Du lịch Hậu Giang
Hậu Giang có 7 đơn vị hành chính, gồm 2 thị xã (Vị Thanh, Ngã Bảy) và 5 huyện (Châu Thành, Châu Thành A, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thuỷ).
Trước đây (1976-1991) tỉnh Hậu Giang cũ bao gồm 3 đơn vị hành chính hiện nay là thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang. Cuối năm 1991 tỉnh Hậu Giang được chia thành hai tỉnh: Cần Thơ và Sóc Trăng. Ngày 1 tháng 1 năm 2004 tỉnh Cần Thơ được chia thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang ngày nay
Từ xa xưa vùng đất này đã là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam bộ. Đất đai phì nhiêu, có thế mạnh về cây lúa và cây ăn quả các loại. Hậu Giang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn.
Đi đâu?
- Chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp: Chợ nổi ở phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Ttrước kia chợ thuộc địa bàn thị trấn Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, nên còn có tên là chợ nổi Phụng Hiệp. Chợ cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 30 km, trên ngã bảy Phụng Hiệp - nơi 7 tuyến sông gặp nhau là: Cái Côn, Búng Tàu, Mang Cá, Sóc Trăng, Lái Hiếu, Xẻo Môn, Xẻo Dong.
Chợ nổi Ngã Bảy là một trong những chợ nổi nhộn nhịp và nổi tiếng nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Ẩn sâu trong chợ nổi chính là tầng sâu văn hoá bản địa không chỉ riêng của Hậu Giang mà là hồn của cả vùng sông nước Cửu Long. Hồn sông chính là chợ nổi bởi nó lưu dấu bước chân tiền nhân, nối quá khứ với hiện tại; thói quen, tập quán, tâm linh và là sáng tạo văn hoá kinh tế thương hồ của ông cha đã hơn thế kỷ trên vùng đất mới. Ngày nay, chợ nổi Ngã Bảy còn xuất hiện trên hầu hết các Website du lịch, sách hướng dẫn du lịch trong và ngoài nước.
Muốn tham quan chợ nổi Ngã Bảy, khách có thể thuê vỏ lãi. Tại bến đò, nhiều chiếc đò nhỏ chở từ 3 - 4 khách đi chợ nổi. Đò rời bến, phong cảnh chợ nổi thật đẹp hiện ra trong sương sớm. Cảnh sinh hoạt của người dân Ngã Bảy diễn ra thật sinh động, thú vị. Hàng trăm ghe, tàu lớn nhỏ đậu san sát nhau.
Chợ nổi Ngã Bảy là chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, hàng nông sản của địa phương. Hàng hoá tập trung ở đây với số lượng lớn. Mỗi mặt hàng đã được phân loại cho đồng đều về chất lượng, kích cỡ và đóng vào thùng giấy. Nếu như dân địa phương và các vùng lân cận thường sử dụng các ghe, xuồng chở các mặt hàng nông sản đến đây tiêu thụ, thì những ghe có trọng tải lớn là của thương lái thu mua trái cây tỏa đi khắp nơi.
- Di tích Tầm Vu: thuộc xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, cách TP Cần Thơ 16km. Tượng đài chiến thắng Tầm Vu cao 8m là trung tâm quần thể kiến trúc kỷ niệm chiến thắng Tầm Vu. Hình ảnh trâu kéo pháo trên tấm phù điêu, bên cạnh đồng bào, vệ quốc quân trong trận chiến thắng Tầm Vu 19/4/1948.
Đây là trận thắng thu được giặc Pháp khẩu đại bác 105 ly đầu tiên trên chiến trường Việt Nam. Nơi đây, đang được quy hoạch thành khu du lịch di tích lịch sử, sinh thái.
- Khu sinh thái rừng tràm Vị Thuỷ: Rừng tràm Vị Thuỷ thuộc xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thuỷ, có diện tích 200 ha. Hiện nay, được đầu tư và khai thác du lịch sinh thái.
- Đền thờ Bác Hồ: Từ trung tâm thị trấn Long Mỹ theo đường liên xã qua Thuận Hưng, Xà Phiên sẽ đến xã Lương Tâm là nơi di tích đền thờ Bác Hồ. Di tích được xây dựng trên vùng đất phía Bắc nơi ngã tư của hai con kinh Long Mỹ II và Năm Căn giao nhau; cách thị trấn Long Mỹ 21 km; cách TP Cần Thơ 78 km về phía Tây Nam.
