Ký sự miền Tây
< Nhâm nhi cà phê bệt cạnh nhà thờ Đức Bà và so sánh với cà phê vỉa hè Hà Nội.
Miền Tây không chỉ có màu vàng của nắng và màu xanh của miệt vườn, đó là nơi những dòng sông nặng phù sa đang vươn mình ra biển lớn.
Chuyến bay lúc nửa đêm đưa chúng tôi từ Hà Nội đến với TP.HCM, thành phố “không ngủ” của phương Nam. Tuy là lần đầu tới đây nhưng quãng thời gian ngắn ngủi chẳng cho phép chúng tôi thảnh thơi khám phá phố phường, chỉ đủ để dạo quanh vài nơi xem cho biết.
< Bưu điện trung tâm TP.HCM tấp nập người tham quan.
Cảm nhận về thành phố này dang dở như chính thời tiết đỏng đảnh của nó, chợt nắng chợt mưa. Nhất là khi chúng tôi có cả một hành trình dài đang chờ ở phía trước.
Dù đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ lịch trình, phương tiện và cả tiền bạc, nhưng cảm giác sắp bước vào một chuyến đi mới khiến tôi không khỏi hồi hộp.
< Ra khỏi TP.HCM là những con đường xanh ngắt, trải dài lồng lộng gió.
Chiếc xe máy mượn từ một người bạn phương Nam nhanh chóng được bảo dưỡng lại. Hai kẻ lữ hành, một chiếc xe, thế là sẵn sàng lên đường:
"Miền Tây ơi! Vựa lúa miền Nam hai mùa mưa nắng
Miền Tây ơi! Sông nước Cửu Long chín nhánh phù sa"...
Quốc lộ 1 từ TP.HCM xuyên qua phố phường tấp nập, rồi lại len lỏi qua những thị trấn sầm uất, trước khi trải dài như vô tận bên những cánh đồng lúa mênh mông.
< Thành phố Mỹ Tho nằm bên bờ sông Tiền rộng lớn.
Với những kẻ lạ xứ Bắc, lòng háo hức đi và khám phá khiến bất cứ điều gì cũng thật mới mẻ, từ những ngôi nhà dọc đường cho đến những chiếc xe, những quán cóc. Đất Long An lùi dần theo những câu chuyện phiếm trên đường đi.
Những quán cà phê võng lác đác hai bên đường, dưới những tán cây, mái lá mát rượi là chỗ nghỉ chân lý tưởng. Chưa vội nói đến ly cà phê đá hay trái dừa mát lạnh, chỉ cần nghĩ đến cảm giác nằm ngả lưng, đung đưa trên chiếc võng là đã thấy thật thoải mái.
< Khung cảnh quen thuộc của miền sông nước với ngôi nhà lấn ra sông và những chuyến đò ngang.
Đồng bằng sông Cửu Long, còn được gọi là miền Tây Nam bộ hoặc miền Tây, là vùng đất nằm ở cực nam của tổ quốc, gồm 12 tỉnh và 1 thành phố thuộc Trung ương. Không chỉ nổi tiếng bởi kênh rạch và những cánh đồng “vựa lúa” của cả nước, miền Tây còn đặc biệt hấp dẫn bởi nét văn hóa độc đáo và con người hồn hậu, chất phác.
Thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) chào đón chúng tôi khi mặt trời cũng vừa lên tới đỉnh. Chạy xe vòng quanh thành phố, ấn tượng của tôi về thủ phủ của đất Tiền Giang càng đẹp hơn bởi hương vị của một tô hủ tiếu Mỹ Tho đúng điệu, vốn nức tiếng thơm ngon.
< Các nhà sư đang làm lễ trước giờ thọ trai trong chùa Vĩnh Tràng, ngôi chùa cổ độc đáo bậc nhất ở Tiền Giang và cả Nam bộ.
Trời vừa sập tối, điểm đến chính của ngày hôm nay là Cần Thơ cũng đã ở ngay trước mặt. Cần Thơ không chỉ nhộn nhịp ban ngày mà vẫn giữ nguyên vẻ tấp nập khi đêm về. Cửa hàng cửa hiệu trên mọi con đường vẫn đông đúc, ánh sáng của những con thuyền lớn khiến sông Cần Thơ lung linh như một khu phố nổi.
< Tượng đài Bác Hồ ở bến Ninh Kiều.
Bến Ninh Kiều ồn ào người dạo chơi, từ dân địa phương cho đến khách du lịch. Trên phố, mùi thơm quyến rũ tỏa ra từ một quán ăn khuya của người Hoa, thoang thoảng cả mùi nhang thơm nồng trong ngày mùng 1. Chọn một chỗ ngồi cạnh bờ sông, ngắm hàng liễu rủ bên cạnh và để gió mát phả vào mặt, chợt thấy một Cần Thơ yên tĩnh kỳ lạ.
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy thật sớm, lang thang trên vài con phố và dạo quanh bến Ninh Kiều. Sau một hồi hỏi han, bác tài có nụ cười dễ mến đã cùng chúng tôi lênh đênh trên một con đò đến với chợ nổi Cái Răng.
< Cần Thơ vẫn còn những khu phố nhỏ với những căn nhà đơn giản và bình dị.
Cách trung tâm thành phố khoảng 6 km đường bộ và mất 30 phút đi bằng thuyền từ bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng là sự lựa chọn thích hợp nếu bạn muốn khám phá sông nước Cần Thơ một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Trên mặt nước đang dát vàng dưới ánh nắng bình minh, hàng trăm ghe, xuồng, tắc ráng xuôi ngược đan vào nhau như khung cửi, ồn ào, náo nhiệt.
< Chợ nổi Cái Răng họp từ tờ mờ sáng đến tầm 8 - 9 giờ là đã vãn.
Cái Răng là chợ đầu mối chủ yếu bán sỉ. Trái cây và các sản vật khác được chất đầy trên những ghe lớn, từ các miệt vườn đến đây rồi theo thương lái tỏa đi khắp nơi. Mỗi chiếc ghe là một cửa hàng di động, vừa bán lại vừa mua, các loại dịch vụ từ bán xăng dầu, sửa ghe, đến những cửa hàng bách hóa như gạo, thực phẩm, thuốc men đều có mặt đầy đủ...
< Tấp nập xuồng máy và cả những chiếc ghe chèo tay.
Khác với các ghe lớn chuyên thu mua, các xuồng dịch vụ chạy máy hoặc chèo tay rất nhỏ gọn, dễ dàng mời chào khách hàng. Ghe nhỏ bán đồ ăn, nước ngọt, thậm chí cả đồ nhậu len lỏi trong chợ, phục vụ nhu cầu cho tất cả mọi người. Giữa sông nước mênh mông, một tô bún bốc khói nghi ngút đón từ tay người bán hàng qua mạn thuyền sẽ mang một hương vị thật khó quên.
< Trái cây và nông sản được trao đổi qua lại khi các thuyền đậu sát vào nhau.
Nắng càng lên, khúc sông càng náo nhiệt. Đằng này là tiếng gọi mua dứa, mua dưa, đằng kia là tiếng gọi đồ ăn, tiếng rao vé số, tiếng xuồng máy nổ, tiếng sóng vỗ ì oạp vào mạn thuyền, ồn ã chẳng thua gì một phiên chợ đông đúc trên đất liền.
Trên nóc thuyền, những người phụ nữ tay thoăn thoắt lựa bắp cải, bên dưới, từng trái dưa lớn được tung hứng từ thuyền này sang thuyền kia như những người nghệ sĩ thiện nghệ. Góc kia một cô bé đang giặt quần áo, hai cậu nhóc đang đùa nhau trong khoang thuyền.
< Cây bẹo treo trên một ghe bán khoai lang.
Thú vị nhất đối với tôi là những “cây bẹo”, đó là cây sào được treo lủng lẳng trước mỗi chiếc ghe, trên ngọn là những món hàng của chủ thuyền, treo gì bán nấy và rất dễ trông thấy từ xa. Tuy nhiên, cũng có mặt hàng không treo mà bán như đồ ăn thức uống, và khi muốn bán chủ thuyền thường treo lên đó những chiếc lá dừa.
Lẫn trong những đám ghe đầy ắp trái cây, nông sản là những chiếc tàu chở khách tham quan, đặc biệt là khách nước ngoài và cũng đông không kém dân bản xứ. Đột nhiên tôi lại thèm thấy một phiên chợ nổi khác, nhỏ hơn nhưng chỉ toàn những chiếc áo bà ba và nón lá.
< Một ghe đầy ắp dứa với giá bán lẻ khoảng 10.000 đồng/3 trái.
Thuyền về bến, gió mát thổi từ sông Cần Thơ buổi sớm mai dường như mang hơi hướng của phù sa và sương sớm. Bác lái đò bất chợt ngâm mấy câu thơ, giọng ngọt ngào:
Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng
Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn
Em treo bẹo Cái Răng, Ba Láng
Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ
< Sau khi thỏa thuận giá cả, người bán tung từng trái một sang thuyền người mua.
Nắng lên, thành phố lại càng rực rỡ màu sắc. Sự phát triển lâu dài trong quá khứ và sự đan xen văn hóa khiến Cần Thơ đa đạng bởi nhiều công trình kiến trúc khác nhau.
Bên cạnh những kiến trúc đô thị hiện đại vẫn đan xen những căn nhà cổ hay ngôi chùa với chính điện nằm ngay sát đường chính, dễ dàng nhìn thấy ngay từ ngoài, cho đến những hàng rào rêu phong mang dáng dấp một hội quán xưa kia.
< Bữa sáng trên chợ nổi.
Thật thú vị khi dạo quanh những con phố ở đây, bắt gặp nụ cười rạng rỡ của dân địa phương khi hỏi đường, lắng nghe tiếng rao đều đều của người bán bánh bò.
Trái ngược hẳn với nội thành, các quận lân cận của Cần Thơ như Ô Môn, Thốt Nốt... lại thoáng đãng với những cánh đồng lúa hai bên đường rộng thênh thang, thỉnh thoảng lại điểm vào một dòng kênh xanh ngắt.
Chúng tôi rời Cần Thơ mà lòng vẫn tiếc nuối mãi không thôi...
Thông tin thêm:
< Chùa Munirangsay tháp vàng rực trong nắng là ngôi chùa Khmer nằm giữa trung tâm thành phố Cần Thơ.
Cần Thơ là thành phố trực thuộc trung ương, được coi là trung tâm chính trị - kinh tế của vùng Tây Nam bộ, với đặc trưng là sự đan xen của đô thị và mạng lưới kênh rạch chằng chịt.
Di chuyển: Cần Thơ cách TP.HCM khoảng 170 km, đường đi thuận tiện với tất cả các phương tiện giao thông từ mọi cửa ngõ của thành phố. Nếu bạn đi bằng ô tô thì có thể bắt xe tại bến xe của tất cả các tỉnh miền Tây.
< Chùa Ông của người Hoa nổi tiếng độc đáo về mặt mỹ thuật.
Điểm đến: Bến Ninh Kiều, cầu Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, nhà cổ Bình Thủy, chùa Nam Nhã, vườn cò Bằng Lăng, khu du lịch Mỹ Khánh... Riêng vào dịp rằm tháng Chạp và rằm tháng 4 có 2 lễ hội lớn tại đình Bình Thủy là lễ Thượng Điền và lễ Hạ Điền.
< Hương vòng treo tên của những người cầu chuyện làm ăn dày đặc trong chùa Ông.
Món ăn đặc trưng: Bánh xèo, bánh cống, nem nướng, bún tôm khô, bánh tét lá cẩm, ốc nướng tiêu,...
Lưu ý: Nên đặt khách sạn trước khi đến, hỏi giá trước ở các khu ẩm thực đêm. Nếu muốn đi chợ nổi, bạn có thể thuê đò bao để thoải mái len lỏi trong chợ thay vì chọn tàu du lịch.
Xem nguồn >
Phượt ký của Trường Giang (iHay.Thanhnien)
0 nhận xét: