Ốc đá Suối Bàng

Sau cơn mưa chiều, đám thanh niên bản Khoang Tuống(xã Suối Bàng) hò nhau ra suối bắt ốc. Tối đó, những chén rượu ấm nồng liên tục nâng lên đặt xuống bên đĩa ốc suối ngon lành. Nhưng ai đó tưởng món ốc suối đã là ngon nhất thì quả là sai lầm. Suối Bàng còn có đặc sản ốc núi đá hấp dẫn hơn nhiều…

Ốc đá ở Suối Bàng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt. Những tháng còn lại chúng vùi mình trong những lớp lá dày hoặc nằm im dưới đất. Chúng tôi cực kỳ may mắn đến Suối Bàng đúng vào mùa có ốc, đúng vào ngày mưa(chỉ những ngày mưa ốc mới xuất hiện), và gặp được người đi bắt ốc.

Trang phục đi rừng chỉnh tề, đeo con dao bên hông, khoác thêm chiếc túi, anh Mùi Văn Tuấn, bản Khoang Tuống leo lên ngọn núi um tùm cây cối sau nhà. Đường đi bắt ốc không theo lối mòn nào, anh Tuấn cứ phát cây, phát cỏ mà đi. Những lớp lá đã mục nằm ếp xuống sau mỗi bước chân người. Trên những lớp lá mục ấy, trên những tảng đá rêu xanh còn ướt sũng sau cơn mưa thi thoảng lại thấy những chú ốc màu nâu đen đang nằm hoặc bò. Anh Tuấn cho biết: ốc này thường chỉ có ở những khu rừng rậm, nhiều cây cối, ẩm thấp. Chúng thường ra nhiều sau mưa để ăn lá cây.

Chỉ cần một đợt mưa rào là tha hồ bắt, nhiều tảng đá bắt được gần 10 con. Có những lúc, mỗi buổi tôi bắt được cả chục kg ốc. Hôm nay, trời mưa dầm nhiều ngày nên ốc không ra mấy. Tuy vậy, chỉ một loáng anh Tuấn cũng bắt được hơn 1kg ốc. Những con ốc đá ở đây có hình dáng khá giống ốc núi bà Đen ở Tây Ninh, chúng không phát triển theo chiều dọc như ốc nhồi, ốc bươu vàng, nó phát triển theo chiều ngang, mình dẹp, to trung bình bằng hai đôt ngón tay, miệng loe ra có màu trắng sữa.

Về đến nhà, những con ốc được rửa sạch và đưa lên bếp luộc. Ở nhà anh Tuấn món ốc luộc chế biến hết sức đơn giản, không phải hấp hay luộc lá gừng, hay sả. Nước chấm cũng chỉ cần vài quả ớt chào mào xanh đỏ. Con ốc khều ra quệt qua tí nước chấm bỏ vào miệng thấy cay cay đầu lưỡi, ốc chạm vào răng lại thấy dòn dòn, vị ngọt mát lan dần xuống cuống họng.

Cái ngon ngọt, mát dòn của ốc đá là thế, không tanh nhưng có vị hăng, thơm của lá rừng. Ăn ốc đá nên nhai chậm và kỹ mới thấm được vị mát lành, vị thơm độc đáo. Và cũng chỉ ăn theo kiểu thưởng thức, không nên vì ngon, lạ mà háo hức "ăn lấy no" như nhiều món khác.

Bên đĩa ốc vừa đổ ra còn nghi ngút khói, anh Mùi Văn Khâm trầm trồ: những ngày mưa không đi nương được, ngồi bên đĩa ốc nóng là tuyệt vời nhất. Món này ở đây là đặc sản đấy, giá từ 25 đến 40 ngàn đồng/kg. Những ngày mưa, có ốc người ta rủ nhau đi bắt đông lắm, nhiều người bỏ cả việc để đi bắt ốc về ăn.Theo lời anh Khâm, ốc đá ngoài luộc ra còn có thể chế biến thành nhiều món khác. Thường bà con không xào ốc vì khi xào ốc ra nhiều nhớt ăn không ngon, mọi người thường nấu canh. Đun nước sôi lên, đổ ốc vào, cho thêm chút muối cho ốc dòn và khỏi tanh. Luộc chín tới rồi đổ ra khêu, thịt ốc đem nấu với lá nồm, lá chua hoặc măng chua… đều ngon. Cầu kỳ hơn, người ta có thể nạo xoài chua đem trộn với ốc và gia vị: mùi tàu, lá gừng, tía tô, chanh, ớt làm gỏi.

Hôm sau chia tay Suối Bàng, chúng tôi từ Bến Lồi (xã Suối Bàng) ngược Sông Đà  về Bến Trai (xã Quy Hướng), trên thuyền, chị Mùi Thị Liêu, bản Pưa Lai cho biết: sáng nay mẹ con tôi bắt được 4kg. Chúng tôi hỏi mua, chị cười có ít để ăn thôi, không bán. Chỉ tay lên vách núi ven sông chị Liêu giới thiệu: ngày trước trên những cánh rừng này nhiều ốc lắm, nhiều người bảo nó ăn lá cây nên có thể làm thuốc được, giờ nhiều người đi bắt nên ốc cũng ít hơn rồi…

Có lẽ ốc đá có nhiều ở Suối Bàng vì nơi đây khí hậu trong lành, lại có diện tích rừng tương đối lớn với độ che phủ lên đến 70%. Nếu biết giữ gìn, bảo vệ, một ngày không xa khi du lịch Mộc Châu phát triển, có thể khách thăm quan đến Suối Bàng thăm hang Ma, thăm làng văn hóa của người Mường và thưởng thức đặc sản ốc núi đá.

- Theo web Du lịch Mộc Châu, internet