- Lung Ngọc Hoàng: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng là di sản cuối cùng của hệ sinh thái tự nhiên thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp. Nơi đây vốn là vùng đồng bằng ngập nước rộng lớn trải dài từ phía tây sông Hậu tới tận U Minh và được đánh giá là một trong những điểm quan trọng trên bản đồ đất ngập nước của Việt Nam.
Đến Hậu Giang, bạn đi qua thị trấn Cây Dương khoảng 5km là tới khu bảo tồn này, thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Vùng này trước kia rất nhiều lau sậy nhưng nay đã có đường tráng nhựa phẳng phiu, cây xanh rợp bóng và xa xa là những cánh rừng tràm với một màu xanh quyến rũ.
Tổng diện tích của khu bảo tồn là 280.535ha. Nơi đây được chú trong phát triển loại hình du lịch sinh thái để góp phần bảo vệ các loài sinh vật bản địa, đặc biệt là các loài động vật quý hiếm, tái tạo các mẫu sinh cảnh cuối cùng còn sót lại của vùng đồng bằng ngập nước phía tây sông Hậu này.
Hiện nay, khu bảo tồn thiên đã có 1.461ha rừng tràm và một số ít xà cừ, keo tai tượng, keo lai. Bên cạnh đó còn có 315 ha lung bàu với nhiều loại cá rô, cá lóc, cá bông, trê trắng, thác lác. Đặc biệt là một hệ thực vật đa dạng và một quần thể động vật vô cùng phong phú, gồm trên 200 loài, nhiều nhất là chim nước với 135 loài trong đó có các giống quý hiếm như: bạc má, nhơn sen, già đãy, vạc...Mỗi bầy có đến hàng ngàn con luôn ẩn nấp trong những cánh rừng xanh um.
Có thể nói, nơi đây là một vùng du lịch sinh thái lý tưởng, với không gian êm ả và thanh bình sẽ mang đến cho du khách những niềm vui trọn vẹn.
- Di tích Chiến thắng 75 lượt Tiểu đoàn địch năm 1973: “Chiến thắng 75 Tiểu đoàn địch năm 1973” tọa lạc ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (Hậu Giang), được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử “Địa điểm lưu niệm sự kiện”. Hàng năm, địa phương ở đây tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho đoàn viên thanh viên trong xã tham gia. Đồng thời, đây cũng là địa chỉ đỏ về nguồn.
Khu di tích “Chiến thắng 75 Tiểu đoàn địch năm 1973” nằm ngay ngã tư của hai con kinh: kinh 10 và kinh 13. Cách Long Mỹ 22 km, du khách có thể đi đến đây theo phương tiện thủy, bộ đều thuận tiện. Trong thời chiến tranh, địa bàn rất thuận lợi cho sự chỉ đạo và hợp đồng tác chiến giữa Khu ủy, Quân khu với Tỉnh ủy Cần Thơ và các tỉnh bạn trong khu vực. Nên ấp 1 được chọn làm địa điểm lưu niệm sự kiện.
Đến đây, đập vào mắt du khách đầu tiên là một tượng đài cao 8 m nằm ngay trung tâm di tích. Sau lưng tượng đài là một lá dừa nước cao 20 m, biểu tượng của vùng Long Mỹ sẽ là đỉnh cao thu hút khách từ xa. Bên cạnh tượng đài là một bức tranh hoành tráng, chạm nổi dài 20 m, cao 4 m với nhiều nhóm tượng cao to, nhỏ thể hiện 3 thứ quân và 3 mũi giáp công. Cùng nhiều sự kiện tiêu biểu khác của chiến tranh, nhân dân ghi lại và thể hiện trên phù điêu.
Vào bên trong khu di tích, có phòng trưng bày với diện tích khoảng 250m2, ghi lại bằng hình ảnh, hiện vật, họa... về các cuộc chiến tranh diễn ra trên địa bàn rộng như trận đánh tiêu diệt phân chi khu Cái Nai, yếu khu Quang Phong, diệt đồn Rọc Dứa, Cái Sơn, Cái Cao... và nhiều hiện vật thể khối có giá trị khác. Bên phải phòng trưng bày có sân khấu ngoài trời có sức chứa từ 3.000-4.000 người xem, có khả năng đáp ứng được nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Đây cũng là nơi được chọn tổ chức mít-tinh kỷ niệm truyền thống và các ngày lễ hội khác.
Ở đâu?
Một Số Khách Sạn, Nhà nghỉ Trên Địa Bàn Thành Phố Vị Thanh
Khách Sạn Bông Sen
- Địa chỉ liên hệ: 60 Trần Hưng Đạo, P.5, thành phố Vị Thanh, Hậu Giang
- Điện thoại:07113.600 123
Nhà khách Tỉnh Ủy Hậu Giang
- Địa chỉ liên hệ: Nguyễn Công Trứ, P.1, thành phố Vị Thanh, Hậu Giang
- Điện thoại: 07113.581 806
Khách sạn tại Hậu Giang:
- An Phương : 58 Nguyễn Công Trứ, TX Vị Thanh - Điện thoại: 0711 3580212
- Thanh Hương: 45 Hải Thượng Lãn Ông, TX Vị Thanh - Điện thoại: 0711 3876361
- Huỳnh Tươi: đường 3/2, TX Vị Thanh - Điện thoại: 0711 387677
- Tư Long: 995 Hùng Vương, TX Ngã Bảy
Ăn gì?
- Bưởi Năm roi Phú Hữu
Bưởi Năm Roi trà Phú Hữu được trồng nhiều ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang rất khác với bưởi Năm Roi dây được trồng nhiều ở Phong Hòa, Bình Minh, Vĩnh Long.
Trái tập trung ở thân cây (Năm Roi dây cho trái tập trung ngoài chót nhánh); trái to, núm xổm cao, da sần màu hơi vàng, cuống trái lớn (Năm Roi dây trái nhỏ hơn, núm gom nhọn, da bóng màu xanh, cuống trái nhỏ); phần lá nhỏ có hình trái tim (lá bưởi Năm Roi dây không có đặc điểm này); múi bưởi khi chín rất đầy đặn, không hạt; màu vàng mỡ gà, tép bưởi ráo rẻ, vị ngọt thoảng chua thanh, không đắng, the (bưởi Năm Roi dây khi chín cũng không hạt, không đắng, the, nhưng thịt trái màu vàng nhạt, vị ngọt dịu). Bưởi Năm Roi trà trái lớn, vỏ vàng đẹp nên giá cao; “rượu bưởi” Phú Hữu cũng rất được ưa chuộng. Hiện nay sản lượng bưởi cả xã đạt trên 84.300 tấn/năm (bình quân 210 trái/cây/năm).
- Cháo lòng Cái Tắc
Cháo lòng là món điểm tâm bình dân phổ thông của nhân dân miền Tây. Để có một tô cháo lòng khá ngon đã khó, mà tạo nên một thương hiệu lại càng khó hơn. Cháo lòng Cái Tắc (xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đã làm được việc đó từ hơn ba chục năm nay.
Có thể nói, cháo lòng Cái Tắc đã vang danh không chỉ trong tỉnh mà còn lan ra ở các tỉnh của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Không chỉ thế mà một số nhà hàng lớn ở Thành phố Cần Thơ đều có tên cháo lòng Cái Tắc trong trong mỗi thực đơn. Những ai có dịp ghé Cái Tắc ăn cháo một lần đều có chung nhận xét là ngon, không đâu bằng được, và mỗi khi có dịp đi công tác ngang đây họ nhất định vào ăn cho bằng được một tô cháo rồi mới đi.
Cháo ở đây được họ nêm nếm một cách hết sức đặc biệt nên luôn tạo được cảm giác ngon miệng cho thực khách. Những người bán cháo ở đây có hẳn một khu vực riêng của mình nằm giữa lòng chợ. Trong khu vực này có khoảng 10 quán bán cháo được xếp hàng san sát nhau. Mặc dù mỗi người có một cách nêm nếm khác nhau, nhưng mỗi quán có một vị ngon riêng, không hơn kém nhau bao nhiêu. Cho nên không cần bận tâm lựa chọn, ghé vào quán nào cũng được.
