Quảng Bình, lãng du giữa miền hư thực
"Sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời" đó là ý nghĩa của dòng sông mang tên Nhật Lệ - một dòng sông tuyệt đẹp của vùng đất miền Trung.
Bắt nguồn từ núi U Bò, Co Roi (Trường Sơn) chảy ra biển Đông tại cửa Nhật Lệ. Sông có chiều dài 85 km qua huyện Lệ Thủy. Khi mặt trời lấp ló trên cồn cát Bảo Ninh, từ bờ Nam sông Nhật Lệ nhìn về hướng đông sẽ thấy con sông lấp lánh ánh bạc, sáng rực suốt dọc chiều dài hàng trăm mét.
< Sông Nhật Lệ.
Dòng Nhật Lệ còn mang một ý nghĩa lịch sử lớn lao. Đó là chứng tích của một thời oanh liệt, nơi mẹ Suốt sớm khuya chèo đò chở bộ đội, lương thực, vũ khí qua sông tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Giờ đây, một đoạn dài dòng Nhật Lệ đã trở thành công viên với không gian mở giao hòa với trời biển, thiên nhiên. Cách bến đò Mẹ Suốt năm xưa, đã có cây cầu Nhật Lệ bắc qua, nối hai bờ yêu thương.
< Đồng Hới nhìn từ trên không.
Từ trên máy bay nhìn xuống, thành phố Đồng Hới trở nên thơ mộng hơn khi được thiên nhiên ưu ái, ban tặng cho dòng sông Nhật Lệ mềm như dải lụa uốn quanh, ôm ấp phố phường.
< Trên dòng Nhật Lệ.
< Bến thuyền trên dòng sông Son đưa khách đến động Phong Nha.
Dòng Nhật Lệ nổi tiếng với một vùng trời mây, sông, nước, làn nước trong vắt và xanh ngắt, mát rượi. Hiếm có nơi nào mà trời mây non nước hội tụ đẹp đến thế, màu xanh của đất trời hòa với màu xanh của sông nước, núi non.
< Kéo vó trên sông Nhật Lệ.
Nhắc đến Quảng Bình không thể không nhắc đến hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng có một hệ thống gồm khoảng 300 hang động lớn nhỏ.
Hệ thống động Phong Nha đã được Hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đánh giá là hang động có giá trị hàng đầu thế giới với bốn điểm nhất: có các sông ngầm dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, những bờ cát rộng và đẹp nhất, những thạch nhũ đẹp nhất.
< Cửa động Phong Nha.
Thuộc vùng núi đá vôi Kẻ Bàng, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới 60 km, động Phong Nha được coi là "Thiên Nam đệ nhất động" của Việt Nam.
Ðộng Phong Nha có rất nhiều nhánh với tổng chiều dài lên đến khoảng 20 km, nhưng hiện nay người ta mới khám phá nhánh dài nhất, là một phần của con sông ngầm có tên là Nậm Aki mà sông Son là phần lộ ra mặt đất. Nó chui ngầm dưới đất ở vùng núi Pu-Pha-Ðam cách đó hơn 20 km về phía nam.
Trước cửa động, cảnh núi non, sông nước, thiên nhiên hùng vĩ đã quyến rũ bao du khách từng ghé thăm.
Vào mùa nước lớn, nước sông Son dâng cao che khuất cửa hang, thuyền du lịch không vào được. Cửa động rộng khoảng 20 m, cao 10 m, có nhũ đá lô nhô. Bơi thuyền qua cửa hang, động rộng như một cái bát úp trên mặt nước. Nước sông trong veo và phẳng lặng như mặt gương.
Khi bước vào cửa hang, ai cũng sững sờ trước vẻ đẹp ký bí trước những mảng đá vôi phủ đầy thạch nhũ long lanh dưới ánh đèn của dòng sông ngầm. Nhũ đá từ trên rũ xuống, măng đá từ dưới nhô lên tua tủa như cây rừng với những hình dáng kỳ lạ, khiến trí tưởng tượng của con người tha hồ bay bổng.
Khác với động Phong Nha, động Thiên Đường lại là một động khô, không có sông ngầm chảy qua. So với động Phong Nha thì thạch nhũ ở động Thiên Ðường có nhiều hình thù hơn.
Động Thiên Đường dài hơn 31 km, được Hiệp hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh khám phá từ năm 2005 với sự giúp sức, dẫn đường của ông Hồ Khanh, một người dân địa phương đam mê khám phá. Các nhà thám hiểm quyết định đặt tên cho động này là Thiên Đường bởi quần thể thạch nhũ và măng đá kỳ ảo đẹp chẳng khác chốn bồng lai tiên cảnh.
Bước qua cửa động Thiên Đường thấp và bé chỉ vừa đủ cho hai người đi lại là đến một cầu thang gỗ dẫn xuống nền hang, không gian bỗng mở ra ba hang khô rộng mênh mông, được chia cắt bởi nhiều khối thạch nhũ.
Hệ thống hành lang đường dẫn trong hang động Thiên Đường được làm bằng gỗ Táu dài gần 1.000 m, chiều rộng 2,1 m đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã công nhận kỷ lục là Cây cầu gỗ dài nhất.
Ngoài ra, động Thiên Đường còn ghi kỷ lục là Động khô dài có hệ thống thạch nhũ độc đáo nhất.
- Theo phượt ký của Chí Mỹ (iHay.Thanhnien)
0 nhận xét: