Các điểm tham quan ở An Giang

An Giang là tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, thuộc miền Nam Việt Nam với một phần nằm trong tứ giác Long Xuyên.

Đây là tỉnh có dân số đông nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng về diện tích chỉ đứng thứ 4 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long sau tỉnh Kiên Giang, tỉnh Cà Mau và tỉnh Long An. Tháng 7/2013, An Giang là tỉnh đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long có 2 thành phố trực thuộc tỉnh là Long Xuyên và Châu Đốc.

An Giang có nhiều thắng cảnh đẹp có thể tạm kể ra như...

1. Bia Thoại Sơn

Bia Thoại Sơn nằm dưới chân núi Sập, trong đình Thoại Sơn thuộc thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cách thành phố Long Xuyên khoảng 28km. Bia Thoại Sơn do Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) dựng năm 1822 và là một trong hai công trình di tích lịch sử và bia ký nổi tiếng ở Việt Nam dưới chế độ phong kiến còn lưu lại đến ngày nay.

Bia đá có chiều cao 3m, ngang 1,2m, bề dầy 0,2m. Mặt bia chạm 629 chữ mô tả công trình đào kênh Thoại Hà và nói lên tình cảm của Thoại Ngọc Hầu với triều đình, với nhân dân.

< Tượng Thoại Ngọc Hầu.

Vào đầu thế kỷ 19, vùng Thoại Sơn rất hoang vu, mịt mù cây rừng cỏ dại. Lạch nước tuy có sẵn nhưng nhỏ hẹp, bùn đọng, cỏ lấp, thuyền qua lại không nổi. Con sông Đông Xuyên (nay là Long Xuyên) chỉ kéo dài đến Ba Bần, mọi giao thông của tàu thuyền từ Long Xuyên và đồng bằng sông Cửu Long muốn sang Rạch Giá, Hà Tiên hay ngược lại đều phải đi đường biển vòng xuống Cà Mau.

Năm 1817 khi Thoại Ngọc Hầu về trấn thủ Vĩnh Thanh, sau khi khảo sát thực tế, nghiên cứu địa hình vùng tứ giác Long Xuyên, ông chủ trương đào kênh Đông Xuyên – Rạch Giá, đầu kênh tại Ba Bần (Ba Dầu hiện nay). Chủ trương đào kênh của ông được vua Gia Long chấp thuận và vào mùa xuân 1818, việc đào kênh được khởi công.

< Đền thờ Thoại Ngọc Hầu.

Kênh đào theo lạch nước cũ nên sau một tháng đã hoàn thành. Bề ngang kênh 61m, chiều dài tới Rạch Giá là trên 30km và là con kênh đào sớm nhất ở miền Nam. Nó có vị trí quan trọng cho giao thông vận tải đường sông và phát triển nông nghiệp của huyện Thoại Sơn. Khi công trình đào kênh hoàn tất, vua Gia Long rất khen ngợi ra lệnh lấy tên Thoại Ngọc Hầu đặt tên cho sông là Thoại Hà (Sông Thoại).

Trên bờ phía đông của Thoại Hà có một ngọn núi, tục gọi là núi Sập, vua liền cho đổi tên là Thoại Sơn (Núi Thoại) để tặng thưởng công lao khó nhọc của Thoại Ngọc Hầu. Để ghi dấu một kỷ niệm trọng đại trong cuộc đời mình, Thoại Ngọc Hầu soạn một bài văn khắc vào bia đá. Năm Minh Mạng thứ ba (1822), Thoại Ngọc Hầu long trọng làm lễ dựng bia tại miếu thờ Sơn thần (nay là ngôi đình thờ ông làm Thành Hoàng) bên triền núi Sập.

2. Cù Lao Giêng

< Nhà thờ Cù Lao Giêng.

Cù Lao Giêng thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cù Lao Giêng (hay Diên, Riêng, Den, Ven) mà người Khmer gọi “Koh-Teng” có một bề dày lịch sử rất tự hào, nơi đã ghi lại dấu son lịch sử của phong trào cách mạng từ những năm 1930 với lá cờ đỏ búa liềm trên cột dây thép xã Long Điền A.

Với cảnh quan thiên nhiên đầy sức quyến rũ của một vùng sông nước, cá lội tung tăng cùng vô vàn chủng loại cây trái đặc sản của miền phù sa nước ngọt, Cù Lao Giêng còn có những công trình văn hoá và mỹ thuật tiêu biểu như Chùa Bà Lê (Phước Hội Tự), một di tích lịch sử cách mạng thuộc xã Hội An, huyện Chợ Mới đã được Nhà nước công nhận di tích quốc gia.

< Bên trong nhà thờ.

Hiện nay, bên trong còn thờ những bài vị của các anh hùng liệt sĩ cách mạng dưới hình thức tôn giáo để che mắt giặc trong thời chiến tranh. Cù Lao Giêng còn là quê hương của người nữ anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng – một “Võ Thị Sáu” kiên cường của An Giang. Trên đất này còn có di tích nhà thờ Cù Lao Giêng (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới) được xây cất từ năm 1877, lớn nhất ở Việt Nam và có trước nhà thờ Ðức Bà ở Sài Gòn chừng vài tháng.

Tương truyền nơi đây xưa kia là một trong những nơi đóng binh của nhà Nguyễn. Ðặc biệt trong khu này có danh lam Thành Hoa Tự, một ngôi chùa với lối kiến trúc sinh động, trên tường được chạm nổi những hoa văn mang nhiều hình ảnh đặc trưng mô phỏng cảnh yên bình thoát tục được khắc hoạ bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân vùng Chợ Thủ.

< Chùa đạo Nằm.

Thành Hoa Tự còn gọi là “chùa Ðạo Nằm”, được xây dựng vào năm 1953 do sư tổ hoà thượng pháp danh Tịnh Nghiêm, quê ở làng Hoà An (Tx. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) về đây trụ trì. Ðến năm 1954 thì Ông viên tịch, hưởng thọ 51 tuổi. Hiện nay, trong Bảo Tháp cạnh chùa có đặt thi hài Ông. Là một tu sĩ phật giáo không sáng tác kinh kệ riêng, cũng không đưa ra một phương thức tu tập mới, nhưng hành trang và cuộc đời của ông hầu như đã gắn với nhiều huyền thoại khá ly kỳ từ cung cách sinh hoạt đến dáng đi, giọng nói đều biểu hiện một cốt cách phi phàm nhưng đặc biệt nhất là… nằm!

< Chùa Phước Thành.

Có lẽ ông là người chiếm kỷ lục về thời gian nằm ở nước ta. Trong suốt 9 năm khổ luyện ông đã nằm quay mặt vào vách theo tư thế của Ðức Phật Thích Ca được gọi là “cửu niên diện bích”. Có phải chăng, đây là điều kỳ lạ để cho mọi người từ các nơi đổ về hành hương chiêm bái. Vào ngày giỗ (từ 15 đến 16 tháng 2 âm lịch và các ngày rằm lớn trong năm) có lúc lên tới 10 ngàn lượt người. Cù Lao Giêng đã từng là cứ địa của Xứ Uỷ Nam Kỳ, nơi phát đi những tín hiệu và mệnh lệnh đấu tranh giành quyền sống cho nhân dân ngay từ thời thuộc Pháp.

Và cũng chính nơi đây đã sản sinh ra không ít những người con anh hùng trung dũng của quê hương An Giang. Phải chăng từ những di tích và di sản truyền thống quí báu tự ngàn xưa còn để lại cùng những cảnh quan nên thơ hữu tình ấy đã vẫy gọi khách du lịch hành hương từ mọi miền đổ về đây tham quan, thưởng ngoạn.

3. Cụm di tích núi Sam

Di tích núi Sam thuộc xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Ðốc, tỉnh An Giang. Đặc điểm: Núi Sam không chỉ là cảnh đẹp thiên nhiên, tại đây có nhiều di tích kiến trúc, văn hóa đã khắc sâu vào tâm linh người dân đồng bằng Nam Bộ.

Núi Sam cao 284m nằm ở vùng đồng bằng, có đường nhựa dài khoảng 5km cho xe chạy vòng quanh lên tận đỉnh núi. Núi Sam cùng các ngọn núi khác vùng Bảy Núi là những điểm nhấn tạo nên cảnh quan tự nhiên rất thơ mộng ở miền tây nam của Việt Nam, giáp với biên giới Cam-pu-chia.

< Chùa Tây An ở Núi Sam.

Núi thấp có nhiều đường mòn, nhiều ngả lên xuống, ít cây cổ thụ. Theo truyền thuyết, núi có nhiều linh hiển, nên có nhiều chùa thờ Phật đã dựng lên tại đây gần 2 thế kỷ.

Ðồng bào khắp nơi hành hương về đây cúng lễ rất đông. Có đến 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác ở chân núi, sườn núi và cả trên đỉnh. Trên đỉnh núi có một pháo đài được xây dựng từ thời Pháp.

Dưới chân núi có Lăng Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại), một tướng triều Nguyễn có nhiều công đức với nhân dân địa phương trong việc tổ chức đào hai con kênh quan trọng ở An Giang: kênh Vĩnh Tế dài 90km nối sông Hậu với Hương Thành (Hà Tiên) và ra vịnh Thái Lan; kênh Chỉnh An nối sông Hậu qua sông Tiền; đắp lộ lớn Châu Ðốc – Long Xuyên. Tất cả những công trình quan trọng ấy đều hoàn tất trước khi Thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ (1858). Tại đây còn có miếu bà Chúa Xứ, chùa Tây An, vườn Tao Ngộ, đồi Bạch Vân…

4. Chùa Ông Bắc

Chùa Ông Bắc nằm trên đường Phạm Hồng Thái thuộc phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Chùa Ông Bắc còn được gọi là Quảng Đông Tỉnh Hội Quán là một di tích kiến trúc chính thống của người Việt gốc Hoa với các di vật cổ có giá trị cao.

Chùa được xây dựng cách đây trên 100 năm bởi những người Hoa từ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) để làm nơi hội họp, sinh hoạt. Đến năm Giáp Ngọ 1887, ông Quảng Thành Lợi và Hòa Mậu Xương là hai người Hoa giàu có trong vùng, đứng ra vận động đồng hương và người dân tín ngưỡng đóng góp tiền của khởi công sửa chữa. Qua 4 năm xây dựng, đến năm Mậu Tuất 1891, chùa được hoàn thành và trở thành một công trình kiến trúc nghệ thuật đẹp và tiêu biểu của thành phố Long Xuyên.

Chùa có diện tích 400m², kiến trúc theo hình chữ Quốc. Mái chùa lợp ngói đại ống tráng men xanh, trên cạnh nóc chùa chạm khắc hình bát tiên, voi, rồng, phượng, cá… cùng những bức phù điêu, hoa văn cổ mang sắc thái nghệ thuật nhà Nguyễn pha lẫn kiến trúc nghệ thuật Trung Quốc.

Khung bao cửa chính ra vào chùa được xây bằng những tảng đá xanh chạm khắc tinh xảo, tường gạch trát vôi, nền lát gạch hoa. Nội thất chùa có cấu trúc phong thủy, thoáng mát, trên đỉnh cao tứ giác có nhiều bức chạm trổ đẹp, hình tam cấp tượng trưng cho ba cõi: Thiên, Địa, Nhân.

Trong chùa có 3 khánh, một tủ thờ sơn son thiếp vàng, một chuông đồng, đỉnh đồng… Bên hông chùa còn có ba bia đá ghi bằng chữ Hán kể lại lịch sử xây dựng chùa. Người được thờ tại chính điện là Bắc Đế, bên trái thờ Thiên Hậu, bên phải thờ Quan Công. Ngoài ra Phật Thích Ca, Địa Tạng Bồ Tát, Ngọc Hoàng Thượng Đế … cũng được thờ tại đây. Tất cả tập hợp thành một bản sắc văn hóa của người Hoa đã hòa nhập lâu đời vào nền văn hóa Việt Nam. Chùa đã được công nhận di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia vào tháng 6/1987.

5. Chùa Giồng Thành (Long Hương Tự)

Chùa Giồng Thành thuộc xã Long Sơn, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, cách trung tâm tỉnh khoảng 75km về hướng Châu Đốc, cách thị xã Tân Châu 3km. Chùa Giồng Thành là một trong những di tích ở An Giang được Nhà nước công nhận, xếp hạng quốc gia vào năm 1986.

Chùa được hòa thượng Trần Minh Lý xây dựng lần đầu vào năm 1875 bằng vật liệu tre lá đơn sơ, đến nay trải qua 4 lần tu sửa lớn, lần sửa chữa gần nhất là vào năm 1970 nhưng vẫn tọa lạc trên nền cũ thuộc xã Long Sơn anh hùng (Phú Tân – An Giang). Nhìn từ bên ngoài, chùa mang dáng dấp kiến trúc Ấn Độ với mái tháp có hai tầng hình phễu, trang trí nhiều họa tiết hoa văn trang nhã nhưng về đại thể, chùa Giồng Thành là khối kiến trúc hài hòa theo phong cách Á – Âu với lối xây dựng theo hình chữ “song hỷ”, gồm 3 gian, mái lợp bằng ngói móc, trên cột chánh điện có vẽ hình rồng.

Về tên gọi chùa Giồng Thành, theo một số tài liệu cho biết là xuất phát từ chỗ chùa được xây trên nền đất của hào thành triều Nguyễn. Chùa Giồng Thành được nhiều người biết đến như địa chỉ đỏ của phong trào yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Tại đây vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ 20, tổ chức Kèo Vàng, Kèo Xanh của Phan Xích Long đã nhóm họp để thu hút người yêu nước chống thực dân Pháp, mở đầu cho hàng loạt hoạt động yêu nước sau này mà đỉnh cao là việc nuôi dưỡng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – trong những ngày đi truyền bá chủ nghĩa yêu nước chân chính cho đồng bào (1928 – 1929).

Trong những năm tháng chống Mỹ hào hùng, chùa Giồng Thành tiếp tục là cơ sở của Tỉnh ủy Châu Đốc, Huyện ủy Tân Châu và là điểm giao liên của Khu 8, Trung ương cục miền Nam. Đặc biệt nơi đây từng là chỗ trú ngụ an toàn cho nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trong những năm tháng kháng chiến như: Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt….

Trước kia, hàng năm vào các ngày rằm tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười (âm lịch), khách thập phương đến viếng và lễ chùa rất đông. Từ sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước đến nay, ngày 19/5 hàng năm được xem như ngày hội của nhà chùa với nhiều hoạt động mang tính chất văn hóa truyền thống đặc sắc để kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

6. Đồi Bạch Vân

Bạch Vân là một ngọn đồi thuộc núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang Đặc điểm: Đồi cao gần 100m, có hình dáng như cái đầu của con Sam hướng về phía bắc. Trước kia đồi có tên là núi Nhỏ nhưng vào khoảng năm 1942, có một cư sĩ lên đồi cất am tu thân, đặt tên là Bạch Vân Am nên từ đó đồi có tên là Bạch Vân.

Từ chân núi Sam lên đồi Bạch Vân có hai đường chính. Một là đi theo ghềnh đá sau lăng Thoại Ngọc Hầu, đến lưng chừng núi thì rẽ qua cầu Hoà Bình đến Bạch Vân, hoặc đi vòng dưới chân núi theo hướng tây đến khu nghĩa địa sẽ có bậc thang đi lên đồi Bạch Vân khá dễ dàng.

Đến Bạch Vân du khách sẽ thấy nhiều tảng đá lớn, cheo leo, chồng lên nhau tạo thành mái che, hang động thiên nhiên đẹp mắt, thú vị. Trên đồi còn có nhiều chùa chiền, am cốc. Với độ cao vừa phải và nhiều địa điểm bằng phẳng tựa vào các khe đá lồng lộng gió nên hằng năm, vào mùa xuân, dân ở các vùng lân cận thường lên đây hóng gió, tổ chức ăn uống, vui chơi.

7. Hồ Nguyễn Du

Hồ Nguyễn Du tọa lạc tại phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên, An Giang. Đây được xem là một khu hồ, công viên đẹp nhất ở miền Tây với khung cảnh nên thơ, lãng mạn; với làn nước trong, yên ả và những rặng cây soi bóng xuống mặt hồ.

Hồ Nguyễn Du được hình thành từ một nhánh của con sông Hậu. Qua thời gian, khi phù sa bồi đắp, nhánh này tách rời khỏi sông và tạo thành hồ. Hồ Nguyễn Du có diện tích mặt nước khoảng 1.750 m2. Tại đây có một bến đò nhỏ qua Cồn Phó Ba một địa điểm có thể khai thác du lịch vườn trong tương lai.

Hồ nằm giữa hai con đường Nguyễn Du và Lê Lợi - con đường với hai hàng cây xanh rợp bóng, con đường mát nhất của thành phố Long Xuyên. Xung quanh hồ Nguyễn Du được thiết kế như một công viên với một cụm thể thao nhỏ bên cạnh đó còn có những trò chơi trẻ em đã làm cho khu vực trở nên trẻ trung, tươi tắn.

8. Núi Ba Thê

Đây là một ngọn núi nằm giữa vùng tứ giác Long Xuyên, thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Núi Ba Thê có tên gốc là Hoa Thê Sơn. Vào triều Minh Mạng, do kỵ húy tên Hoàng hậu là Hồ Thị Hoa nên Hoa Thê Sơn đổi tên thành núi Ba Thê.

Đến núi Ba Thê, du khách sẽ được thưởng ngoạn một thắng cảnh tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban cho. Đứng trên đỉnh núi phóng tầm nhìn bao quát cả khu vực sẽ thấy quanh núi là những cánh đồng trải rộng, xa xa về hướng tây là vùng biển Rạch Giá, chênh chếch hướng tây nam là dãy Thất Sơn hùng vĩ án ngữ phía chân trời. Có một con đường nhỏ lát bê tông ngoằn ngoèo, uốn lượn, chạy quanh co lên đỉnh núi, chỉ dài chừng 2km. Hai bên đường là rừng cây thâm u, vách đá và vực sâu thăm thẳm.

Trên đỉnh núi có ngôi chùa cổ tên Sơn Tiên Tự được dựng vào năm 1933. Trước sân chùa có tượng Phật Quan Thế Âm bồ tát cao chừng 8m, đứng trên tòa sen, khoác áo choàng đỏ, uy nghi, tự tại, sừng sững trên đỉnh núi như nhìn bao quát khắp thế gian. Ở trên đỉnh núi mây bay là đà mang hơi sương mát lạnh, cỏ cây xanh tốt ngút ngàn. Có nhiều tiếng chim hót líu lo, ríu rít khắp nơi. Thỉnh thoảng tiếng chuông chùa ngân vọng thênh thang, bàng bạc khắp núi rừng làm bâng khuâng, xao xuyến lòng người.

Cạnh ngôi tháp xá lợi cổ bên chùa có bia kỷ niệm ghi lại chiến công oanh liệt của quân giải phóng Ba Thê – Thoại Sơn, đã tiêu diệt gọn cứ điểm của địch trên đỉnh Ba Thê vào ngày 6/5/1968. Có một di tích rất lạ lùng gợi trí tò mò của du khách. Đó là hòn đá hoa cương cao chừng 3m, to cỡ gốc cổ thụ bốn năm người ôm, nằm bên hông chánh điện của Sơn Tiên Tự. Trên mặt viên đá khổng lồ ấy có dấu bàn chân người to hơn bình thường. Người ta cho đó là “bàn chân tiên”.

Các sư trên núi kể lại: xưa kia lúc mới tạo sơn, đá núi còn mềm như đất sét, có một vị tiên đã ấn bàn chân mình lên đá để làm dấu… Đi xuống phía triền núi cách chùa Sơn Tiên chừng 100m, du khách sẽ thấy nhà trưng bày những cổ vật, hiện vật có liên quan đến lịch sử cũng như văn hóa của Ba Thê – Óc Eo (đô thị của Vương quốc Phù Nam). Điều đặc biệt là công trình này có phong cách kiến trúc rất giống những đền đài của các nước vùng Nam Á, mang dấu ấn của Hindu giáo qua kiến trúc mái vòm.

Các mặt vách chung quanh công trình đều có tượng thần Ganesa mình người, đầu voi, ngồi với tư thế nghiêm trang, nửa như trầm mặc thiền định, nửa như răn đe canh giữ. Khu nhà trưng bày có hình vuông, tam cấp cửa chính ở phía mặt trời mọc, là nơi ngự trị của các thần linh theo quan niệm Ấn Độ giáo. Lan can bao bọc sân có trang trí các tượng nhỏ.

Phía bắc núi Ba Thê còn có một tảng đá có dáng hình như một cây đao vĩ đại dài 320cm, ngang 71cm, nặng cỡ 2,5 tấn. Dân gian gọi đó là Thạch Đại Đao, là bửu bối của trời đất, dành để trừng trị bọn gian ác.

Đứng trên đỉnh Ba Thê nhìn xuống đồng bằng xa xa mờ ảo trong khói lam chiều, bạn sẽ thấy tâm hồn như lắng lại, lòng lâng lâng cảm giác thoát tục, giữa bốn bề sơn thủy hữu tình.

9. Núi Cấm

Núi Cấm nằm trong cụm Thất Sơn ở miền Tây Nam Bộ, thuộc địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đặc điểm: Tượng Phật Di Lặc lớn nhất Việt Nam; chùa Vạn Linh với ngôi tháp bề thế, linh thiêng. Núi Cấm mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí. Trên núi có chùa Phật Lớn, miếu Sơn Thần, chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc lớn nhất Việt Nam,… là điểm du lịch rất hấp dẫn. Đặc sản vùng này có nhiều nhưng nổi bật hơn cả là đường Thốt Nốt và xoài Thanh Ca.

Theo sách của các nhà phong thuỷ, cụm Thất Sơn chạy dọc theo sườn Tây An Giang, giữa miền đồng bằng màu mỡ, chính là nơi khí âm dương hội tụ mà núi Cấm là một Long huyệt. Núi Cấm có rất nhiều loại hoa quả, chim muông cộng với rừng cây, thác nước, hang động thật kỳ thú và hấp dẫn. Ngay tại chân núi có một ngôi miếu thờ Sơn Thần mà ai qua đó cũng dừng lại thắp nhang. Hai bên đường lên núi là rừng cây rậm rạp.

Vượt qua đoạn đường lên núi vất vả, đổi lại du khách được thấy một khung cảnh đẹp như tranh: dòng thác đổ từ trên cao xuống các tảng đá xếp chồng lên nhau làm bọt nước bắn tung tóe, tiếng thác đổ vang vọng trong gió núi, lúc xa lúc gần; những khối thạch nhũ lâu năm ở động Thuỷ Liêm tạo thành những hình thù làm cho người xem tha hồ tưởng tượng, những đám mây bay ngang che khuất ánh mặt trời tạo cảm giác những hình thù vừa thấy như biến mất…

Tiếp tục cuộc hành trình du khách tới chùa Phật Lớn. Ngôi chùa nằm trong không gian tĩnh mịch, chìm đắm bên những gốc bồ đề cổ thụ nhuốm màu thời gian hơn một thế kỷ.

Gần đó là bức tượng Phật Di Lặc, trắng toát cao gần 34 mét, tư thế ngồi đang mỉm cười nhìn du khách. Cách đó khoảng 100 mét là chùa Vạn Linh với ngôi bảo tháp bề thế. Du khách có dịp trèo lên đỉnh tháp chùa Vạn Linh đắm mình với phong cảnh Núi Cấm.

Không có cái dáng dấp hùng vĩ và trùng điệp như những dãy núi ở Trường Sơn – Tây Nguyên, nhưng ngoài vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí, Núi Cấm ở An Giang còn là một báu vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất phía tây nam của Việt Nam.

Theo Vietnamtourism - Hivietnam