Ra cù lao ăn cháo cá me
< Tô cháo cá me.
Ấy vậy mà những tay sành ăn, sành nhậu ở thành phố Đông Hà hay xa hơn tận biên giới Lao Bảo mỗi lần về cù lao cũng lùng cho được mớ cá để nấu bát cháo húp sau bữa rượu ven sông. Con cá bé, trắng tinh, dân cù lao gọi là cá me, dân miền trong gọi là cá de. Đó là con cá trích lầm loại nhỏ.
Trời vào hè là mùa của cá me. Loài cá nước mặn vượt cửa biển chạy vào sông nước lợ bởi những ánh đèn nhử trên sông. Cù lao Bắc Phước bao bọc là sông nước lợ nên muốn ăn cháo loài cá này thì về làng Dương. Làng Dương vốn có nghề đan lát và chài lưới. Ăn cháo cá mà nhớ người.
Người làng Dương chân nhỏ mà tay thì to. Ai đến đây cũng ngạc nhiên vì trăm người như một. Hỏi ra mới biết từ ông tổ của làng làm nghề sông nước, con cháu ông cứ nối cái nghiệp này từ đời này sang đời khác. Họ bơi ghe, chèo thuyền nhiều hơn đi bộ nên những cánh tay vạm vỡ đầy cơ bắp còn đôi chân thì nhỏ hơn người làng khác.
Mỗi lần về làng Dương rủ thêm thằng Phiên, thằng Việt hay Quách Long ngồi ở mép sông lai rai đôi chai hay mượn con đò nào đó cắm gần bờ, nhảy lên đó mà ngồi ngắm trăng, ngắm nước thì thật tuyệt. Bên cạnh những tiệc rượu như thế là những chiếc rớ sáng đèn.
Vào những tháng chớm rét, đánh bắt cá này khó, để có mớ cá me thì phải tìm dò bằng được ông chủ rớ dặn trước, đặt cọc tiền trước không thôi người khác giành mất.
Một ông bạn người thổ địa sẽ lo việc cháo cá để phục vụ sau bữa chè chén. Dường như cá me, chính bàn tay của người làng này nấu mới đúng điệu của nó: gạo được nấu nhừ sôi ở bếp thật lâu, chực chờ ông chủ rớ cất lên, chèo thuyền ra gom, bỏ vào rá lượm sạch rác, rửa thêm vài nước cho sạch thì đổ cá lên, chờ sôi lại, thêm gia vị là có nồi cháo ngon. Cách nấu nghe qua giản đơn nhưng chính cách cho muối, ớt, hành, nén mới tạo nên sự khác biệt. Và trong nồi cháo đó mới hay rằng dân Quảng Trị ăn cay thuộc tốp nhất nước.
Cháo cá me ăn đang còn nóng thì ngon, để nguội sẽ tanh và mất hết hương vị. Cháo ngon là ở con cá tươi. Đó phải chăng là bí quyết của nồi cháo ngon? Cù lao cách thành phố chưa đầy mười cây số theo đường chim bay. Nếu từ cầu Đông Hà theo đường thuỷ sẽ mất gần giờ đồng hồ, còn đi xe máy khoảng 30 phút. Bởi vậy, ở chợ Đông Hà cũng có bán cá me nhưng mua về nấu cháo sẽ thua xa nồi cháo ở đất cù lao.
Cuối tuần thư giãn bằng cách phóng xe máy về cù lao thưởng ngoạn sông nước, tối đến lai rai ly đế của làng và ăn cháo cá me thì còn gì bằng. Làng gần biển Cửa Việt, những dư vị của biển theo ngọn thuỷ triều cứ tràn lên như hơi rượu cay xông lên mũi. Và trong chếnh choáng hơi men trước dòng sông Thạch Hãn, những con thuyền chài lừ đừ đi bắt cá, ta như gặp những hình ảnh của 400 năm trước khi đoàn tuỳ tùng của Nguyễn Hoàng từ Cửa Việt, đi lên rồi cát cứ ở một doi đất bên sông Thạch Hãn - Ái Tử để mở cõi.
Chắc có lẽ bát cháo cá me thơm ngon, cay nồng mang hơi hướng của đất trời và con người xứ gió Lào cát trắng cũng được dâng lên chúa từ đó?
- Theo SGTT, internet
0 nhận xét: