Độc đáo nhà trình tường vùng cao

Hàng trăm năm qua, đồng bào các dân tộc Hoa, Tày, Nùng ở các huyện vùng cao Sơn Động, Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã biết đến kỹ thuật làm nhà trình tường từ những vật liệu thô sơ là đất sét và sỏi. Những nếp nhà độc đáo này hiện còn rất ít, có nguy cơ mai một trong cuộc sống hiện đại.

Xây nhà là một trong những việc quan trọng nhất của cuộc đời con người. Như người Việt xưa vẫn nhắc 3 việc lớn "tậu trâu, cưới vợ, xây nhà" để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây cất nhà cửa. Đồng bào Hoa, Tày, Nùng ở các huyện vùng cao tỉnh Bắc Giang cũng vậy, để xây một ngôi nhà phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ tiền bạc, vật liệu xây dựng đến việc mời thầy bói chọn đất, xem tuổi, hướng nhà, nhằm ngày tốt khởi công.

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết, ngày tốt gia chủ làm lễ động thổ (hạ móng nhà). Lễ cúng gồm có xôi, gà, thịt lợn luộc đem dâng tế thần thổ địa…cầu mong sức khỏe, tiền tài sẽ đến với những người sống trong ngôi nhà mới. Móng nhà được đào vuông vắn sâu từ 0,5 m đến1,2 m, tùy kết cấu của ngôi nhà.

Vật liệu chính để tạo nên những bức tường trình vững chắc là loại đất sét đỏ mịn, kết hợp với sỏi trắng thu lượm trên các triền đồi. Hai loại vật liệu này được nhào kỹ với nước tạo nên một hỗn hợp có độ kết dính cao, sau đó đổ vào khuôn gỗ bề rộng khoảng nửa mét, dài một mét, rồi dùng chày giã cật lực đến khi đất, đá liền khối không tơi vỡ.

Cứ thế đợi lớp này khô lại dỡ khuôn chồng lên lớp khác theo chiều cao và độ dài của tường nhà đã định. Trong lúc chờ tường khô, người ta dùng những cây gỗ tốt ngâm dưới ao hồ hàng năm trời để diệt trừ mối mọt, sau đó đục đẽo làm vì, kèo, cột… Những người làm nhà phải là người có sức khỏe dẻo dai, thời gian hoàn thành ngôi nhà kéo dài nhiều tháng có khi đến một năm.

Những ngôi nhà kiểu này có kiến trúc khá đa dạng, thường là có ba gian, gian giữa bên trên để bàn thờ tổ tiên, bên dưới là một bộ bàn truyền thống dùng để tiếp khách. Các gian còn lại chia thành các buồng theo ý muốn của gia chủ, cộng thêm một gian chái bên hông nhà để chứa nông sản. Nhà trình tường có đặc tính ấm về mùa đông, mát mẻ về mùa hè, có tuổi thọ cao nhưng dễ sập khi bị ngâm nước nhiều ngày, vì thế đồng bào nơi đây thường chọn nơi cao ráo để xây dựng.

Hàng trăm năm trôi qua, nhiều ngôi nhà trình tường ở các huyện vùng cao này vẫn vững chãi, không cần đến xi măng sắt thép mà giữ nguyên vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc.

Nhưng nhà trình tường hiện tại ngày càng ít đi do nhu cầu cuộc sống và ít nhiều có sự xuống cấp, nhiều người dân đã dỡ bỏ đi xây những căn nhà mới hiện đại hơn.

Anh Phùn Văn Thi, ở xã Biển Động, huyện Lục Ngạn vừa bán đi bộ khung nhà bằng gỗ sến với giá 200 triệu đồng,tiết lộ lý do anh không muốn ở nhà Trình nữa. “Tôi muốn cất một ngôi nhà mới sạch sẽ, khang trang hơn. Nhà Trình vừa lạc hậu lại thường xuyên bị bụi bẩn do các mảng tường lâu ngày bị bong tróc” – anh nói.

Tuy nhiên, vẫn còn có những người lưu giữ được nét đẹp truyền thống, đứng trước ngôi nhà do cha mẹ chồng để lại. Bà Trần Thị Hoa, dân tộc Tày, cho biết: “Ngôi nhà này tuy cũ nhưng ấm cúng, vẫn đảm bảo sinh hoạt gia đình nên dù sau này có điều kiện tôi cũng không muốn xây mới”.

Tiếp khách trong ngôi nhà Trình mát rượi rộng khoảng 70 m2 xung quanh trồng đầy cây mơ, cây mận. Cụ Lâm Văn Khả, 72 tuổi người dân tộc Nùng ở xã Chiên Sơn, huyện Sơn Động, vui vẻ khoe: “Nhà này bố tôi dựng từ hồi còn thanh niên, hơn trăm năm rồi mà vẫn tốt lắm, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát như mùa thu. Bộ kèo, cột làm bằng lõi gỗ lim đỏ này có người đến hỏi mua với giá hơn 300 trăm triệu đồng nhưng tôi không bán”. Cụ Khả là một trong số ít những người còn hoài niệm với những giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Vương quốc trình tường
Ngôi nhà trình tường đẹp nhất cực Bắc
Ngắm nhà trình tường trên Y Tý

- Theo Ngọc Thiện (Người Lao Động), internet