Theo dấu Sơn Nam - Kỳ 1: Đi tìm “Con trích ré”

Sinh thời, nhà văn Sơn Nam luôn được nhiều người thắc mắc những chuyện ông viết có thiệt hay hư cấu. Ông chỉ cười, nụ cười hàm chứa nhiều ẩn ý. Lần theo vết chân của ông, chúng tôi tìm thấy biết bao điều thú vị...

Từ câu chuyện trong sách…

Con trích ré là truyện ngắn trong tập Hương rừng Cà Mau, nhân vật bé Kiều mê con trích ré là loài chim đẹp nhứt rừng xanh nên ba em là cai tổng Báu bảo các tá điền cho Kiều con trích ré nuôi. Sơn Nam tả trích ré rất khôn nên chủ cưng nuôi thả trong nhà như chó, trích múa đẹp và đá hay như gà.

Rồi ngày nọ cai tổng Báu khao tiệc rình rang đón tiếp quan phó tham biện là người Lang Sa (Pháp). Con trích thấy quan phó biện cứ kêu ré chói tai, nhào tới đá mổ làm quan thầy trầy trụa, chảy máu. Cai tổng Báu sợ nên bắt chim trích cho quan tham biện bẻ gãy cổ làm rô ti ăn hả giận, bất chấp lời nài nỉ của con. Chuyện kết thúc đắng ngắt, bé Kiều hận cha giết con trích nên chui vào ao nước trong góc nhà trốn và em chết ngạt...

Con trích ré là chuyện thâm thúy vì loài chim cũng biết yêu ghét, phân biệt xua đuổi kẻ thù. Nhưng lắng đọng sự băn khoăn có nói quá không bởi nơi nào nuôi chim trích thả rông như chó mèo, chim là chim sao biết giữ nhà! Câu chuyện không đề cập đến địa danh, xóm làng, con người cụ thể, ấy vậy nhưng ông Nguyễn Nhứt Thống, Trưởng ban Tuyên giáo TX.Sa Đéc (Đồng Tháp), xác nhận ngày xưa các miệt vườn người ta nuôi chim trích giữ nhà bởi chúng rất khôn và ông cũng từng nuôi nhiều con.

Về Miệt Thứ (Kiên Giang) qua các huyện An Minh, An Biên quê hương của Sơn Nam mới rõ trong miệt này có nhiều nhà nuôi trích cồ, trích ré. Quả là loài chim dữ, thấy người lạ bước vào nhà nó kêu điếc tai, chạy xáng tới xù lông há mỏ mổ... Nhưng nuôi trích nhiều thì chỉ có một nơi.

... đến xóm trích

Anh Huỳnh Văn Sơn, ngụ H.Tịnh Biên (An Giang), là dân thương hồ kể hồi đó anh thích đọc sách Sơn Nam và tưởng chuyện cây huê xà, con trích ré, bắt sấu rừng U Minh... là chuyện phịa đọc chơi. Nhưng rồi chạy ghe theo kinh T4, qua ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình (H.Kiên Lương, Kiên Giang), Sơn ngạc nhiên thấy trên bờ kinh bóng trích lố nhố đi cùng gà vịt, chó mèo. Sơn nói: “Hiếu kỳ tôi tấp ghe vào nhưng bị bầy trích xù lông đe dọa, chủ la chúng mới bỏ đi. Tôi nể ông Sơn Nam quá, chuyện ở xứ khỉ ho cò gáy mà ổng viết rành rẽ như lòng bàn tay”.

