Cá thiểu - đặc sản sông Đà

Nhiều người tìm đến Thung Nai - một xã thuộc huyện Cao Phong - bởi nơi đây có phong cảnh sơn thủy hữu tình, nhưng cũng không ít người tìm đến Thung Nai hơn một lần bởi thú vui tao nhã là buông câu thư giãn.

Càng thích hơn khi câu được những con cá ánh bạc, thưởng thức vị thơm bùi và tươi ngọt của loài cá này sau khi nướng trên bếp than hồng. Thật không ngoa khi dân chúng truyền tai nhau “nếu chưa ăn cá thiểu (cá nhác) thì coi như chưa đến lòng hồ (sông Đà)”.

Nằm cách Hà Nội 100km về hướng Tây Bắc, cách trung tâm thành phố Hoà Bình gần 25km, lòng hồ sông Đà từ lâu đã được biết tới như địa điểm du lịch nổi tiếng.

< Cá thiều nướng than.

Đứng từ trên cao nhìn xuống, Thung Nai như một chảo nước khổng lồ được điểm xuyết bằng những hòn đảo nhỏ nhắn, xanh mát. Nơi đây được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn” với khung cảnh thiên nhiên kỳ thú: đền Bà Chúa Thác Bờ , hang Bờ, động Ngòi Hoa,…

Nhưng cái thú nhất khi đến đây lại là cảm giác được câu cá đêm trăng. Một buổi câu cá thường kéo dài từ xẩm tối đến mờ sáng hôm sau. Cá vừa câu lên được xiên, nướng ngay trên bếp củi đỏ lửa mà không cần sơ chế. Một thợ câu cá giỏi có thể bắt được 15 – 20kg cá mỗi đêm.

< Mồi gài vào lưỡi câu.

Cá thiểu là đặc sản nức tiếng của vùng lòng hồ sông Đà; với thân mình trắng lóa, óng ánh sắc bạc, người dẹt, trông thoáng qua thì giống như loại cá mè. Khi nướng lên, từng thớ thịt được gỡ ra và chấm với mước mắm được gia thêm chanh ớt; phóng tầm mắt ngắm nhìn lòng hồ mânh mông thì còn gì thi vị bằng. Mùi thơm phức tỏa ra từ mẻ cá nướng trên bếp than hồng, cộng với vị ngọt bùi của miếng thịt cá tươi rói có ma lực hấp dẫn du khách đôi khi còn hơn là những hòn đảo nhỏ xinh, xanh mát giữa lòng hồ sông Đà.

Người bán cá ven đường còn cho rằng, nếu du khách đến Thung Nhai vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 thì sẽ có cơ hội được nếm cá thiểu ngon nhất; bởi khi ấy, lòng hồ trữ nước cho mùa khô, nước dâng ngập cả các đỉnh núi nhỏ, thức ăn dồi dào nên cá sẽ béo và ngọt hơn.

Cá được mua từ những thuyền câu nhỏ; kẹp lại thành từng xiên và cho lên bếp than hồng mà không cần sơ chế. Người bán cứ thế, nướng qua những xiên cá để chờ khi có khách thì nướng lại, cho chín tới vừa ăn; không để khách phải chờ đợi quá lâu.

Khách du lịch cũng có thể thết đãi bạn bè hay người thân món cá thiểu ở lòng hồ khi mà họ không có cơ hội tới đây. Bởi món cá thiểu được sơ chế theo một cách riêng nhằm tích trữ. Thông thường, cá được ướp muối bằng cách xát lên mình cá; tuy nhiên, cá thiểu lại được ướp theo một cách thức riêng. Cá được thả vào những vật đựng có dung tích lớn có pha nước muối. Khoảng 10 ký cá sẽ được ướp bằng 3 ký muốn kèm với lượng nước tương đương có thể đổ ngập mớ cá. Theo người bán hàng, ngâm cá trong thùng nước muối, cho cá uống no nước muối, ruột cá tự được làm sạch; độ mặn có thể ngấm vào cá từ phía trong khi mà cá được cho lên hun khói.

Sau đó cá được kẹp lại, hun khói liên tục suốt 24 giờ, thậm chí là hơn nếu cá có kích cỡ lớn. Cá hun xong bảo quản được trong thời gian lên tới vài năm. Người mua về có thể chế biến theo cách nướng hoặc rán lại (với mục đích cho nóng bởi khi mua, cá đã chín và có thể dùng luôn). Khi ăn, thịt cá đai dai, mặn vừa đủ độ, thớ thịt trắng nõn, không hề bị mất đi vị ngọt so với cá được sơ chế và ăn luôn sau khi câu về.
Cứ thế, sản vật của sông Đà theo chân du khách mà nức tiếng gần xa!

- Theo Hạnh Thư (Thời Báo Kinh Tế Sàigòn), forum Hoa Gạo