Cũng là gạo, là tim, gan, phèo, phổi, nạc heo nhưng cháo lòng Cái Tắc có hương vị đậm đà, thơm ngon. Những miếng lòng trong tô cháo xắt dày, cắn ngập răng, tươm vị ngọt thực phẩm động vật cộng hưởng vị chát, đắng, ngọt, giòn của rau đắng biển, rau má, bắp chuối xắt, giá sống... thành một “bản hòa thanh nhiều hương sắc”. “Bản hòa thanh” ấy còn điểm xuyết vị chua của chanh, vị cay của ớt như nốt nhấn cao “trào nước mắt, nước mũi” một cách thú vị.
Những hừng đông chưa rạng mặt trời, mấy quán cháo Cái Tắc đã đỏ lửa. Những chiếc xe du lịch, những chiếc xe gắn máy vượt đường trường thường ghé tạm nghỉ, bồi dưỡng cho mình một bữa sáng ấm áp bụng dạ. Chỉ nghe tiếng húp cháo đã thấy hấp dẫn lắm rồi. Khách luôn miệng nhấm nháp từng miếng cháo nóng hổi, ngon lành. Nếu muốn no hơn thì thêm chiếc bánh giò chá quẩy xé nhỏ nhấn vào tô. Người địa phương còn kêu thêm dĩa bún cho vô tô cháo, trộn đều. Bún đảm bảo sự no bụng, bổ sung cho cháo lòng trong việc phục hồi năng lượng cho những người lao động chân tay.
- Cá Thát lát Bảy món
Cá Thát lát là thương hiệu đặc sản Hậu giang . Khi chế biến nó sẽ trở thành những món ăn đặc trưng ở vùng sông nước Cửu Long này. Thật vậy, cũng là một loài cá, nhưng người Việt Nam của chúng ta với những ý tưởng sáng taọ, thêm vào đó phụ liệu, gia vị, người ta chế biến món ăn sẽ phong phú hơn...
Nếu nói đến món "Cá Chiên Sả Ớt" thì ở các nhà hàng Thị xả Vị Thanh là "nhất xứ". Cứ đánh vảy cá cho sạch, rồi khứa thật nhặt theo chiều ngang, ướp muối, bột ngọt, sả ớt bầm nhuyển, chiên với nhiều dầu... là ta đã có một món ăn giòn thơm, ăn với cơm trắng nóng hổi, thì thật là tuyệt!
Này là cái Lẩu với Me Chua, sa tê, mà kỷ thuật chế biến rất công phu. Kia là món Chả Tơ Hồng có những sợi dây quấn chặt duyên tình của ông tơ bà nguyệt. Đó là hai món Gỏi chua cay, mà khi thưởng thức vừa hít hà, vừa khen ngon... Ôi ! món Cơm Chiên Giòn, sao mà lủ trẻ lại thích thú đến thế ! Rồi Chả Ngũ Sắc, nó xinh xắn làm sao khi được đặt bên dĩa Chả Dẹp vừa thêm. vừa vàng óng ánh.. Còn món Tộ Thiên Nga luôn có mặt trong các cuộc thi nấu ăn, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xếp hạng.
Món Lẩu Chua thì dễ thực hiện, sau khi bỏ hết xương, thịt cá nghiền với muối, tiêu, đường, bột ngọt, để 20 phút, thoa dầu trong tay để vắt tròn chả cá, rồi cho vào nước me đã nêm nếm xong, (lửa trung bình( dùng với phụ liệu: bún, mì, cà chua, bạc hà, rau nhút...
Khi có một bữa tiệc nào đó, món ăn khai vị có những sợi quấn tròn, bên trong là Chả Cá, ...Đó là nạc Cá và một ít giò sống được trộn đều với gia vị, được vắt thành sợi bằng ngón tay, bao quanh là những sợi mì đã trụng với nước sôi. Sau đó hấp chín và chiên vàng, dùng với dưa kiệu, dưa sen... Đây là món CHẢ TƠ HỒNG.
GỎI CHUA CAY cũng là món nhậu khoái khẩu của các ông. Thịt cá nghiền với gia vị, đặc biệt là tiêu sọ xay nhuyển, sau đó xoa dầu ăn vào tay, cứ một muổng cà phê chả cá là tạo được hình trái ớt, hấp chín, rồi nhúng vào nước rau câu thật nóng có pha phẩm màu đỏ, sau đó gắn cuống ớt vào, nhúng chả Trái Ớt vào nước có bầm ớt hiểm thì mó sẽ có vị cay. Xếp chả vào dĩa Dưa Sen, dưa chua... rải lên một ít ngò và rau cần tàu. Cái vị chua cay của nó giống như vị cay của cuộc đời, nếu nếm được thì ... tuy cay mà ngon.
Một món ăn đặc biệt nữa là cơm nấu với nước dừa còn thật nóng, dùng cái muổng cà phê hay cái muổng ăn phở múc cơm, ép giữa hai miếng ni-long cho cơm dẹp ra, đợi nguội cho lên mặt cơm một ít chả cá có gia vị, rồi chiên thật nhiều dầu thì cơm vừa vàng, vừa thơm, rất hấp dẫn... Bởi nó là CƠM CHIÊN GIÒN.
CHẢ NGŨ SẮC xắt khoanh có 5 màu khác nhau. Thịt cá nghiền cho thật dai với gia vị, trải đều ra, kế đến hột vịt chiên thật mỏng xếp trên miếng chả, lấp xuống xắt sợi, đậu ve, thịt bầm rồi cuốn lại, cho vào xửng hấp chín. Để chảo lên bếp, cây chả được nấu với nước dừa tươi, nêm thêm muối đường, bột ngọt, tiêu, củ hành bầm nhuyển, nấu cho nước sánh lại sẽ có màu đẹp, xắt khoanh dày, dùng với dưa chua, dưa leo...
Còn CHẢ DẸP là cá có pha thêm một ít bột năng, quết với gia vị, khi chiên, chả sẽ vàng và phồng lên, ăn kèm với bánh mì, muối tiêu chanh (Chả dẹp, nên dể xắt sợi), nếu có thể, các bạn có thể tạo hình thành con Thiên Nga, gắn mắt bằng hạt tiêu đen, hấp chín, đặt lên dĩa Gỏi Đu Đủ, có một vài trứng Cút, để giống cái tổ ấm, dĩ nhiên chả cá đã có gia vị rồi !!!
Cho nên, Cá Thát Lát là một thương hiệu có giá trên thị trường, chẳng những chế được nhiều món ăn vừa ngon, vừa có tính sáng tạo, và chẳng qua cũng nhờ vào sự khéo léo bởi tài nội trợ của các bạn mà thôi...
- Đặc sản khóm Cầu Đúc Hậu Giang
Trải qua hơn một trăm năm, khóm (dứa) Cầu Đúc, loại cây trồng chủ lực của người dân xã Hỏa Tiến, thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, hiện đã trở thành một loại đặc sản và có mặt trên thị trường cả nước.
Khóm Cầu Đúc là giống khóm Qeen. Khi vùng quê này có cây cầu đúc xi măng đầu tiên, bà con phấn khởi gọi vùng đất của mình là xóm Cầu Đúc. Và cây khóm cũng nhanh chóng được đặt tên là khóm Cầu Đúc cho tới ngày nay.
- Đặc sản dân dã, đậm chất Nam Bộ
Cây điên điển là loại cây có thân xốp, nhẹ, thường dùng để làm đế giày, nút chai, mọc hoang ở ven vùng sông miệt Hậu Giang, nước ngọt. Có nhiều người chưa hề nghe và thấy cây điên điển ngay cả người gốc miền Lục Tỉnh...
Ở Hậu Giang, mỗi năm vào độ tháng 7, tháng 8 âm lịch, bắt đầu nước lên, mà người ở đây gọi là mùa nước nổi, làm cho cây điên điển ở đây trở nên xanh tươi, rợp bóng cả bờ sông, bờ rạch... tạo nên một khung cảnh sông nước đã đẹp thêm hữu tình và thơ mộng.
Người miền Nam gọi hoa là bông, và có thói quen dùng bông làm thức ăn, thể hiện cái triết lý ăn uống "thực tế - có gì ăn nấy", không câu nệ, nguyên tắc. Bông bí, bông bầu, bông mướp được dùng nấu canh với tôm rất ngon. Có người dùng để "um" với mỡ hay với hột vịt. Nhiều thì luộc để chấm với món kho, món mặn, như rau luộc, ăn rất ngọt và rất bùi.
Bông cải trắng, cải ngọt, cải xanh là món ngon và cao cấp, dùng để xào tôm, xào thịt. Nay thời buổi văn minh người ta đã chuyên trồng cải lấy bông - gọi là ngồng cải. Bông cải bẹ xanh cho vị cai, thơm dùng để chế món bột cải, bờ tạt (mustard). Người ở vườn còn dùng bông chuối - bắp chuối - để luộc nấu canh chua ngon độc đáo. Còn bông vạn thọ cũng được dùng như loại rau thơm, phụ gia cho các món gỏi tôm, gỏi cua, cũng không kém phần hấp dẫn.
Riêng bông so đũa thì thôi phải khỏi chê rồi. Bông so đũa cũng trổ vào mùa nước nổi, nước lên, nhưng ở vùng nào cũng có, dễ trồng, mau lớn. Bông so đũa dùng để luộc ăn với mắm tôm chà Gò Công thì mới biết! Còn món bông so đũa nấu canh chua thì từ lâu đã có mặt trong danh mục ẩm thực của ta rồi. Mấy ông, mấy bà già xưa thường nói bông so đũa ăn rất độc, dễ bị rét và khuyên người "yếu trong mình" không nên ăn (?)
Có một món ngon nữa từ bông, xin kể ra kẻo quên. Đó là bông súng. Bông súng là loại mọc dưới nước như bông sen, nhưng lá nhỏ, bông nhỏ hơn. Ở miệt quê miền Nam, bông súng mọc hoang dã dưới ruộng, đìa, ao, đầm vào mùa mưa. Trong các ao làng, ao chùa, ao đình, nước ngọt quanh năm người ta thường thả bông súng hoặc bông sen. Lá súng nổi trên mặt nước, bông súng vượt hẳn lên cao giống như bông sen.
Ở quê, lớn nhỏ, giàu nghèo ai cũng đã ăn qua món bông súng, nhứt là món bông súng-mắm kho. Nói là ăn bông súng chớ thật ra là cái phần dưới bông súng, nối bông với gốc cây súng. Bông súng thường ăn với mắm kho như ta ăn rau dừa, rau nhút, hay rau chốc, rau bồn bồn vậy. Có lẽ món bông súng-mắm kho là hấp dẫn nhứt vì được nhiều người ưa chuộng, nay các nhà hàng sang trọng bày bán chiêu dụ khách thích ăn món đồng quê, dân dã trong đó có bà con Việt Kiều.
Bông súng trước khi ăn phải tước vỏ như ta tước vỏ bạc hà nấu canh chua, ngắt ra từng khúc cỡ một gang tay, rửa sạch và để vào thau, vào dĩa bự. Mắm kho múc ra tô còn nóng hổi bóc khói thơm bát ngát. Vừa húp mắm vừa cắn cọng bông súng, hoặc có người bẻ cọng bông súng cho vào chén, chan mắm kho, lùa vào miệng trông ngon lành.
Bông súng nhai nghe giòn giòn, cứng mà không xốc miệng, có cái hậu ngọt, ăn nhiều không bị ê miệng hay rát lưỡi như ăn rau nhút.
Một vài nhà Hàng tại Hậu Giang:
- Hậu Giang: Số 33-35 Đường 3 tháng 2, TX Vị Thanh - Điện thoại: 0711 3 876 360
- Huy Hoàng: Trần Ngọc Huệ, TX Vị Thanh - Điện thoại: 0711 3876716
- Ngã Bảy: Trần Hưng Đạo, TX Ngã Bảy - Điện thoại: 0711 3866004
- Anh Vũ: Quốc lộ 1A, Phụng Hiệp - Điện thoại: 0711 3866284
- Theo Điểm Tin Việt
Hậu giang sông nước bình dị mà đôi khi cảm giác đó lại thú vị cho những ai sống ở thành phố
Trả lờiXóanorth vietnam motorbike tours Loop Bike Tours