Tà Si Láng – Ngỡ ngàng 'đường lên trời'
Tà Si Láng, một xã vùng cao thuộc huyện Trạm Tấu ở phía Tây Yên Bái. Với diện tích lên đến gần 90km² nhưng dân số chỉ trên 1.000 người, đa phần là đồng bào Mông, nơi đây bị chia cắt với thế giới bên ngoài bởi con đường núi 17km nhưng đầy hiểm trở và có thể đe dọa tới tính mạng sống nếu có chút sơ sểnh.
Khi biết thông tin đoàn phượt của tôi sẽ đi cung Tà Si Láng, tôi đã rất háo hức vì từng nghe danh đây là một cung 'tử địa' với những con dốc cao ngút, những con đường hiểm trở. Sự tò mò, hay nỗi nhớ rừng núi khi lâu chưa tham gia một chuyến đi nào “chất” đã khiến tôi rất hồi hộp chờ ngày được đặt chân lên vùng đất này.
Một chiều thứ 6 trong cái nóng nực của Hà Nội, đoàn chúng tôi bắt đầu xuất phát từ Cầu Giấy với 5 xe và cả xế lẫn ôm là 9 người.
Đứng chờ mọi người chuẩn bị đồ đạc lên đường, dưới cái nóng nực của mùa hè và bầu không khí oi bức, bụi bặm bên lề đường Xuân Thủy, tôi chỉ muốn nhanh đến giờ xuất phát để được hít thở cái bầu không khí trong lành miền sơn cước.
Đúng 6h chiều đoàn chúng tôi xuất phát từ Đại Học Quốc Gia theo đường quốc lộ 32 - Sơn Tây – Cầu Trung Hà – Thanh Thủy – Tân sơn – Thu Cúc… Dòng xe đông đúc ở Hà Nội ngày càng thưa dần và những con phố khuất xa theo sau chúng tôi. Quyết định phượt đêm là một việc táo bạo và có thể có nhiều nguy hiểm nhưng với cái thời tiết nóng nực này, đi vào ban ngày sẽ rất mệt mỏi cho cả xế lẫn ôm.
Nhưng có một việc không may xảy ra với đoàn tôi trong chuyến đi lần này. Nửa đêm, khi đến đèo Ba Khe, cách Hà Nội 148km thì một xế trong đoàn của tôi là anh Đức Trần do buồn ngủ đã không may gặp tai nạn trên đường.
Những khúc cua trên đèo đã hạ gục một xế phượt lâu năm. Anh bị mất tay lái và đâm vào lan can trên đường, chân anh bị thương và không thể đứng dậy được. Ôm của anh cũng bị xây xát nhẹ. Cũng may vụ tai nạn không quá nghiêm trọng nhưng đoàn chúng tôi phải tạm thời dừng chuyến đi lại để đưa anh về bệnh viện 105 ở Sơn Tây.
Cũng hơi thất vọng vì đã gần đến Văn Chấn nhưng lại gặp phải sự cố này, mọi người đều mệt mỏi, và lo lắng cho sức khỏe của anh Đức. Nhìn anh chịu đau đớn lúc bác sĩ sát trùng và băng bó vết thương, ai cũng xót thương vô cùng. Chúng tôi ngủ qua đêm ở “Khách sạn bệnh viện”, không giường, không chiếu, chỉ nằm trên cái ghế phòng chờ của bệnh viện và chợp mắt đến 4h sáng thì trưởng đoàn gọi tất cả mọi người dậy để quyết định có đi tiếp hay không.
Thực sự mà nói quyết định đi tiếp hay không là một quyết định khó khăn, vì đã gần cán đích rồi lại quay lại vạch xuất phát từ đầu khiên ai cũng nản lòng. Trong số 9 người tính từ thời điểm xuất phát thì đến lúc này chỉ còn 5 người quyết định đi tiếp, 3 xế và 2 ôm, tất nhiên trong đó có tôi.
< Những con đường dốc xa xa để lên rẫy. Ấy vậy mà người ta vẫn chạy hàng ngày.
Xuất phát từ 5h sáng, chúng tôi đến Văn Chấn khi mặt trời đã lên cao. Cái nắng ở nơi đây không gắt gao như ở Hà Nội. Cho những con ngựa chiến nạp đầy nhiên liệu, chúng tôi cũng vậy và bắt đầu hành trình vào bản Tà với quyết tâm sẽ chinh phục con đường “tử địa” này.
< Đường lên Tà Si Láng có những vực, dốc thế này đây.
Không biết từ đâu, do địa hình hay vô tình mà các nhánh phía Tây luôn là cung thử thách lòng người nhất. Ở đó luôn có điểm chung: là sự heo hút của các bản làng giữa cánh rừng nguyên sinh, là rừng Pơ Mu hay gỗ quý bạt ngàn, là nơi buôn bán thuốc phiện, buôn lậu...
Tây Yên Bái cũng không ngoài ngoại lệ đó gồm có: Tà Nhì, Chế Tạo, Lìm Mông, bản Mù cao được gọi là 'tứ đại hiểm địa' Yên Bái.
Đường lên 'Tà' thực sự là một thử thách đối với những tay lái xe moto, kể cả những xế phượt có kinh nghiệm nhất. Nó dốc ngược, dốc ngược và gập ghềnh những đá, những viên sỏi cục, và vực sâu thăm thẳm. Bên dưới là những con suối cạn lởm chởm đá mồ côi. Những dãy núi xanh thấp thoáng trong sương, trong mây và những bản làng của người H’Mong nằm bên những sườn núi xa tít tắp.
Những con dốc ở đây chỉ có thể được tả bằng một câu 'cao kinh khủng'. Xế để số một để lên dốc mà chiếc xe vẫn cứ ì ạch. Có những đoạn vướng phải đá hộc, ôm phải vội nhảy xuống đẩy xe lên, y như “hò zô ta qua đèo”. Phải rất vất vả mới qua được con dốc đầu, nhưng chỉ vừa được xuống dốc, đã thấy con dốc phía trước cao hơn, và còn khó đi hơn.
Và rồi chúng tôi cũng qua được 4-5 con dốc như thế trong cái tâm trạng hồi hộp, lo âu xen lẫn thích thú, ngạc nhiên. Khâm phục xế của mình qua bao con dốc cao chót vót mà vẫn giữ được tay lái. Chị Quyên, một ôm nữa đi cùng tôi mỗi đoạn xuống dốc lại hét lên vì sợ hãi.
Nếu ở Hà Nội vào lúc giữa trưa thế này, thì đảm bảo đi ra đường nắng sẽ đốt cháy da. Còn ở đây thời tiết thật lạ. Trời trong xanh, mây tà tà qua các ngọn núi cao, và nắng vàng lên rực rỡ bên các thung lũng. Dĩ nhiên nhiệm vụ của xế là lái xe, còn nhiệm vụ của ôm ngồi sau là chụp ảnh, thật nhiều ảnh đẹp.
Con đường lên Tà Sì Láng quả đúng như giang hồ đồn đại! Đường dốc ngược lên, đất đá lổn nhà lổn nhổn, gập gà gập gềnh, có chỗ đi bộ cũng phải nín thở vì đường thì có vết rạn, vết nứt ngoác cả ra, vực sâu hoắm ngay bên cạnh. Thế nhưng khó khăn đó không làm chúng tôi nản lòng, mà khiến cả 5 người chúng tôi đoàn kết hơn, giúp đỡ nhau mọi nơi, mọi lúc nếu có thể.
Leo lên bản Tà Cao là một thử thách mới của chúng tôi. Những con dốc cao hơn, nhiều đá hộc đá tảng hơn, và đôi lúc có đoạn chỉ là đường đất, hình như vừa mưa xong nên trơn tuột. Nước róc rách chảy từ trên các khe núi xuống đường. Tôi đã suýt rớt xuống xe ở một đoạn như thế này.
Qua đoạn đường xấu đó, chúng tôi thấy khoảng 3-4 ngôi nhà sàn hai bên đường. Tất cả đều đóng cửa, chỉ thấy ngoài đường có ba cậu bé đang chơi đùa. Chúng tôi xuống xe, lại gần cho chúng bánh kẹo mang từ Hà Nội, hỏi han rồi cùng nhau chụp ảnh với các em. Từ lúc vào Tà đến bây giờ cả 5 người chúng tôi mới có cơ hội được nói chuyện với con người, đủ để thấy ở đây hẻo lánh đến mức nào.
Khi chúng tôi hỏi các em bên trên còn đường đi nữa không, các em nói đi được nhưng cuối đường là đường cụt. Vẫn quyết tâm đi tiếp, chúng tôi lên xe và không ngờ đường trong này còn tồi tệ hơn. Đất trơn do nước mưa ngấm xuống dính vào bánh xe trơn trượt.
Không còn ma xát, xe lao như điên xuống con dốc không tên. Rất may xế vẫn vững tay lái nên không sao. Dọc đường, chúng tôi gặp vài người đi chăn trâu, chào họ và họ hỏi lại chúng tôi, “Vào đó làm gì, đường này chỉ trâu bò mới đi được thôi”.
Cả đám đã cười phá lên vì sự thật thà của cậu bé đang cưỡi trâu đi đó, và vẫn tiếp tục đi tiếp. Đi được một đoạn thì không đi tiếp được nữa. Xuống đi bộ thì gặp mấy cô gái H’Mông chăm chỉ vừa cõng củi vừa tranh thủ may vá.
Đến cuối đường mới thấy đúng là ngõ cụt thật nhưng không phải chỉ có trâu bò, không phải chỉ mình chúng tôi vào được đây. Từ con đường bé nhỏ đâm sâu vào rừng chúng tôi thấy có hai chiếc xe Win đang chở gỗ lao ra. Vẫn biết Tà Si Láng từng là vựa pơ-mu và nạn chặt phá rừng pơ mu ở đây, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được thấy cây pơ mu nó như thế nào cho dù chỉ là hai khúc gỗ trên xe những người lâm tặc.
< Trung tâm xã Tà Sì Láng.
Nghỉ ngơi một lúc ở đoạn đường cụt, Leader quyết định quay ra và vào trung tâm bản Tà. Ở vị trí chúng tôi đang đứng cách bên dưới phải đến hàng nghìn mét. Từ trên cao nhìn xuống thấy cả một thung lũng như cái lòng chảo khổng lồ.
Trong cái lòng chảo ấy là những thửa ruộng bậc thang, những cánh rừng xanh xanh, thấp thoáng vài ngôi nhà sàn nho nhỏ. Chúng tôi nhìn thấy cả huyện Văn Chấn và trung tâm xã Tà Si Láng bé nhỏ nằm gọn trong những cái lòng chảo ấy.
Tôi đã thấy một vài ngôi nhà xây khang trang, khi đến gần mới biết đó là trường học và ủy ban nhân dân xã. Chúng tôi vào, ngó nghiêng một hồi rồi nghỉ ngơi cho xế lấy sức. Ôm thì không mệt đâu nhưng xế cả ngày ngồi trên yên xe, gồng tay lái leo lên những con dốc cao thì rất mệt. Ngày cuối tuần nên trường học không có học sinh, trong ủy ban xã cũng chẳng có người, nhìn loanh quanh cũng chẳng có ai. Vắng tanh như sự heo hút của vùng núi này vậy.
Chúng tôi trở ra khi đã vào cuối giờ chiều. Ai cũng đói và mệt do vậy chúng tôi quyết định gõ cửa một nhà dân trong bản và xin nấu nhờ. Đó là một ngôi nhà gỗ bé bé bên sườn núi. Chủ nhà là một cô gái H’Mong còn khá trẻ với đứa con trai tầm 7-8 tuổi. Sau một hồi trưởng đoàn thương thảo với chủ nhà, chúng tôi cũng được sự đồng ý của chị.
Người dân ở những vùng này rất dễ tính và mến khách. Nếu ở dưới xuôi chắc rất hiếm ai cho một đám người lạ vào nhà như thế này. Phải rất cảm ơn chủ nhà tốt bụng nếu không chúng tôi sẽ phải gặm mì tôm sống và uống nước cho qua bữa. Nhưng chúng tôi đi, và biết chấp nhận những gian khổ, những may mắn cũng như rủi ro.
Do biết trước ở đây không có quán ăn, không có chợ búa nên chúng tôi đã chuẩn bị trước vài thùng mì tôm. Chị chủ nhà vui vẻ giúp chúng tôi nhóm bếp nấu nướng. Tuy nhiên trong nhà không có giếng hay có bể nước gì cả. Và 3 xế của chúng tôi phải xách can to đi lấy nước từ suối về cách đó tầm 1km. Thế mới biết cuộc sống của đồng bào nơi đây khó khăn thế nào.
Tạm biệt Tà Si Láng, tạm biệt những ngôi nhà, những thung lũng và thác nước nơi đây. Chúng tôi trở về Văn Chấn và dự định sẽ có thêm những chuyến đi khác nữa. Đi để biết đất nước mình rộng lớn thế nào, non sông ta tươi đẹp biết bao nhiêu và biết yêu thương, quý trọng đồng bào mình, những người đang sống cuộc sống rất vất vả ở nơi xa sôi hẻo lánh.
Thông tin thêm:
Tà Sì Láng là một xã thuộc huyện Trạm Tấu tỉnh Yên bái , phía bắc giáp xã Bản Mù , phía Tây giáp huyện Phù yên và Bắc yên - Sơn la , phía đông và nam giáp huyện Văn chấn . Dân cư ở đây 100% là người H'Mông, sinh sống bằng nghề làm nương và đi rừng hái củi, ngoài ra còn tham gia vận chuyển gỗ pơ mu lậu. Từ Văn chấn vào Tà sì láng khoảng 18km nhưng cũng phải đi hết 2h mới vào được trung tâm xã.
Với đặc điểm địa hình hiểm trở trên độ cao gần 2000m bị chia cắt bởi vực sâu và núi cao, vách đá dựng đứng... nên đường vào Tà sì láng cực kỳ khó khăn. Trước đây chỉ có đường mòn dân sinh, nay đã được mở rộng khoảng 4-5m nhưng sạt lở thường xuyên khiến con đường vào TSL hay bị ách tắc, rất nhiều đoạn chỉ đi vừa bánh xe máy. Độ dốc của con đường này cũng thật khó tưởng tượng: từ 15-20%.
Mới cách đây khoảng hơn 10 năm, Tà sì láng nổi tiếng là vựa Pơ mu của miền tây Yên bái. Đến nay gần như rừng Pơ mu đã bị xóa sổ, lác đác cũng chỉ còn sót lại dăm ba khoảng rừng trên tít non cao. Trên các triền núi giờ đây được phủ xanh bằng loài Thông đuôi ngựa .
Cuộc sống của người H'Mông ở Tà sì láng còn rất khó khăn, 1-2 tháng thiếu ăn lúc giáp hạt là điều vẫn xảy ra. Do độ dốc lớn nên việc canh tác đầy trở ngại, mùa màng lúc được lúc mất. Dân trí rất thấp nên đa phần trẻ em ở TSL thất học mặc dù có trường ngay tại trung tâm xã. Vậy nhưng để vận động được người đi học không phải chuyện dễ. Trong 16 xã thuộc huyện Trạm tấu - Yên bái thì Tà sì láng và Bản Mù là 2 xã miền núi khó khăn. nhất
Xem thêm >
Theo Đỗ Linh (Giaoduc.net) + ảnh Phuot.vn và vài nguồn khác.
Tà Sì Láng - Cung đường mê đắm
0 nhận xét: