Hoang vắng ở biển Chăm
Chúng tôi gửi xe ở quán nước cuối làng biển Khánh Nhơn (Nhơn Hải, Ninh Thuận) rồi theo lối mòn đi qua những rẫy ớt, tỏi, hành... là thổ sản có tiếng của vùng, những ngôi nhà hoang, giếng xây bằng gạch táplô cũ kỹ của người bản địa để lần lối lên đồi. Dưới chân là cát mịn, trên đầu là bóng thuỳ dương loà xoà. Đôi chỗ, có những giao thông hào là dấu tích của khu quân sự đã được dời đi.
Lên xuống đồi Chăm
Chinh phục con đường qua ngọn đồi chỉ dài chừng 2km đủ để vã mồ hôi dưới trưa gắt gỏng của xứ nắng. Lê Hưng Tiến, người đồng hành, một giảng viên âm nhạc của trường CĐSP Ninh Thuận nói, là dân địa phương, nhưng đây là lần đầu nghe đến và thật thú vị khi bị lôi kéo vào chuyến đi kỳ lạ này.
Băng qua khu đồi thuỳ dương, mở ra trước mắt chúng tôi là một ghềnh đá có kiến tạo kỳ lạ, cổ quái. Dường như trong cuộc biển lấn miệt mài ngàn năm, sự bào mòn không đều của sóng đã làm cho những thảm đá trên ghềnh có bề mặt sần sùi, nhám nhúa, đôi chỗ trơ ra những cạnh sắc như thách thức trùng khơi ầm ào. Những vỏ ốc, sò, san hô bị sóng dạt lên hãy còn vương vãi. Và mép nước, vẫn còn những bãi đá cuội, những cồn nhỏ trơ trọi trước sóng nước.
Bước lên phía đỉnh đồi, chúng tôi bắt gặp một ngôi đền thờ toạ lạc. Đền được xây từ 2003 theo lối kiến trúc Hồi giáo, không người canh giữ, nhưng bên trong đền có nhiều vật dụng là chén, dĩa, mâm cúng, áo lễ của người Chăm được xếp gọn gàng để phục vụ cúng tế. Đặc biệt, chung quanh ngôi đền, dưới những gốc cây là các khối đá lớn chạm những văn bản tiếng Chăm cổ. Về sau, khi hỏi một nhà nghiên cứu ngôn ngữ Chăm, thì chữ Chăm cổ ngày nay không mấy người còn đọc được. Những khối đá được xếp dọc trong lùm cây, dưới những gốc cây và quấn xiêm áo như dáng hoá thạch của những ẩn sĩ toạ thiền, mặt hướng ra phía biển. Giữa chốn hoang vu, những phiến đá được quấn xiêm y đỏ, trắng trầm mặc trước những lư nhang tàn lạnh gợi cảm giác rờn rợn.
Dã ngoại ở vùng biển hoang sơ
Một đồng nghiệp người Chăm cho chúng tôi hay, hàng năm, vào dịp lễ tết Ramưwan (một “tiếp biến” của tháng chay Ramadan trong đạo Hồi, nhưng đã gạt bỏ bớt tinh thần khổ hạnh và chay tịnh), người Chăm theo đạo Bàni (Hồi giáo được bản địa hoá) vẫn đến đây cúng viếng, hành lễ tưởng nhớ tổ tiên.
Bỉnh Nghĩa, Mỹ Tường cũng là nơi vẫn còn giữ lễ cầu đảo sau tết Ramưwan. Nghi lễ cầu đảo, còn gọi là Yôn Yang, cầu xin thần Gió, thần Mây, thần Biển, thần Mưa... cho mưa thuận gió hoà, trời yên biển lặng để công việc nông, ngư thuận lợi, đời sống sung túc.
Đứng ở góc độ văn hoá học, nghi lễ cầu đảo của người Chăm ở những vùng cửa biển tại Ninh Thuận có giá trị đặc biệt, cho thấy dấu ấn của đời sống sinh hoạt biển dã vẫn còn lưu giữ trong tâm thức Chăm mặc dù trên thực tế, qua những biến cố lịch sử dân tộc, lớp hậu duệ đã không còn sinh sống bằng nghề biển như cha ông họ nữa.
Sóng biển hàng ngàn năm đã ăn lẹm vào ghềnh đá của ngọn đồi, tạo ra một vùng rất sâu, có màu xanh thẫm. Đây là nơi kỳ thú cho những chuyến dã ngoại, câu cá với những ai thích khung cảnh hoang sơ và bí ẩn; cũng là nơi lý tưởng cho những chuyến du khảo văn hoá với những ai theo đuổi cuộc tìm kiếm dấu tích biển trong văn hoá Chăm.
Nhưng với chúng tôi, những kẻ “cưỡi ngựa xem hoa” để săn tìm phong cảnh và có bề nuông chiều tâm hồn ăn uống, thì cũng được dự phần: chỉ cần xuống khỏi ngọn đồi, cất vào camera những góc nhìn hoài cổ, thì những quán biển với tôm cá tươi sống vừa từ ghe lên, đặc biệt là món dông cát nướng muối ớt ăn với lá dong... có sức cám dỗ đủ quên mất đường về.
- Làng biển Khánh Nhơn cách trung tâm TP Phan Rang về phía Đông, chừng 15km (trên đường đi vịnh Vĩnh Hi)
- Đặc sản: Ớt, tỏi, hành, táo, dông cát, hải sản tươi sống.
- Một số món ngon địa phương: bánh căn, bánh xèo tôm mực...
Xem thêm >
Theo Nguyễn Vinh (báo Sàigòn Tiếp Thị)
Du lịch GO!
0 nhận xét: