Đặc sản xã đảo Nghi Sơn

Tạo hoá đã ban cho xã đảo Nghi Sơn (Tĩnh Gia - Thanh Hoá) một bãi biển tuyệt đẹp, những cảng cá sôi động cùng một cuộc sống dân dã vùng cát trắng.

Từ xa xưa, với vị trí đặc biệt của mình, xã đảo Nghi Sơn được ví như một cánh tay khổng lồ ôm gọn trong lòng vụng ngọc với nước biển trong xanh, sóng êm ả.
Bờ biển dài tự nhiên và đầy hoang sơ vì chưa có sự can thiệp của con người nên mỗi bãi cát, tảng đá nhấp nhô bên sườn thông chắn cát đã tạo cho Nghi Sơn như một vịnh biển huyền bí. Sự huyền bí ấy càng tăng lên khi nước biển bốc hơi mặn hoà sương khói vào những cánh rừng âm u khiến cho xã đảo mờ mờ ảo ảo.

Từ thị trấn Tĩnh Gia, đoạn đường đến xã đảo Nghi Sơn không quá xa. Vượt qua một con đường dài nhấp nhô trên núi, nhìn xuống biển Nghi Sơn mới thấy hết những sôi động của một cảng biển miền Trung. Người xã đảo Nghi Sơn bao đời nay có nghề truyền thống khai thác, đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Một cảng cá khổng lồ được thiết lập với hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ.

Đặc biệt, xã đảo Nghi Sơn còn nhộn nhịp suốt đêm ngày trên mặt biển với mô hình cá lồng. Hiện nay, toàn xã có gần 100 hộ tham gia đầu tư với trên 650 ô lồng. Nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao được áp dụng nuôi thành công như cá mú và một số loài đặc sản tiêu thụ sang thị trường nước ngoài.

Là xã đảo có phong cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, Nghi Sơn có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Trên địa bàn xã đảo Nghi Sơn hiện nay đã có một quần thể di tích lịch sử văn hoá được công nhận gồm đền thờ Quang Trung, di tích Giếng Ngọc, mộ Vua Bà và các di tích gắn liền với việc phòng thủ bờ biển khác, như: Đền thờ Quan Sát Hải, Lãnh Binh Tôn Thất Cơ…

Dọc theo bờ biển, từng nhóm những em nhỏ chụm đầu thổi lửa bên những cái hố đã được đào sẵn. Những đứa trẻ cười hiền và giới thiệu món “cá nướng cát”. Những con cá nhỏ được bọn trẻ bắt ven biển rồi đem nướng trong những hố cát, mùi rất thơm, vị tươi ngon và hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi hoà vào cuộc chơi “cá nướng cát” giữa những con sóng vỗ êm đềm vào vịnh biển.

Từ bãi biển tuyệt đẹp ấy, chúng tôi theo một con đường mòn ven cánh rừng thông trở về khu cảng cá. Buổi chiều, thuyền bè tấp nập cập bến trao đổi hàng hoá. Những người ra khơi lâu ngày, nước da bánh mật nhưng ánh mắt sáng láng toát lên vẻ hiền hậu. Họ chào nhau bằng những cái bắt tay thật chặt hoặc cho nhau những xâu cá biển làm quà.

- Theo Nam Trần - Kiều Trang (An Ninh Thủ Đô), internet