Tới ấp Lung Lớn hỏi xóm trích, người địa phương ai cũng biết. Muốn vào xóm trích phải thuê đò chạy vào vì chưa có đường xe. Đó là một xóm nhỏ nằm chơ vơ dưới cái nắng hầm hập. Gương mặt đen bẻm, ông Cao Văn Lợi, một người nuôi trích cho biết xóm này nuôi trích đã mấy chục năm nay. Ông Lợi khoe: “Ngẫm lại trích khôn hơn chó, phải chính tay chủ bắt chúng mới được, còn kẻ khác dù lạ hay quen thò tay bắt là chúng đá, mổ lại. Trích lì lợm lắm, nó đã rượt mổ thì hù dọa, xua đuổi nó vẫn sấn vào, khi chủ la nó mới thôi, bị trích mổ trúng đau thấu trời”. Theo ông Lợi, lúc trích ấp trứng, giữ con còn dữ hơn chó đẻ, gặp người lạ hay loài thú, gia cầm nào tới gần ổ là chim mẹ, chim bố nhảy tới đá tới tấp cho tới khi kẻ thù bỏ chạy.

Ông Lợi cho biết để nuôi trích giữ nhà phải nuôi từ lúc trích mới nở, chăm sóc đã quen hơi chúng mới quyến luyến chủ không bỏ đi. Có hai loại trích là trích ré và trích cồ, người nuôi thích trích cồ hơn vì lông chúng sặc sỡ, khôn và to con hơn trích ré. Ông Lợi nói: “Trích múa đẹp lắm, chủ túc tay ra hiệu là chúng múa theo”.

Theo ông Lợi, trích cồ là loài chim đẹp nhứt rừng xanh, lại biết múa, biết đá như gà nên hiện nay rất nhiều người ở trong và ngoài tỉnh lần tới đây mua trích nuôi như chim kiểng làm thú vui mới. Ông Lợi nói: “Xóm heo hút nhưng sống được là nhờ nuôi trích, nuôi cuốc bán cho người chơi chim. Khi bán trích, tụi tôi cũng dặn trước chúng dữ lắm nên thuần dưỡng từ từ, những ngày đầu hạn chế cho con nít tới gần không chúng mổ là nguy. Trích làm quen chủ mới cũng nhanh, nuôi chừng vài hôm chủ mới kêu gì chúng cũng nghe”. Rồi ông bông đùa, dân xóm trích nghèo nuôi trích là để dành giữ nhà cho người khác.

Xóm trích đồng không mông quạnh nên ban trưa tiếng trích kêu nghe nẫu ruột. Những căn nhà lá thấp ngày ngột ngạt nóng rát da, đêm leo lét đèn dầu, đèn bình tối mò... Ông Lợi nói xóm này nhiều người nuôi trích nhưng nay họ lội rừng săn trích rừng, trích bổi bởi đã vào mùa săn chim. Một con trích rừng bán thịt vài chục đến vài trăm ngàn đồng, chim nhỏ nuôi dưỡng làm chim mồi, bán lại người chơi chim kiểng. Ông Lợi than giờ trích rừng ít dần, phải đi xa đặt bẫy mới có miếng ăn, âu cũng là nghiệp báo của nghề sát sinh muông thú.

Trích là loài chim đẹp nhứt rừng xanh nhưng chủ nó bao đời vẫn đen đúa, nhà cửa trống trước hụt sau. Trích có cánh nhưng không biết bay, chỉ chạy lủi trốn trong bụi cây. Nó như thân phận người săn chim luôn thập thò, thậm thụt đi săn trộm với cái vòng lởn vởn đói nghèo...

Nhà văn Sơn Nam để lại cho đời những tác phẩm có giá trị lịch sử văn hóa về vùng Nam bộ xưa như: Hương rừng Cà Mau, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Văn minh miệt vườn, ĐBSCL nét sinh hoạt xưa...
Tập truyện Hương rừng Cà Mau được ấn bản từ năm 1962, tới nay qua nhiều lần tái bản vẫn luôn bán chạy. Tập sách này được NXB Trẻ xem là “trấn sơn chi bảo” trong các đầu sách hay đã tái, xuất bản.

(Còn tiếp)

Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6

- Theo Thanh Dũng (báo Thanh Niên), internet