung tay xây dựng theo kiểu “tàm thực” (làm tới đâu hay tới đó) trong nhiều tháng dài. Sư cả Chau Xưng còn cho xây dựng cổng chùa uy nghi, đậm nét kiến trúc Khmer với hai cột đá, trên cổng là tượng thần Bốn Mặt ngự trị...

Sư cả Chau Xưng cho biết: sau khi chánh điện lạc thành, có tiền, sẽ từng bước biến khu đất núi cao khoảng 20m này thành những cụm hoa viên, cụm cây xanh rậm mát với những lối đi trải đá cuội...


< Thị trấn Tri Tôn phía sau cánh đồng xinh đẹp, nhìn từ đài Phật Lớn, Wat Phnum Ta Pa.

Sư muốn biến chùa thành điểm tham quan du lịch thu hút du khách khi đến Tri Tôn, ngoài số con sóc đến chùa trong những ngày lễ theo truyền thống, như Chol Chnam Thmay, Dolta, Ok Om Bok...

Wat Phnum Ta Pa còn có gì mà hấp dẫn khách du lịch đến vậy ngoài kiến trúc chùa theo truyền thống Khmer? Khi đứng bên lan can trước đền Phật Lớn, phóng tầm mắt xuống “thung lũng” bên dưới, bất cứ ai cũng phải trầm trồ kêu lên: “Đẹp quá!”. Ở bên dưới độ sâu khoảng 20m là cánh đồng lúa nhiều sắc màu.

< Tà Pạ - điểm đến của các nhà nhiếp ảnh.

Nơi này là thửa ruộng xanh ngắt màu ngọc thạch của đám lúa đang ngậm đòng. Lõm kia vàng chóe những gié lúa oằn cong hạt vàng no ấm. Rồi những bờ mẫu cong queo như rắn lượn, nơi thấp, chỗ cao, tạo thành một cảnh quan kỳ thú. Nhìn ngắm cánh đồng này khiến ai cũng liên tưởng đến nét đẹp của ruộng bậc thang miền rẻo cao Tây Bắc nước ta.

Cuối cánh đồng ấy là thị trấn Tri Tôn với những mái nhà chỗ thấp nơi cao, hiện lên với một sức sống mãnh liệt của một phố núi miền biên viễn Tây Nam. Phố núi càng thêm xinh đẹp, ngoạn mục khi đêm về với muôn vàn ánh đèn như sao sa...

Ruộng bậc thang ở Tà Pạ
Lên Thất Sơn ngắm Tà Pạ

- Theo Cát Lộc (Canthoonline), ảnh internet