Đền Gắm ở Tiên Lãng

Đền Gắm, tên chữ là Cẩm Khê - di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng di sản văn hóa quốc gia. Đền Gắm là một tòa miếu cổ, nằm ven sông Văn Úc, thuộc địa bàn xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng. Người xưa truyền tụng thứ nhất đền Bì, thứ nhì đền Gắm đã khẳng định vị trí quan trọng của di tích trong hệ thống các công trình tín ngưỡng ở đây.

Đền Gắm nằm trên gò đất cao nhô ra dòng sông sâu như một bán đảo, rợp bóng cây xanh. Hiếm có một di tích được sự hỗ trợ đắc lực của thiên nhiên như ở đây. Đền quay hướng đông nam, soi mình bên dòng sông xanh ngắt. Kiến trúc đền mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (1802 – 1945).

Đền thờ Thái phó Ngô Lý Tín, một nhân vật lịch sử có công phò vua giúp nước thuộc đời nhà Lý (1010 - 1225). Sử cũ chép rằng, Ngô Lý Tín, sinh ngày 20 tháng 1 năm Bính Ngọ (1126) ở trang Vĩnh Đồng, huyện Khoái Châu, trấn Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Hưng Yên, thân phụ, thân mẫu là ông Ngô Huy Hiếu và bà Đào Thị Phúc. Thuở nhỏ, Ngô Lý Tín theo học một thầy đồ nổi tiếng ở Hải Dương, với tư chất thông minh, chăm chỉ, nên được thầy yêu bạn quý. Năm ông 18 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời, mãn tang cha mẹ, ông tìm đến trang Cẩm Khê, huyện Bình Hà, trấn Hải Dương, nay là thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng mở trường dạy học, luyện tập võ nghệ.

Bấy giờ vào thời buổi nhiễu nhương, giặc cướp nổi lên khắp nơi, cộng với mất mùa hạn hán, đời sống nhân dân cực khổ, giặc ngoại xâm quấy phá biên thùy. Vua Lý Anh Tông ban chiếu cầu hiền, Ngô Lý Tín xin ứng mộ, đem theo 30 người thôn Cẩm Khê đi cùng, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Năm Nhâm Dần (1182), Ngô Lý Tín được phong chức Thượng tướng quân, mang quân thủy bộ dẹp loạn trộm cướp. Năm 1183, ông được cử làm đốc tướng chinh phạt quân Ai Lao xâm lấn biên giới, chiến thắng trở về, nhà vua phong ông làm Thái phó. Năm 1188, quan phụ chính đại thần, Thái sư Đỗ An Di mất, triều đình cử thái phó Ngô Lý Tín làm phụ chính cho vua Lý Cao Tông, làm vị quan lớn đầu triều, giữ trọng trách đối với giang sơn đất nước.

< Chơi cờ tướng ở lễ hội đền Gắm.

Ông mất năm Canh Tuất (1190), tương truyền, khi quan Phụ chính Ngô Lý Tín cùng một đoàn thuyền đem tướng sĩ, gia nhân trở về thăm lại trang Cẩm Khê xưa không may gặp bão to, thuyền chìm, ông và mọi người đều thác nhằm ngày 9 tháng 10 âm lịch. Tưởng nhớ công ơn vị tướng anh dũng, nhân dân trang Cẩm Khê lập đền thờ ông.

Trải qua những biến cố thăng trầm của thời gian, lịch sử, qua nhiều lần tu sửa, đền Gắm vẫn mang kiến trúc cổ xưa, phong cách kiến trúc thời Nguyễn kiểu “tiền nhất hậu đinh” gồm 5 gian tiền đường, 3 gian tiền tế, gian hậu cung. Các kèo gỗ có kết cấu kiểu “thuận chồng, đốc thước”, mái lợp ngói mũi hài, các cửa theo kiểu “cửa thùng khung khách”.

Dấu vết cổ xưa nhất là bốn viên gạch Bát Tràng, khổ 30cm x 30cm trang trí nổi hình rồng. Hai viên ghép lại thành một con rồng hoàn chỉnh. Rồng có thân trường mập, vẩy rắn, đuôi cá chuối, sống lưng có hàng vây cá chép. Đó là những con rồng mang phong cách nghệ thuật thế kỉ 16 (thời Mạc) điển hình. Những viên gạch này là di sót của chiếc sân lọng nối giữa tòa tiền đường và tòa hậu đường của ngôi đền xây dựng năm Hồng Phúc nguyên niên (1572).

Ngoài ra, trong kiến trúc chính của đền còn giữ được một số viên ngói mũi hài lớn, loại vật liệu thường gặp trong các công trình kiến trúc cổ nước ta, có niên đại thế kỉ 16 – 17.

Đền Gắm được trùng tu trên quy mô lớn dưới triều Nguyễn, với cấu trúc "tiền nhất hậu đinh" quen thuộc gồm 5 gian tiền tế, 3 gian tiền đường và một gian hậu cung. Trong kháng chiến chống Pháp, Cẩm Khê là một địa bàn quan trọng của vùng hậu cứ Tiên Lãng.

Hằng ngày, ca nô, tàu chiến địch tuần tiễu ngược xuôi theo dòng Văn Úc và chúng xả sung vào từng bụi cây, gò đất mà chúng nghi là có du kích, bộ đội phục kích. Tàu chiến địch đã bao lần nã sung vào đền Gắm, phá trụi tòa tiền tế, làm hư hại tòa tiền đường và hậu cung.

Đền Gắm hiện bảo tồn, lưu giữ được một số di vật quý như bức cuốn thư, cửa võng chạm “lưỡng long chầu nguyệt”, y môn chạm “lưỡng long chầu hoa cúc”, long đình, nhang án, bát bửu, câu đối, chuông đồng, ngai rồng. Điều đặc biệt, đền Gắm được xây dựng trên chính mảnh đất Thái phó Ngô Lý Tín cắm đất làm nhà, mở trường dạy học, rèn luyện binh thư, võ nghệ và nổi danh khắp vùng. Mặc dù là nơi thờ vọng nhưng có phần mộ của thái phó thuộc hậu cung của đền, đấy chính là cội nguồn của sự linh thiêng và từ xa xưa nhân dân nơi đây đã lưu truyền câu: “Thứ nhất đền Bì, thứ nhì đền Gắm”.

Năm 1992, đền được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, đền Gắm đang từng bước hoàn thiện việc trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn của Trung ương. Dự án trùng tu, tôn tạo góp phần tạo dựng khu di tích quy mô lớn hơn trên một khuôn viên hài hòa, hoàn chỉnh, rộng khoảng 13 nghìn m2, phục vụ nhu cầu thăm viếng, thờ tự, tín ngưỡng, lễ hội, giới thiệu lịch sử văn hóa.


< Hậu cung đền Gắm mới được tu bổ, tôn tạo.

Lễ hội đền Gắm được tổ chức vào 3 ngày 18, 19, 20 tháng giêng hàng năm, phần lễ với nhiều nghi thức trang nghiêm, phần hội sinh động, phong phú, mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian Bắc bộ với nhiều trò chơi truyền thống như đấu vật, kéo co, chọi gà, đánh đu… thu hút hàng nghìn du khách ở mọi miền tổ quốc về dự.

Cùng với đó, dọc theo dòng Văn Úc hiền hòa còn có chùa Thắng Phúc, xã Tiên Thắng, ngôi chùa quy mô lớn vào bậc nhất của Thành phố, khu du lịch suối nước khoáng nóng xã Bạch Đằng, sự kết hợp này tạo nên một tour du lịch tâm linh, sinh thái đồng quê độc đáo, thu hút đông đảo khách du lịch về tìm hiểu và khám phá.