Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam
Bà Chúa Xứ là nhân vật truyền thuyết được thờ tự tại núi Sam. Miếu Bà là một di tích nổi tiếng ở Châu Đốc, hàng năm thu hút gần hai triệu lượt người đến cúng bái, tham quan. Khách hành hương, du lịch không những đến từ các tỉnh lân cận mà còn từ các tỉnh xa như miền Đông, miền Trung... tạo nên mùa lễ hội sôi nổi, đông đảo ở núi Sam suốt nhiều tháng.
Với người dân miền Tây Nam bộ, Bà Chúa Xứ núi Sam có công đức giúp bà con sống an bình. Vì thế hàng trăm năm nay người An Giang đã lập miếu Bà Chúa Xứ, thờ tự Bà như thần. Mỗi năm vào ngày vía bà (từ tháng 4 âm lịch kéo dài cho đến đầu tháng 6), rất đông khách hành hương từ các nơi về cúng bái, cầu may, xin phúc, vay tiền làm ăn.
Miếu Bà có từ bao giờ? Đến nay chưa có sử liệu nào ghi lại một cách chính xác. Trong dân gian tương truyền rằng: Cách đây khoảng 200 năm, tượng Bà (sau được gọi tôn là Bà Chúa Xứ) được dân địa phương phát hiện và khiêng xuống từ đỉnh núi Sam bằng 9 (có nguồn nói 12 hoặc hơn nữa) cô gái đồng trinh, theo như lời dạy của Bà qua miệng "cô đồng", nên người dân đã lập miếu để tôn thờ.
Có ý kiến cho rằng Thoại Ngọc Hầu hoặc vợ là bà Châu Thị Tế là người đã ban lệnh và hỗ trợ việc xây dựng miếu. Tuy khó xác minh, nhưng biết chắc là miếu ra đời sau khi vị quan này về đây trấn nhậm và kênh Vĩnh Tế đã hoàn tất (1824) mang lại lợi ích rõ rệt cho lưu dân và dân bản địa.
Lúc đầu, miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng, lưng quay về vách núi, chánh điện nhìn ra cánh đồng bát ngát. Sau nhiều lần trùng tu, miếu Bà khang trang hơn.
Năm 1870, ông Giáo Gia đề xướng xây cất lại thành ngôi miếu ngói và sau đó còn trùng tu nhiều lần, miếu được xây lại bằng đá miểng và lợp ngói, thu hút khách thập phương đến chiêm bái, tín ngưỡng.. Kiến trúc miếu có dạng chữ “quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Bên trong miếu có võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng của Ban Quý tế…
Đến năm 1972, miếu được xây dựng mới, đồ sộ và lộng lẫy theo lối kiến trúc cổ khính phương Đông. và hoàn thành vào năm 1976, tạo nên dáng vẻ như hiện nay, và người thiết kế là kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng.Mái cong nhiều tầng lợp ngói xanh, tường ốp gạch men bóng láng nhập từ nước ngoài, các khung cửa bằng gỗ quí được chạm trổ hoa văn công phu, mỹ thuật. Chánh điện cao rộng, thoáng khí, vừa uy nghi vừa ấm cúng.
Công trình là một quần thể hoành tráng trên mặt bằng rộng với dãy đông lang, tây lang, nhà khách... Bao bọc xung quanh cũng với kiến trúc mái cong, theo đồ án của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng, nhưng xây dựng dở dang. Mãi đến năm 1995. Ban Quản trị lăng miếu núi Sam mới tiếp tục xây dựng phần còn lại. Trường học được cải tạo thàng nhà trưng bày đồ sộ, hài hòa với miếu.
Tượng Bà là một tác phẩm nghệ thuật tạc bằng đá son, có từ thế kỷ thứ 6. Dáng người ngồi nghĩ ngợi, khoan thai, thuộc nền văn hóa Óc Eo, mang mô típ mỹ thuật Bà-la-môn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, tương tự tượng Phật Bốn Tay ở chùa Linh Sơn (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang).
Thực ra đây không phải là tượng người phụ nữ mà là tượng nam thần đang ngồi trầm tư, nghĩ ngợi, thường gặp trong các tín ngưỡng chịu ảnh hưởng của Bà-la-môn giáo. Nhà văn Sơn Nam cũng đã ghi: 'Tượng của Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Khơme, bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Người Việt đưa tượng vào miễu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó “Bà Chúa Xứ” là vị thần có quyền thế lớn ở khu vực ấy, xứ ấy…'.
Tượng Bà đặt giữa chánh điện, đội mão sặc sỡ, mặc áo bào thêu rồng phụng, kim tuyến lấp lánh. Khánh hành hương đã dâng cúng cho Bà hàng ngàn áo mão không sử dụng hết, có cái được đặt may từ nước ngoài trị giá vài cây vàng. Ngoài các bàn thờ Hội Đồng, Tiền hiền, Hậu hiền; cạnh tượng Bà Chúa Xứ, phía bên phải có thờ một tượng nữ thần nhỏ bằng gỗ, gọi là Bàn thờ Cô; phía bên trái có một Linga bằng đá rất to, cao khoảng 1,2m, gọi là Bàn thờ Cậu.
Các hoa văn ở cổ lầu chính điện, thể hiện đậm nét nghệ thuật Ấn Độ. Phía trên cao, các tượng thần khỏe mạnh, đẹp đẽ giăng tay đỡ những đầu kèo. Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc, lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi ở nơi đây cũng rực rỡ vàng son. Đặc biệt, bức tường phía sau tượng bà, bốn cây cột cổ lầu trước chính điện gần như được giữ nguyên như cũ.
Trước kia có nhiều hình thức cúng bái mê tín như xin xăm, xin bùa, uống nước tắm Bà để trị bệnh... Ngày nay, những hủ tục đó không còn nữa. Đa số khách đến viếng thăm để dâng hương cầu tài, cầu lộc, thể hiện lòng tạ ơn Bà bằng nhiều hình thức: Cúng heo quay, cúng tiền, lễ vật lưu niệm hoặc các tiện nghi phục vụ cho miếu.
Các vật lưu niệm ngày nay quá nhiều. Ban Quản trị đưa vào khu nhà lưu niệm để trưng bày. Tiền hỷ cúng hằng năm lên tới vài tỉ đồng (trong đó có vàng, đô-la). Nguồn tài chánh này ngoài việc trùng tu, xây dựng lăng, miếu còn góp phần vào nhiều công trình phúc lợi xã hội địa phương như: Làm đường, xây trường học, bệnh xá, đóng góp quỹ từ thiện, khuyến học...
Các lễ cúng ở miếu Bà vẫn được duy trì theo nghi thức cổ truyền. Vào lúc nửa đêm 23 rạng 24 tháng 4 âm lịch, lễ tắm Bà được tiến hành khoảng hơn 1 giờ đồng hồ nhằm lau sạch bụi bặm sau một năm dài. Lễ được chuẩn bị từ lúc 23 giờ 30 và bắt đầu lúc 0 giờ. Các vị bô lão trong lễ phục áo dài khăn đóng lên đèn, niệm hương, dâng rượu, dâng trà...
< Nơi trưng bày áo Bà.
Xong phần nghi thức, khoảng 4 đến 5 phụ nữ đứng tuổi, có uy tín trong làng tiến hành việc tắm Bà. Sau khi cởi áo mão, các vị dùng nước sạch có ngâm hoa lài tỏa mùi thơm ngào ngạt để lau cốt tượng. Xong, xịt nước hoa rồi mặc áo mão mới cho Bà. Mặc dù công việc này được thực hiện sau bức màn che nhưng có hàng ngàn người chen chúc nhau đến chứng kiến ngoài vòng rào chánh điện.
Lễ túc yết và lễ xây chầu được tiến hành trong đêm 25 rạng 26 tháng 4 âm lịch, đây là cuộc lễ chính trong lễ hội vía Bà. Từ đầu hôm, hàng chục ngàn người đã tụ về miếu Bà để được tham dự cuộc hành lễ này. Trước đó, hồi 15 giờ cuộc lễ thỉnh sắc thần được tiến hành trọng thể trong tiếng trống lân rộn rã. Các bô lão và thanh niên trong lễ phục, xếp hai hàng dưới bóng cờ, lộng sặc sỡ, hộ tống long đình rước bài vị của Ông Thoại Ngọc Hầu và hai vị phu nhân từ lăng về miếu.
Đúng 0 giờ, cuộc lễ túc yết bắt đầu với sự điều khiển của chánh bái và bốn đào thày. Lễ vật dâng cúng là một con heo trắng đã cạo mổ xong và một dĩa mao huyết tượng trưng cho con heo sống cùng với các mâm xôi, ngũ quả... Trong tiếng nhạc lễ và chiêng trống trỗi lên từng hồi, ông chánh bái và các đào thày dâng hương, dâng rượu, đọc văn tế, dâng trà. Lễ xây chầu được nối tiếp khi ông chánh bái cầm nhành dương vãi nước và đọc: "Nhất xái thiên thanh, nhị xái địa ninh, tam xái nhơn trường, tứ xái quỹ diệt hình: (có nghĩa là thứ nhất vãi lên trời xanh mong điều cao đẹp, thứ hai vãi xuống đất cho được màu mỡ, trúng mùa, thứ ba vãi loài người được trường thọ, thứ tư vãi diệt loài quỷ dữ). Xong, chánh bái ca công nổi trống ba hồi, đoàn hát bộ trên sân khấu trong võ ca trước chánh điện đã chuẩn bị sẵn, nổi trống theo và kéo màn trình diễn.
Đến 4 giờ sáng ngày 27 tháng 4 âm lịch, lễ chánh tế được tiến hành như lễ túc yết nhưng đơn giản hơn và 15 giờ cùng ngày đoàn thỉnh sắc làm lễ hồi sắc, đưa bài vị ông Thoại Ngọc Hầu và hai phu nhân trở về lăng, kết thúc một mùa vía.
Truyền Thuyết Miếu Bà Chúa Xứ.
1. Có truyền thuyết kể rằng, một hôm dân địa phương vào núi đốn củi, tình cờ họ phát hiện tượng bà nằm ở giữa rừng, bèn về báo cho dân làng, sau đó dân làng đã cùng nhau đưa tượng về, lập miếu thờ.
< Nơi Bà Chúa Xứ Núi Sam ngự khi xưa.
2. Một truyền thuyết khác kể rằng có một vị thần linh tự xưng là Bà Chúa Xứ Châu Đốc đã báo mộng cho dân làng; Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh lên đỉnh núi Sam, đưa tượng ta về lập miếu thờ, ta sẽ phù hộ cho dân sống an lành và làm ăn phát đạt. Sau đó, 9 cô gái được chọn cử lên đỉnh núi tìm tượng đá và quả nhiên, họ đã gặp một tượng đá trong tư thế ngồi, mắt nhìn thẳng về phía trước, bèn khiêng về, kỳ rửa sạch sẽ, và lập miếu thờ. Từ đó, hằng năm dân làng lấy ngày tượng bà được "an vị" tại miếu làm ngày lễ Vía Bà.
3. Một truyền thuyết khác nữa gắn với chiến công của Thoại Ngọc hầu và việc trùng tu ngôi miếu làm ngày lễ Vía Bà. Dưới triều Minh Mạng, khi Thoại Ngọc hầu giữ trọng trách trấn giữ biên giới tây nam, giặc ngoại xâm thường sang quấy nhiễu. Mỗi lần ông xuất quân, bà vợ thường đến khấn vái, mong Bà phù hộ Thoại Ngọc Hầu đánh thắng giặc, bảo vệ cuộc sống yên lành cho dân.
Về sau, để tạ ơn những điều ứng nghiệm, vợ Thoại Ngọc Hầu đã cho xây cất lại ngôi miếu to và khang trang hơn. Lễ khánh thành được tổ chức trong 3 ngày 24, 25, 26 tháng 4 âm lịch. Từ đó về sau thành lệ, dân chúng lấy những ngày trên làm lễ Vía bà. Nếu chi tiết này có thật, thì đây cũng là một thông tin cho biết thêm rằng miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng từ thời Minh Mạng.
4. Lại có truyền thuyết gắn với lễ Vía bà với tập quán sản xuất nông nghiệp ở địa phương, cho rằng tháng tư là thời vụ bà con xuống giống làm mùa. Họ làm lễ cầu Bà, hy vọng mùa sẽ được bội thu. Nhân dịp này, dân chúng tổ chức những cuộc vui chơi, rồi lâu dần thành lệ. Từ một hội làng Vĩnh Tế mang đặc điểm lễ cầu mùa trong nông nghiệp đã dần biến thành lễ Vía bà, thu hút đông đảo khách thập phương từ các nơi ngày càng đông.
Lễ hội
Hàng năm, lễ hội “Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam” diễn ra từ ngày 23 đến 27-04 âm lịch. Hàng vạn người đổ về dự lễ và tham gia các trò vui như: hát bội, múa võ, ca nhạc ngũ âm, múa lân, đánh cờ... Phần lễ có những nghi lễ chính như sau:
- Lễ “Tắm Bà” (tương tự như lễ mộc dục ở miền Bắc): Được cử hành vào lúc 0 giờ ngày 24-04 âm lịch. Mở đầu lễ, 2 ngọn nến to được đốt sáng lên trong chánh điện. Ông lễ chánh bái nghi cùng với 2 vị bô lão, ban quản lý miếu niệm hương, dâng rượu và trà. Bức màn vải có viền ren lộng lẫy kéo ngang bệ thờ, che khuất khu vực đặt tượng, 9 cô gái trẻ được phân công trước bắt đầu vén màn tắm cho tượng Bà. Đầu tiên là cởi mũ, áo, khăn đai từ lớp ngoài vào trong để lộ toàn thân pho tượng.
Những cô gái được phân công việc tắm Bà lần lượt nhúng từng chiếc khăn mới vào chậu nước thơm, vắt ráo rồi lau tượng nhiều lần. Sau đó, họ dùng nước hoa xịt khắp bức tượng rồi chọn bộ đồ mới đẹp nhất khoác lên bức tượng, thắt chặt đai, chít khăn, đội mão, gắn lại những ngọn đèn màu trang trí như cũ. Lễ tắm Bà thường kéo dài khoảng một giờ, sau đó bức màn ngăn được kéo lên để cho khách tự do chiêm bái, dâng hương, hoặc xin lộc Bà. Phần Lễ Tắm Bà kết thúc…Nước tắm cho Bà còn lại sẽ đem hoà trong 2 thùng nước lớn để phân phát cho du khách trẩy hội.
- Lễ Thỉnh sắc: cử hành vào khoảng 16h chiều ngày 25, một đoàn người gồm các bô lão trong làng quần áo chỉnh tề, tiến từ miếu Bà sang lăng Thoại Ngọc Hầu để thỉnh sắc (thật ra, đây là lễ rước bài vị, vì sắc đã không còn). Dẫn đầu có đội múa lân, các học trò lễ tay cầm cờ phướn đi hầu phía trước và sau chiếc kiệu sơn son thiếp vàng gọi là long đình. Đến điện thờ, ông chánh bái làm lễ niệm hương, rồi thỉnh bài vị đưa lên kiệu trở về miếu Bà. Ba chiếc bài vị mang tên Thoại Ngọc Hầu và tên bà vợ chánh Châu Thị Tế, bà vợ thứ Trương Thị Miệt được đặt trên bàn thờ ở chánh điện. Bài vị thứ tư mang tên Hội đồng, ghi công lao các quan quân đã theo Thoại Ngọc Hầu xưa kia, được đặt riêng ở bàn thờ phía trước.
- Lễ Túc yết: được tổ chức lúc 0 giờ đêm 25 rạng 26-04 âm lịch, gồm có hai phần: nghi thức cúng tế và phần xây chầu. Lễ vật dâng cúng gồm có: một con heo trắng, một đĩa huyết heo có kèm theo nhúm lông nhỏ. Một mâm trái cây, trầu cau, gạo, muối. Sau ba hồi chiêng, trống, nhạc lễ nổi lên, lễ dâng hương, dâng trà bắt đầu. Nghi thức cúng tế kết thúc bằng động tác của ông chánh tế đốt bản văn tế cùng giấy vàng bạc. Tiếp theo nghi thức cúng tế là phần xây chầu được tiến hành ở nhà võ ca. Sau phần cầu nguyện của ông Chánh bái, xin cho mưa thuận gió hoà, đất đai phì nhiêu, mùa màng bội thu, dân chúng khỏe mạnh, yên vui, các loài quỷ dữ bị tiêu diệt, lễ Xây chầu bắt đầu bằng ba hồi trống lệnh. Sau đó, chiêng trống rộ lên, chương trình hát bội bắt đầu.
- Lễ Chánh tế: được tổ chức vào tờ mờ sáng ngày 27, gần giống như nghi thức cúng Túc yết.
- Lễ Hồi sắc: cử hành vào khoảng 15h ngày 27-04, đoàn hành lễ sẽ rước bài vị Thoại Ngọc Hầu và nhị vị phu nhân từ miếu trở về Sơn Lăng. Kết thúc lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.
Miếu Bà chúa Xứ là một trong những danh thắng của núi Lam được nhà nước xếp hạng. Nơi đây đã mang dấu ấn của cả một thời đại hào hùng, thời đại chống giặc ngoại xâm. Và ngay nay miếu Bà Chúa Xứ vẫn thật sự là điểm đến của du khách bốn phương, là nơi mà con người cầu mong về những điều thiêng liêng, tốt đẹp nhất.
tổng hợp
0 nhận xét: