Miền mật ong Sủng Tráng
Phải mất 5 tiếng đồng hồ ngồi trên những chiếc xe “ngựa chiến” vượt núi đèo và những con suối vắt ngang đường chúng tôi mới đến được Sủng Tráng. Một khung cảnh khác hẳn, dân dã và đầy hoang sơ hiện ra trước mặt với mây mù và đá xám. Những quả đồi xanh mướt cỏ non ẩn nấp trong ánh nắng chiều chạng vạng càng khiến cho có một sức hút kỳ lạ với những ai ưa khám phá.
Cũng giống như những bản làng vùng địa đầu Tổ quốc, Sủng Tráng bao la những dãy đá tai mèo xám ngoét chạy dài khắp nơi. Có những dãy đá vừa cao vừa dài như Vạn Lý Trường Thành và trùng trùng lớp lớp đá tạo ra một cảnh quan kỳ thú cho cao nguyên đá Đồng Văn.
Nhưng vượt qua những dãy núi đá ấy là những cánh rừng rậm tuyệt đẹp. Những cánh rừng chứa đầy mật ong nguyên chất mà truyền thuyết cho rằng, đó là thứ nhựa kết dính con người vùng núi đá với thần linh tạo hoá. Thứ mật ấy đã nuôi dưỡng con người và giúp con người có đủ sức mạnh chống chọi với bệnh tật và sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Một người bạn bản địa của chúng tôi nhận làm “hoa tiêu” bảo rằng, những cánh rừng thiêng ở Sủng Tráng có rất nhiều ong mật. Chúng đến làm tổ dày đặc ở khắp các cây cổ thụ nhưng không bao giờ để lộ tổ cho người ngoài được biết. Vì thế, trải qua năm tháng, những tổ ong mật ở Sủng Tráng cứ lớn dần và biến thành những cái hang bí ẩn trong rừng.
Cơm đùm cơm nắm, chúng tôi vào rừng để tìm cho ra những cái hang ấy. Và cả một quần thể những cái hang hình tổ ong chìm sâu trong những dãy núi lô nhô rất kỳ ảo. Ở trong những khu rừng này, ong mật rất nhiều, chúng phân chia nhau đi tìm hương hoa khắp cánh rừng.
Chúng tôi cũng gặp một số trai bản đi tìm mật ong. Họ treo mình trên những vách núi, thậm chí trèo cả lên trên đỉnh núi cao để gỡ mật và sáp ong về bán. Họ bảo rằng, mật ong ở Sủng Tráng rất ngọt và thơm nhưng không ai được tham lam lấy quá nhiều, nếu thần linh nổi cơn thịnh nộ sẽ trút giận lên bản làng của họ.
Ở những con đường ra vào Sủng Tráng, rất nhiều gia đình quây quần bên nhau dưới cái nóng rát của cực Bắc. Họ bán đủ thứ, từ ngô khoai sắn đến rau rừng và không bao giờ thiếu mật và sáp ong. Là khách qua đường, bạn có thể mua một vài chai mật làm quà nhưng cũng có thể bạn được thưởng thức mật ong miễn phí nếu biết một vài câu xã giao bằng tiếng Mông.
Xem thêm >
Theo Trần Hòa (báo An Ninh Thủ Đô)
0 nhận xét: