Giếng thiêng làng Diềm
< Giếng hình bán nguyệt phía trên miệng giếng nhưng xuống dưới thì có hình vuông, có 11 bậc gạch, 4 bậc đá và 1 bậc gỗ lim ở sát mép nước giếng.
Giếng Ngọc nằm trong quần thể đền Cùng, giếng nổi tiếng bởi dòng nước mát lành, trong vắt, rất ngọt nước và đến tận bây giờ nước giếng vẫn luôn đầy và trong mát.
< Trên thành giếng luôn có bát hương, hòm công đức và cốc để mọi người thắp hương khấn lễ, góp công đức xong thì xuống múc nước giếng uống lấy may.
Giếng chỉ rộng chừng 20m², sâu 8m với dòng nước mát lành, trong vắt, rất ngọt và chẳng bao giờ cạn. Tương truyền rằng trong giếng có 3 'ông cá' đã nghìn năm tuổi. Người làng Diềm hát quan họ hay nổi tiếng nhờ uống nước giếng Ngọc.
Ngọt ngào dòng nước giếng Ngọc
Theo ông Nguyễn Ngọc Bích – Trưởng ban quản lý khu di tích đền Cùng giếng Ngọc cho biết giếng Ngọc xưa kia chỉ là một vũng nước nhỏ, bên dưới có mạch nước chảy từ trong núi Tượng (theo cách gọi dân dã của người dân trong vùng, còn theo sách “Văn Hiến Kinh Bắc” nguồn nước này được chảy từ hai ngọn núi là Kim Sơn và Kim Lĩnh).
< Kiến trúc của giếng Ngọc rất đặc biệt và có nguồn nước trong xanh bắt nguồn từ núi Kim Lĩnh.
Bờ giếng được làm bằng các mảnh gốm sứ ghép lại nhưng qua mấy trận lụt đã đã làm vỡ nên dân làng đã góp gạch, góp công xây lại. Giếng hình bán nguyệt, có 11 bậc gạch, 4 bậc đá và 1 bậc gỗ ở sát mép nước giếng.
Ông Bích cho biết thêm ở dưới lòng giếng là lớp đá ong tự nhiên ước chừng phải sâu tới 10 m. Đáy giếng có một cái hàng nhỏ sâu chừng 2 m là nơi mạch nước ngầm phun ra đều đặn, bền bỉ hàng ngày.
< Bậc xuống giếng và thành giếng phần miệng giếng được xây gạch.
Người làng Diềm có một thói quen cha truyền con nối là múc nước giếng Ngọc về để pha trà, nấu rượu dù hệ thống nước máy trong làng đã được đầu tư về tới tận từng hộ gia đình. Dòng nước nguồn chảy từ trong núi, thấm qua tầng tầng lớp lớp đá ong đã tạo nên thứ nước có vị ngọt, mát hiếm có.
Vì thế, người làng Diềm mới ví von: “Nước giếng Ngọc, trà Tân Cương/ Như chàng Kim Trọng đẹp duyên Thúy Kiều” để nói về chén nước trà “đặc sản” chẳng nơi nào có được ở làng mình. Dòng nước ấy còn nuôi dưỡng những giọng hát dân ca quan họ nổi tiếng khắp đất Kinh Bắc.
< Dòng nước trong mát, quý hiếm lại không bao giờ cạn, người dân ở đây kể: "Có một điều rất lạ là ngoài ba ông cá thần ra không một loài vật nào có thể sống trong giếng Ngọc."
Rót chén nước trà xanh thơm phức và mời khách dùng miếng dầu không, cụ Ngô Văn Sự năm nay đã tròm trèm 90 tuổi, nghệ nhân dân ca quan họ vừa được phong tặng đợt Festival Bắc Ninh vừa rồi thật thà: “nhờ nước giếng Ngọc mà tôi mới có giọng ca “vang, dền, nền, nảy”. Tôi uống nước giếng này từ năm 17 tuổi và không bao giờ uống thứ nước khác”.
Truyền thuyết cá thần
< Dù có nước giếng khoan nhưng người dân làng Diềm vẫn lấy nước giếng Ngọc về nấu ăn.
Đền Cùng là một ngôi đền có từ thời Lý thờ “nhị nhân thần nữ”, theo tương truyền đó chính là hai cô công chúa con vua Lý Thánh Tông có tên Tiên Dung và Thủy Tiên. Câu chuyện về hai cô công chúa con vua đượm màu sắc thần thoại.
< Vẻ đẹp của giếng thu hút nhiều người đến đây chụp ảnh.
Chuyện kể rằng trong một đêm trăng thanh, gió mát, hoàng hậu đang nằm ngủ chợt thấy có một ánh hào quang rọi khắp cung điện. Từ trong ánh hào quang chói lọi đó có hai con cá chép vàng hiện ra và xin được đầu thai làm người. Hoàng hậu sau đó mang song thai và hạ sinh ra hai nàng công chúa đẹp như hoa.
Lớn lên, hai nàng công chua không chỉ đẹp mà còn rất giỏi giang trong công việc triều chính. Bấy giờ ở vùng núi Kim Lĩnh của làng Diềm còn hoang sơ, có nhiều thú dữ. Hai nàng liền xin phép vua cha cho về đây để diệt trừ thú dữ, giúp dân làng tránh tai họa.
< Cụ Dai người trông nom giếng kể: "Gần giếng có một lớp học, nhiều em tan học về thường qua giếng múc nước uống" (hic, mình không khuyến khích chuyện này: nước uống cần phải nấu sôi).
Sau này, khi vua cha tận dụng một hang động lớn dưới chân dãy núi Kim Lĩnh để làm “thủ khố ngân sơn” hai nàng liền tự nguyện xin được trông nom, quản lý kho quân lương này.
< Hai bạn trẻ ở tỉnh khác đến thăm giếng cùng nhau uống nước giếng lấy may.
Rồi nhằm ngày tiết Thanh minh (3/3 âm lịch) một năm nọ, hai nàng cùng hướng về kinh thành lạy ba lạy rồi khấn “chúng con xin mãi mãi ở lại chốn này để phù giúp dân lành” rồi cùng hóa thành cá. Dân làng tri ân công ơn hai nàng liền lập đền dưới chân núi Kim Lĩnh và đặt tên là đền Cùng.
< Cối đá cổ cạnh giếng.
Giếng Ngọc có trước khi hai nàng công chúa hóa cá. Dân làng Diềm luôn tin rằng các “ông cá” trong giếng Ngọc là hiện thân của 2 nàng công chúa cùng người hầu cận kề có từ hàng nghìn năm nay. Tuy nhiên, không có bất cứ tài liệu nào xác thực việc này.
Nhưng dù thế nào, với người làng Diềm, giếng Ngọc-cá thần là niềm tự hào, là chốn linh thiêng luôn được họ trân trọng, giữ gìn. Hàng năm, người dân trong làng lấy ngày 3-3 âm lịch hàng năm tổ chức lễ tát giếng.
Ngày xưa, những trai tân, gái trinh sẽ đi chân trần đứng dọc hai bên thành giếng nhưng chỉ có con trai được múc nước giếng lên, còn con gái chỉ làm nhiệm vụ truyền xô, chuyển nước. Ngày nay, để thuận tiện, người làng chỉ làm tượng trưng nghi lễ tát giếng, sau đó dùng máy bơm hút cạn.
Hướng dẫn thêm
- Từ Hà Nội về làng Diềm khoảng 40km. Ngoài di tích đền Cùng, làng Diềm còn có rất nhiều địa danh như đình, đền vua bà thủy tổ quan họ…
- Người làng Diềm rất hiếu khách, bạn có thể được nghe những làn điệu quan họ cổ đặc sắc ngay tại đình làng, trong đền vua bà thủy tổ làng.
- Tại đường Vạn An (TP.Bắc Ninh) có một quán cháo cá ngon có tiếng đất kinh Bắc. Một bát cháo 10.000 đồng nhưng đầy ắp cả thơm phưng phức, ngoài ra nếu đến sớm, bạn sẽ được thưởng thức thêm món dạ dày và lòng cá (lưu ý quán chỉ mở cửa từ 4h chiều tới khoảng 8h tối).
- Tổng hợp từ Afamily, VTC
0 nhận xét: