Khám phá 'cối xay gió' trên biển Bạc Liêu

Bạn đã từng thấy những 'cối xay gió' trên bờ, dưới biển rồi chăng? Nếu bạn đã từng ra Bình Thuận, bạn sẽ thấy các trụ turbine tháp điện gió cao 85m sừng sửng trên đồi với cánh quạt dài 37m chầm chậm quay tạo ra nguồn năng lượng và được hòa vào lưới điện quốc gia trông thật hùng vĩ. Một dự án khác tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình cũng trong giai đoạn thi công và ngày chính thức phát điện cũng không còn xa.

Đảo Phú Qúy thiếu điện, đó là điều ai cũng biết. Vậy nhưng ngày nay ra đảo, bạn sẽ thấy 3 turbine lớn có công suất 6 MW đang được thi công lắp đặt chuẩn bị phát điện, đem lai nguồn năng lượng sạch cho đảo. Nhà máy điện gió Phú Quý đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết tình hình thiếu điện sinh hoạt, sản xuất cho 27.000 người dân trên đảo...

Đấy là những 'cối xay gió' được đặt trên đất: đất liền và đất đảo. Vậy trên biển thì sao?


Về ấp Biển Đông A – xã Vĩnh Trạch Đông - TP Bạc Liêu, bạn sẽ thấy kề cận những bãi bồi ven biển, khuất sau những rặng đước, rặng bần là 10 trụ cao vút với các cánh quạt khổng lồ. Một số trụ nằm sát mép biển, số còn lại thẳng tắp trên mặt biển như những cây cột chống trời.

Tỉnh Bạc Liêu có 56 km bờ biển và là tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió. Nhà máy điện gió Bạc Liêu là công trình trọng điểm, khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, góp phần giúp Bạc Liêu thoát khỏi tỉnh nghèo, lạc hậu trong khu vực ĐBSCL. Đặc biệt là tăng nguồn thu ngân sách, phát huy hết lợi thế tiềm năng vùng ven biển vốn hoang hóa, sản xuất kém hiệu quả.

< Chuẩn bị lắp cánh vào rotor.

Dự án Điện gió Bạc Liêu sử dụng loại rotor 3 cánh quạt (tổ hợp của hub và 3 cánh quạt - do Tập đoàn GE Mỹ chế tạo) phù hợp với chế độ gió cấp III tại vùng biển Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Các turbine có công suất 1.6MW mỗi trụ. Mỗi turbine nặng hơn 210 tấn, được lắp dựng bằng giàn cẩu có sức nâng 600 tấn.

Về cấu tạo: ngoài cánh quạt, máy phát, turbine còn có bộ đo lường tốc độ gió và truyền dữ liệu tốc độ gió tới bộ điểu khiển, hộp số, bộ ổn định tốc độ, bộ xử lý hướng gió nhằm định hướng cho turbine.

< Xem để biết độ lớn của cánh.

Các turbine gió được làm bằng thép đặc biệt, không rỉ, chịu được ăn mòn trong điều kiện khí hậu đại dương. Trụ lắp turbine cao 90m, đường kính 4m với ba cánh quạt, mỗi cánh dài tới 42m được làm bằng loại nhựa đặc biệt.

Các cánh quạt này có hệ thống điều khiển, có thể tự xoay lại để vô hiệu hóa khi thời tiết xấu hoặc bão lớn nhằm bảo đảm an toàn. Trên các trụ còn có đèn, vạch sơn cảnh báo tĩnh không; dưới hải đồ biển có ký hiệu khu vực dẫn cáp để tránh va chạm và bảo đảm an toàn cho khu vực sản xuất điện.

< Hoàn thành lắp đặt cánh vào một trong những trụ.

Toàn bộ Nhà máy đặt trên mặt biển chiểm tổng diện tích gần 500 ha trông như “một cánh đồng turbine trên biển”. Các công trình phụ như khu đấu nối điện như đường dây 110kV, đường dây 22kV, trạm biến áp 22/110kV, trạm điều hành nhà máy tựa điểm xuyến thêm cho một công trình hoàn mỹ. Công nghệ tiến tiến nhất được áp dụng tại đây, các cối xay gió này cũng là nhà máy điện xây dựng trên biển đầu tiên hiện nay ở nước ta.


< Sừng sửng trên biển.

Giai đoạn 1 gồm 10 trụ turbine này với công suất tổng cộng 16MW, sản lượng điện sản xuất dự tính khoảng 56 triệu kWh/năm - gần bằng sản lượng của 30 turbine của Nhà máy điện gió tỉnh Ninh Thuận (đặt trên cạn). Trong giai đoạn 2 sẽ xây lắp tiếp 52 turbine còn lại, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014. Khi đó, Nhà máy điện gió Bạc Liêu sẽ có tổng số 62 turbine với tổng công suất trên 99MW, sản xuất lượng điện khoảng 320 triệu kWh/năm.

Đến nay, sau hơn 3 tháng hòa lưới điện quốc gia, 10 turbine gió phát điện đầu tiên của Nhà máy Điện gió Bạc Liêu đã đưa lên lưới 3 triệu kWh, các trụ turbine vận hành rất ổn định, tô điểm làm đẹp thêm cho vùng biển hoang hóa.

< Tham quan 'Cối xay gió'.

Trong tương lai, tỉnh Bạc Liêu sẽ kết hợp quy hoạch đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản ở ngay vùng phát triển điện gió để tận dụng diện tích mặt nước ven biển. Nhà máy điện gió không xả khí thải ra môi trường, có thể cùng phát triển hài hòa với ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nên đảm bảo phát triển bền vững.

Dọc biển Đông hàng cây số, kéo dài từ phường Nhà Mát qua Vĩnh Trạch Đông đến ranh giới tỉnh Sóc Trăng là những tua bin gió với cánh quạt khổng lồ xếp hàng thẳng tắp quay vù vù. Ngoài khơi xa chiều về tàu ghe oằn nặng cá tôm chạy về bến, rồi những cánh đồng lúa trải vàng bên mái chùa cổ kính, những vườn nhãn trĩu quả cùng đầm, vuông tôm chạy dài ngút mắt…

Công trình điện gió đã là một sản phẩm du lịch đáng giá cho đất biển Bạc Liêu và kéo theo nhiều dịch vụ mới cho khu đô thị mới.

Đến Bạc Liêu, ngoài những nơi nổi tiếng như vườn chim Bạc Liêu, tháp cổ Vĩnh Hưng, Di tích Đồng Nọc Nạng, nhà Công tử Bạc Liêu, Phước Đức cổ miếu...v.v, bạn cũng nên bỏ thêm ít thời gian để viếng thăm các 'cối xay gió' độc đáo trên biển đầu tiên có tại Việt Nam.

, ảnh internet.