Những chúa đảo biển Tây - Kỳ 3
“Sống sót” trong những tháng ngày trốn chạy ra đảo hoang, những phụ nữ trong gia đình chúa hòn Mây Rút đã khiến cánh đàn ông đi biển phải nghiêng mình.
Lưu lạc đảo hoang
< Cụ Thiêu (Bảy Yên) - người đã khai phá hòn Mây Rút cách nay 50 năm.
Nhiều người đã giật mình khi lần đầu gặp bà Tám Nữ (Phạm Thị Nữ) trên hòn Mây Rút, hòn đảo nằm chếch về hướng tây của quần đảo An Thới (H.Phú Quốc, Kiên Giang). Cách “ăn sóng nói gió” đặc trưng của dân biển khiến dễ ngộ nhận rằng chị đang la hét ai.
Ngược lại, mẹ bà là cụ Trần Thị Thiêu (84 tuổi) thì thâm trầm với nụ cười thân thiện thường trực. Cụ Thiêu sinh được 16 người con nhưng trải qua chiến tranh, bệnh tật, chỉ còn 6 người.
Cuộc đời của gia đình ông Bảy Yên (Phạm Văn Yên, quê H.Kiên Lương, Kiên Giang, chồng của cụ Thiêu) bắt đầu trôi dạt sau câu nói của một sĩ quan chế độ Sài Gòn: “Tôi biết ông là cộng sản. Nhưng vì ông quá tốt với chúng tôi nên tôi tha mạng ông một lần…”. Nghĩ đến đàn con thơ phải liên lụy, vợ chồng ông đã bỏ xứ ra biển để yên thân. Số phận đã đưa cả nhà ông đến hòn Mây Rút Ngoài, một hoang đảo nằm nghiêng về hướng tây nam đảo Phú Quốc, sau khi họ đã đặt chân đến hàng chục hòn đảo khác nhau. Bà Tám Nữ kể: “Lúc này, bộ đồ độc nhất của anh chị em tôi rách hết. Đói, cả nhà kéo lên rừng đào khoai rạng ăn trừ cơm. Khát, cả nhà chia nhau khoét đất tìm mạch nước ngọt. Nấu ăn, men theo vách đá cặp mé biển để cạo muối dính lại khi thủy triều rút... Ban đêm đốt củi đuổi muỗi mòng thì rắn cạp nia từ rừng kéo xuống bao vây...”.
< Cụ Thiêu (áo sậm) sinh được 16 người con, nhưng chỉ có 6 còn sống qua thời bĩ cực.
Lúc ấy bà Tám Nữ mới 8 tuổi, cũng là thành viên nhỏ nhất theo cha mẹ trên bước đường lưu lạc. Sau bà, gia đình có thêm 8 thành viên nữa. Cụ Thiêu kể sinh đẻ giữa đảo làm gì có mụ đỡ, một tay ông Bảy Yên đứng ra làm mụ cho vợ. Khi đó, sinh được hai, ba ngày thì cụ Thiêu lại ra biển kiếm sống.
Thời gian sau, nghĩ không thể sống suốt đời ở đảo hoang này được, họ kiếm được chiếc xuồng để thỉnh thoảng vượt biển chèo vào mũi An Thới. Bắt được cá, nuôi được gà, bà Tám Nữ lanh lợi nhất nhà được phân công vượt biển vào chợ. “Lúc đó tui chỉ có quần cụt, áo rách nên người ta nhìn mình thấy lạ lắm”, bà Nữ nhớ lại.
Tám Nữ được cả chợ An Thới biết tới, bảo bọc. Số tiền kiếm được ngoài mua lương thực, câu, lưới thì một thứ không thể thiếu là… rượu. Cụ Thiêu nói chồng mình có thể uống rượu ngày đêm không say. Có lần buồn chí, ông uống một mình hết 5 lít rượu. Rồi ông bảo các con có muốn theo kháng chiến thì cứ đi. Nghe lời ông, lần lượt những người con vào đất liền cầm súng. Có người ra đi mãi không về lại đảo.
Quyết không bỏ đảo
Hòa bình, những người từng được ông Bảy Yên giúp đỡ làm chức to đã đến hỏi ông cần gì họ sẽ giúp. Ông Bảy Yên nói ông chỉ có một nguyện vọng duy nhất là vợ con, cháu chít của ông được sống yên ổn trên hòn đảo này.
Trong các con gái của ông Bảy Yên, nếu bà Nữ có tài leo cây như sóc, thì người em gái là Phạm Thị Út lại có tài đi biển. Bà Út cắt đầu húi cua, thường ôm tàu đi đánh cá một mình. Một thời, người đi biển vẫn hay tranh luận về tay ngư phủ đầu trọc, quần đùi ưa đi một mình là trai hay gái? Bà Út hay tự suy nghĩ và một mình thực hiện chứ ít khi bàn tính với ai. Như chuyện bà bơi từ hòn Mây Rút qua Hòn Dơi, lúc hòn đảo này là lãnh hạc của các loại thú bay. Thế rồi một tay khai phá, trồng cây xanh mướt một sườn đảo. Biết chuyện, người của cơ quan chức năng ra hỏi ai khai hoang Hòn Dơi, bà Nữ đáp: “Một tay con Út đó. Mấy chú không cho nó trồng cây, giữ đảo thì bọn xấu tới là khó giữ”. Nghe có lý, họ làm thinh cho bà Út tiếp tục trồng cây trên đảo.
< Căn nhà của gia đình bà Bảy Yên ở hòn Mây Rút.
Cuộc sống cứ quần quật với biển, với rừng, bà Nữ nói lúc trẻ chị em nhà mình giống như con trai vậy, ít khi phải nghĩ đến có chồng. Mãi đến khi người ta dẫn các chàng trai từ đất liền ra mai mối. Chỉ cần một lời hứa sẽ cùng bám trụ với đảo, thế là họ cũng đã nên vợ nên chồng.
Quần đảo An Thới với những hòn đảo giăng đá ngầm chằng chịt có thể là chiếc bẫy cho những người mới tới. Không biết bao nhiêu lần, hòn Mây Rút trở thành chiếc phao của những người gặp nạn. Có bận gia đình bà giải cứu đến 20 người một lúc, khi tàu họ đâm phải đá ngầm ở hòn Kim Quy. Thế là nhà có bao nhiêu gạo cũng vét hết nấu cho người gặp nạn; tiền nhà dành dụm được bao nhiêu cũng cho hết để các nạn nhân làm lộ phí về quê.
“Mình sống thiếu thốn quen rồi, nên tiền bạc có hay không cũng đâu phải tất cả”, Tám Nữ nói những hòn đảo lân cận nhiều người cố cựu đã bán để lấy tiền, có người đã nhận hàng chục tỉ để vào đất liền.
Hơn 10 năm trước, có người mang 3 tỉ đồng đến hỏi mua đảo để làm du lịch. Dù chưa bao giờ nghe nhắc đến tiền tỉ, huống gì thấy trước mặt, nhưng mẹ con bà Nữ đã thẳng thừng từ chối. Bà Tám Nữ nói với chúng tôi rằng hòn đảo này do cha của chị khai phá, muốn đời con cháu lấy đây làm chốn sinh cơ. “Nếu có bán thì chỉ có ba tôi mới bán được”. Mà ông Bảy Yên đã nằm lại ở đảo này từ nhiều năm nay, thọ 86 tuổi.
Xem thêm >
Còn tiếp Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6
Theo Tiến Trình (báo Thanh Niên)
0 nhận xét: