Men rừng Đắk Tô

Người Xê Đăng ở xã Ngọc Tụ (huyện Đắk Tô, Kon Tum) không uống bia hay rượu nấu mà đãi khách bằng rượu rừng. Họ có bí quyết chắt lọc, cất giữ những giọt rượu tinh khiết từ núi rừng Tây Nguyên. Đó là một loại rượu mang hương vị đậm đà độc đáo.

Một ngày cuối năm 2011, chúng tôi có dịp theo chân người dân ở xã Ngọc Tụ lên đỉnh núi Ngok Tăng cao chót vót lấy rượu rừng. Rượu rừng được chiết từ nước cây Long Krê cho lên men với vỏ cây T’ve nên còn có tên gọi khác là rượu T’ve hay rượu cây. Trước đây có hàng trăm hộ gia đình sở hữu cây Long Krê nhưng cơn bão năm 2009 làm hàng ngàn cây này bị bật ngốc nên số lượng còn lại không nhiều.

Lên rừng lấy rượu

< Chuẩn bị 'ly' uống rượu.

Đoàn 8 người chúng tôi theo chân già A H’voi, người có nhiều kinh nghiệm chiết xuất rượu rừng, lên đỉnh Ngok Tăng lấy rượu. Từ trung tâm xã Ngọc Tụ đến đỉnh Ngok Tăng hơn 10 km đường rừng. Sau nhiều giờ vật vã mồ hôi, vượt những vách núi dựng đứng, những lối đi chỉ lọt một người, cuối cùng chúng tôi cũng đến được khu vực có cây Long Krê.

Cây Long Krê dáng giống cây dừa, thường mọc trên các vách đá dựng đứng. Theo già A H’voi cây Long Krê 10 năm tuổi sẽ bắt đầu trổ bông, kết trái, nhưng không phải cây nào cũng có nước. Theo kinh nghiệm, già A H’voi biết cây nào cho nước nhiều, cây nào cho nước ít, hoặc không có nước.

< Vỏ cây t've.

Để lấy được rượu, người dân dùng những thân cây lồ ô, làm nhiều bậc thang, bắc chênh vênh bên các sườn núi lên đến ngọn cây Long Krê.

Mỗi năm cây cho từ 2-4 buồng, khi phát hiện cây có thể cho nước, người Xê Đăng sẽ cắt 2/3 buồng quả, chẻ đôi cây lồ ô làm máng hứng từng giọt rỉ ra từ thân cây dẫn vào dãy ống lồ ô treo phía dưới. Mỗi ngày cây cho khoảng 10 lít nước, sau hơn 1 tháng thì hết.

< Lấy rượu trên ngọn cây Long Krê.

Để có rượu rừng thơm ngon, ngoài nước cây Long Krê phải có vỏ cây T’ve. Rượu rừng nhạt hay nồng tùy thuộc vào lượng vỏ cây T’ve cho lên men.

Việc tìm vỏ cây T’ve cũng là một bí truyền của người dân nơi đây. Hiện loài cây cây đã cạn kiệt nên để có vỏ cây T’ve người dân phải mang theo cơm nắm đi nhiều ngày vào rừng sâu để tìm kiếm.

Bên cạnh đó, theo già A H’voi, dao dùng để lấy ruợu phải được rèn từ loại thép tốt, người thợ rèn giàu kinh nghiệm nhất trong vùng làm nên. Loại dao này không được dùng vào bất cứ việc, nếu không khi cắt vào cây sẽ không cho nước.

Rượu quý đãi khách

Theo những người cao tuổi trong làng, từ đời cha ông họ đã biết nước từ cây Long Krê và vỏ cây T’ve làm rượu đãi khách. Ở một nơi xa xôi, điều kiện kinh tế khó khăn như xã Ngọc Tụ, nếu bán rượu rừng sẽ là một khoản thu nhập đáng kể nhưng vì lòng hiếu khách họ có thể leo ngược đỉnh Ngok Tăng lấy rượu về đãi khách mà không bán.

Già A H’voi cho biết: Nhiều người tới làng hỏi mua hàng chục lít mang về xuôi nhưng chúng tôi không bán, nếu khách xa có cần thì đồng bào mình chỉ tặng một ít mang về làm quà. Là rượu Giàng ban tặng nên người Xê Đăng quan niệm, chỉ có đàn ông mới được lấy rượu, còn phụ nữ lấy rượu sẽ bị Giàng phạt, không cho cây ra nước. Khi cây rượu đầu tiên trong năm cho ra nước, người dân phải làm lễ cúng Giàng.

< Du khách thưởng thức rượu cây t’ve.

Rượu rừng có mùi thơm, vị hơi ngọt, có độ nồng không cao nhưng rất dễ say. Cách uống rượu cũng khác lạ, rượu đã rót ra là uống hết. Khi uống người Xê Đăng không cụng ly mà bắt đầu từ một vị khách hay một người cao tuổi trong bàn rồi lần lượt theo chiều kim đồng hồ.

Rượu T’ve không được uống bằng ly thủy tinh vì sẽ ảnh hưởng đến mùi vị mà dùng các ống nứa. Mỗi lần uống 2 ly (2 ống nứa), một lớn, một nhỏ như sự thủy chung giữa vợ chồng!

Cả xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô khoảng 8 hộ gia đình trú tại làng Đăk Manh và Đăk Dé sở hữu vườn rượu quí trên đỉnh Ngok Tăng cao chót vót. Ngoài xã Ngọc Tụ, tại xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô - Kon Tum cũng có loại cây long krê. Người dân tộc thiểu số Xê Đăng ở nơi này cũng biết làm rượu t’ve từ bao đời nay.

Vượt qua những dãy núi cao hùng vĩ, băng qua những khu rừng già mệt lã người nhưng nhâm nhi rượu rừng với thịt trâu sấy khô cùng những con người mộc mạc, chân thành trong lòng tôi cảm thấy khoan khoái lạ thường.

Theo Người Lao Động + báo Lao Động