Về miền then

Trong những tháng ngày làn điệu hát then của dân tộc Tày được xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tôi nhớ đến một vùng quê, nơi mà từ hàng trăm năm nay, làn điệu hát then đã trở thành linh hồn cuộc sống nơi bản Tày. Đó cũng là nơi có những người sinh ra và lớn lên giữa lòng bản Tày đang ngày đêm đi tìm và truyền lại làn điệu then của dân tộc mình…

Miền quê chúng tôi nhắc đến trong bài viết này chính là hai xã Vĩnh Yên và Nghĩa Đô của huyện Bảo Yên (Lào Cai). Nơi đây là địa bàn mưu sinh từ bao đời của đồng bào Tày, Mông, Dao, Kinh. Trong đó, đồng bào Tày chiếm số lượng đông nhất. Cũng chính vì thế, nét văn hóa của hai xã này mang đậm chất Tày.

Câu then ở bản Tày…

Men theo dòng sông chảy hiền hòa, qua dốc Làng Đao, xã Xuân Hòa, chúng tôi đặt chân tới địa phận xã Vĩnh Yên. Một khung cảnh bình yên không phải nơi nào cũng có. Tiếng róc rách chảy của dòng Nậm Luông quanh những bản Tày, những căn nhà sàn nằm chon von ven suối, trên những đỉnh núi cao, giữa những cánh đồng. Cuộc sống, con người và cảnh vật đều mang dáng dấp nét văn hóa Tày. Đó là miền quê sinh ra và thăng hoa những làn điệu hát then, làn điệu truyền thống của dân tộc Tày.

Chỉ cách Vĩnh Yên khoảng 4 km về phía đông bắc, xã Nghĩa Đô như một lòng chảo bát ngát một màu lúa đang thì con gái. Dòng Nậm Luông bắt nguồn từ Tân Tiến ngày đêm miệt mài chảy mang nước mát cho những cánh đồng, những bản làng Tày.

Nơi đây, những làn điệu then Tày đã tìm thấy môi trường diễn xướng từ bao đời nay. Đã nhiều năm nay, trong cuộc sống sinh hoạt của người dân bản Tày Vĩnh Yên và Nghĩa Đô, những làn điệu hát then vẫn vang lên đâu đây làm xao động lòng người. Câu hát then cất lên trong ngày hội mừng lúa mới ở mỗi bản, mỗi làng Tày. Câu hát then vang vọng trong mỗi nghi lễ kết hôn của thanh niên trong bản. Câu hát then có trong mỗi ngày hội văn hóa thôn bản. Và nó còn được cất lên trong mỗi đêm trăng bên bờ suối, mỗi buổi hẹn hò và những lúc lao động mệt nhọc, người ta hát lên cho đỡ mệt.

Mỗi làn điệu hát then nơi đây đều có một chủ đề nhất định. Có thể đó là những quan niệm sống mà đồng bào Tày gửi gắm vào mỗi ca từ. Có thể đó là lời ca nghĩa tình, ca ngợi tình yêu lứa đôi. Có thể đó là chủ đề ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, ca ngợi Bác Hồ…

Như thế, có thể thấy rằng, hát then mang trong lòng nó lời ăn tiếng nói được chiết suất từ trong cuộc mưu sinh của đồng bào Tày nơi đây. Theo năm tháng, hát then ngày càng được sáng tạo ra những làn điệu mới. Trong trang phục của đồng bào Tày, những câu từ ngọt ngào mà thấm đẫm ân tình được cất lên từ bờ môi của những cô gái, những chàng trai Tày bên bờ suối, dưới chân nhà sàn hay cạnh gốc cây để ghi dấu những sự kiện, để trao đổi những tâm tư, tình cảm và lời thề hẹn.

Thế nhưng, trong những năm gần đây, sự phát triển của xã hội đã có ảnh hưởng không nhỏ tới làn điệu vốn được coi là “báu vật” của Vĩnh Yên và Nghĩa Đô. Những yếu tố hiện đại tuy mới mẻ những nó cũng đủ sức làm “tổn hại” đến cái cũ quý giá. Bằng chứng là giới trẻ trong những bản Tày hôm nay, ít người biết đến hát then, ít người biết hát và ngại ngùng khi hát then. Hay chăng, chỉ hát vu vơ mấy câu bông đùa.

Và từ đó, không gian diễn xướng của hát then nơi đây ít hẳn, cứ dần dần mai một. Nó chỉ có trong ngày hội làng theo “đơn đặt hàng” của ban tổ chức, nó chỉ hiện hữu mỗi khi xã, bản có sự kiện gì quan trọng. Còn những làn điệu hát then thường ngày chỉ đâu đó thuộc về người già ở tận sâu trong bản Tày. Chúng tôi tự nghĩ, nếu một mai, những người già khuất núi, họ sẽ mang theo cả kho báu hát then của đồng bào Tày nơi đây về đất. Và khi ấy, nguy cơ mai một hát then sẽ không còn là chuyện có thể hay khả năng.

Đứng trước thực trạng này, không phải ai cũng nhận thấy và nỗ lực giữ lại hát then của bản Tày. Mà việc lưu giữ “kho báu” không phải là ai khác ngoài người già nơi đây, những người đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Họ ngày đêm thao thức, cố “vắt kiệt” trí nhớ để qua đôi mắt đã kèm nhèm, qua đôi tay đã run rẩy ghi lại những làn điệu hát then cổ của cha ông, của bản làng. Họ làm như vậy không phải để cho riêng mình mà họ sợ ngày mai khi họ không còn nữa, câu hát then vẫn được lưu giữ và truyền đến mai sau.

Có thể kể đến những nghệ nhân của bản Tày đang âm thầm níu giữ câu then. Đó là bà Hoàng Thọ Cứ ở bản Nặm Khạo, xã Vĩnh Yên rồi ông Ma Thanh Sợi bản Rịa, xã Nghĩa Đô. Sinh ra và lớn lên trên quê hương Vĩnh Yên giữa những cánh rừng đại ngàn và là nơi sản sinh ra câu hát then của người Tày, họ yêu thích câu hát này ngay từ khi còn bé.

Chính vì vậy, tuy tuổi đã già, mặc dù con cháu can ngăn vì sức khỏe các cụ đã yếu đi nhưng những nghệ nhân của bản hàng ngày cứ đi hết bản này đến bản kia, hết núi cao lại về nơi bờ suối để sưu tầm những câu hát then Tày, tìm tòi những bài cúng mang ý nghĩa tâm linh của người bản Tày. Sưu tầm được đến đâu, họ thường ghi chép cẩn thận vào quyển vở để lưu giữ. Mặc trời mưa hay trời nắng nóng, bàn chân của bà Cứ, ông Sợi kiên trì không biết mỏi. Những dòng chữ trong mỗi cuốn vở của ông Sợi, bà Cứ cứ ngày một dày thêm. Điều đó đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều những làn điệu hát then của đồng bào Tày được lưu giữ.

Đưa then vào trường học

Để di sản hát then được lưu giữ, bảo tồn và phát huy, trong những năm gần đây hai địa phương Nghĩa Đô và Vĩnh Yên đã có nhiều biện pháp để tạo sức lan tỏa của câu hát then đối với nhân dân và cuộc sống thường ngày. Nhiều bản ở Vĩnh Yên đã thành lập đội then vừa để biểu diễn, luyện tập, vừa để truyền dạy cho lớp trẻ những câu then của ông cha.

Đưa hát then vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường là hình thức được các nhà trường ở vùng quê then Tày: Vĩnh Yên, Nghĩa Đô áp dụng trong những năm học gần đây. Hiệu quả giáo dục và sức lan tỏa của cách làm này đã góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị của loại hình dân ca độc đáo này của địa phương…

Trong những năm học gần đây, các nhà trường đóng trên địa bàn hai xã đã cùng chung tay gìn giữ câu hát then bằng cách đưa then Tày vào môi trường học đường. Với số lượng học sinh người Tày chiếm tới 99% ở các nhà trường, do vậy, trong từng năm học, các nhà trường từ bậc tiểu học đến THPT ở Vĩnh Yên và Nghĩa Đô đã gắn việc gìn giữ hát then với phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hoạt động giáo dục truyền thống và hoạt động ngoại khóa trong mỗi tháng. Khi đưa câu then vào hoạt động giáo dục, đa số học sinh thấy gần gũi và nhanh chóng hiểu được giá trị cũng như ý nghĩa của hát then trong đời sống của đồng bào Tày từ bao đời nay.

Vào đầu mỗi năm học, các nhà trường đã chủ động mời các nghệ nhân đã sưu tầm và thuộc nhiều bài then cổ đến nói chuyện về nguồn gốc, giá trị và việc diễn xướng của hát then. Các nghệ nhân của bản Tày như Hoàng Thị Cứ, Ma Thanh Sợi được học sinh các nhà trường biết đến như những “pho cổ tích sống” để truyền lại những câu hát then của đồng bào Tày. Bên cạnh đó, học sinh tại các bản Tày ngoài giờ học còn tham gia tập hát điệu then tại các đội hát do chi hội phụ nữ, chi hội người cao tuổi tổ chức. Nòng cốt là các nghệ nhân và những người cao tuổi thuộc nhiều câu then cổ và những làn điệu then ca ngợi quê hương đất nước. Nhờ đó, các em học sinh Tày đã có những “vốn liếng” nhất định về hát then.

Để học sinh hiểu về tầm quan trọng và giá trị của hát then, các trường như tiểu học, THCS Nghĩa Đô, THCS Vĩnh Yên thường xuyên tổ chức cho học sinh thi tìm hiểu kiến thức về hát then rồi hội thi văn nghệ các làn điệu dân ca địa phương. Qua những hoạt động này, không những các em có những kiến thức về câu then mà còn có thêm niềm tự hào về bản sắc truyền thống của quê hương mình. Khi tham gia biểu diễn, nhiều em học sinh người Tày tỏ ra tự tin, chuyên nghiệp.

Theo đánh giá của lãnh đạo các nhà trường, khi mới đưa then vào nhà trường, nhiều học sinh e ngại khi tiếp xúc và tìm hiểu hát then nhưng dần dần các em thấy quen và hứng thú với những làn điệu then của quê hương mình. Mưa dầm thấm lâu, thông qua những hoạt động này, nhận thức của giáo viên và học sinh về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và hát then - đàn tính đã từng bước được nâng lên. Từ chỗ “vắng bóng” trong các hoạt động tập thể của các nhà trường, những tiết mục hát then - đàn tính đã được biểu diễn trên sân khấu vào các dịp khai giảng, ngày nhà giáo Việt Nam, các hội thi, hội diễn văn nghệ..., nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, giáo viên và học sinh trong toàn trường.

Kinh nghiệm đưa ra sau nhiều năm áp dụng hình thức đưa then vào trường học là muốn câu then được đưa vào học đường, trước hết, các nhà trường cần tác động vào nhận thức của học sinh. Bởi nhiều em học sinh người Tày sinh ra và lớn lên trên quê hương của những điệu then nhưng lại rất thờ ơ hoặc không am hiểu về then nhiều. Do vậy, tâm lý ngại ngùng khi luyện tập và tìm hiểu cũng như ngoại khóa về then là điều không thể tránh khỏi. Cần khơi dậy trong các em niềm tự hào về những giá trị trường tồn bao đời của hát then. Các hoạt động ngoại khóa về then Tày cần tiến hành đều đặn, gắn với các nội dung giáo dục cụ thể như giáo dục truyền thống địa phương, lịch sử địa phương, văn hóa dân gian…

Cần phối hợp với các nghệ nhân dân gian ở các bản Tày trong việc truyền dạy về diễn xướng then trong các hoạt động văn hóa. Bên cạnh đó, các nhà trường cần phát huy vai trò của các thầy cô giáo là người bản địa, những người ít nhiều sẽ biết được hát then. Các thầy cô sẽ là người tổ chức và truyền dạy hát then thường xuyên cho học sinh nhà trường.

- Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, ảnh internet